Hội thảo về “Vai trò xét nghiệm kháng thể trong chương trình đánh giá hiệu quả vắc xin SARS-CoV-2"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 16/3, Trường Đại học Y Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Vai trò xét nghiệm kháng thể trong chương trình đánh giá hiệu quả vắc xin SARS-CoV-2".
Hội thảo về “Vai trò xét nghiệm kháng thể trong chương trình đánh giá hiệu quả vắc xin SARS-CoV-2
Hội thảo về “Vai trò xét nghiệm kháng thể trong chương trình đánh giá hiệu quả vắc xin SARS-CoV-2

COVID-19 là đại dịch toàn cầu, gây ra nhiều thiệt hại về con người, kinh tế cho nhiều nước trong đó có Việt Nam. Việc nghiên cứu, phát triển và đánh giá hiệu quả của vắc xin COVID-19 là một trong những nhiệm vụ cấp bách và mục tiêu hàng đầu của Bộ Y tế nước nhà.

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS.NGND Tạ Thành Văn nhấn mạnh: Vắc xin SARS-CoV-2 đang trở thành chủ đề được giới chuyên môn quan tâm và đánh giá cao, việc nghiên cứu vắc xin hiện nay đòi hỏi sự nỗ lực vô cùng lớn của các nhà khoa học. Vì vậy hội thảo này nhằm cập nhật các kiến thức mới nhất về tình hình nghiên cứu, phát triển vắc xin cũng như vai trò quan trọng của các xét nghiệm đánh giá hiệu quả vắc xin là hết sức cần thiết trong đại dịch COVID-19.

GS.TS.NGND. Tạ Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội - phát biểu khai mạc hội thảo

GS.TS.NGND. Tạ Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội - phát biểu khai mạc hội thảo

Tại hội thảo, TS. Đỗ Tuấn Đạt - Chủ tịch Công ty TNHH MTV vắc xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) trình bày báo cáo “Phát triển vắc xin COVID-19: Mối liên quan giữa xét nghiệm miễn dịch và việc đánh giá hiệu quả của vắc xin. Trong đó, TS. Đỗ Tuấn Đạt đề cập đến mối liên quan giữa xét nghiệm miễn dịch và việc đánh giá hiệu quả vắc xin, những thông tin về hiệu quả vắc xin của các hãng hiện nay trên thế giới, cũng như đáp ứng miễn dịch của vắc xin COVID-19 do VABIOTECH phát triển.

Hội thảo diễn ra dưới sự chủ trì của GS.TS.NGND. Tạ Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Hà Nội cùng sự tham dự của đại diện Công ty Siemens Healthineers và Công ty MEDICOM - nhà phân phối của SIEMENS cùng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu vaccine. Hội thảo được tổ chức với sự phối hợp của Trường Đại học Y Hà Nội với Đơn vị Xét nghiệm Kỹ Thuật cao thuộc Khoa xét nghiệm - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Công ty Siemens Healthineers.

Theo TS. Đỗ Tuấn Đạt, vắc xin COVID-19 trên thế giới hiện đang được phát triển chủ yếu dựa vào vùng gene S theo nhiều kỹ thuật khác nhau, sử dụng virut bị bất hoạt, vector virut, tiểu đơn vị protein và mRNA, DNA. Để đánh giá hiệu quả của vắc xin (hiệu lực bảo vệ của vắc xin), người ta dùng phép tính toán dựa trên tỉ số ca bệnh ở nhóm người tình nguyện được tiêm vắc xin và nhóm người không được tiêm vắc xin. Trong nghiên cứu thử nghiệm vắc xin ở pha III, cần đo lượng kháng thể trước khi tiêm, sau khi tiêm mũi 1, tiêm mũi 2 ở người tình nguyện.

Bên cạnh đó, việc đánh giá mối tương quan giữa kháng thể dịch thể và hiệu giá trung hòa, nghiên cứu đánh giá giá trị cut-off của xét nghiệm kháng thể có khả năng bảo vệ cơ thể trước SARS-CoV-2 và theo dõi khoảng thời gian duy trì mức kháng thể này là những yếu tố quan trọng trong đánh giá hiệu quả vắc xin.

TS. Đỗ Tuấn Đạt - Chủ tịch Công ty TNHH MTV vắc xin và sinh phẩm số 1 trình bày báo cáo

TS. Đỗ Tuấn Đạt - Chủ tịch Công ty TNHH MTV vắc xin và sinh phẩm số 1 trình bày báo cáo

Ngoài ra, xét nghiệm kháng thể còn được sử dụng trong nghiên cứu các trường hợp người bệnh COVID-19 đã khỏi, đánh giá huyết tương dưỡng. Bài báo cáo cũng đề cập đến những nghiên cứu mới nhất về hiệu quả của các vắc xin trên thế giới, một số vắc xin đã và đang được phát triển ở Việt Nam và thách thức của ngành sản xuất vắc xin trước những biến chủng SARS-CoV-2.

Cũng tại hội thảo, TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Lan - giảng viên Bộ môn Hóa sinh, Trưởng Đơn vị Xét nghiệm Kỹ thuật cao, Phó trưởng Khoa xét nghiệm – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – cũng đã trình bày báo cáo “Vai trò của xét nghiệm kháng thể trong chương trình đánh giá hiệu quả của vắc xin.

TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Lan - Trưởng Đơn vị Xét nghiệm Kỹ thuật cao, Phó trưởng Khoa xét nghiệm – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội báo cáo tại hội thảo
TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Lan - Trưởng Đơn vị Xét nghiệm Kỹ thuật cao, Phó trưởng Khoa xét nghiệm – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội báo cáo tại hội thảo

Báo cáo của TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Lan đề cập đến vai trò của xét nghiệm kháng thể kháng S1-RBD và những thông tin quan trọng của xét nghiệm này trong chương trình đánh giá hiệu quả vắc xin, đặc biệt trong giai đoạn đánh giá lâm sàng.

S1 spike protein là 1 trong những protein trên bề mặt của virus SARS-CoV2. Protein S1 gắn với thụ thể trên màng tế bào vật chủ, gây hoà màng tế bào, virus xâm nhập, và gây bệnh cho vật chủ. Kháng thể kháng protein S1 sẽ ngăn chặn quá trình nhận biết này, từ đó giúp cơ thể vật chủ chống lại sự lây nhiễm của COVID-19. Kháng thể kháng protein S1 được tìm thấy ở bệnh nhân COVID-19 từ ngày thứ 4 và tồn tại nhiều ngày sau đó, ở những bệnh nhân đã hồi phục.

Các đại biểu dự hội thảo

Các đại biểu dự hội thảo

Xét nghiệm kháng thể kháng S1-RBD được khuyến cáo sử dụng trong giám sát quần thể chung, đánh giá bệnh nhân COVID-19 đã khỏi, đánh giá hiệu lực kháng thể ở người được tiêm vắc xin nhắm đích là kháng nguyên S1-RBD, và đánh giá miễn dịch tiềm năng trong quần thể.

Trong chương trình đánh giá hiệu quả vắc xin, xét nghiệm S1-RBD có nhiều ưu điểm, với độ tương quan tốt với PRNT, độ nhạy, độ đặc hiệu cao, có ý nghĩa trong theo dõi hiệu quả điều trị và quan trọng trong thúc đẩy sức khoẻ cộng đồng.

Các đại biểu đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến vai trò của xét nghiệm kháng thể trong chương trình đánh giá hiệu quả của vắc xin để cùng trao đổi

Các đại biểu đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến vai trò của xét nghiệm kháng thể trong chương trình đánh giá hiệu quả của vắc xin để cùng trao đổi

Tại buổi hội thảo, các đại biểu đặt đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến vai trò của xét nghiệm kháng thể trong chương trình đánh giá hiệu quả của vắc xin và đã được các báo cáo viên giải đáp đầy đủ.