Hội nghị Đột quỵ Quốc tế với chủ đề “Tiếp cận đa chuyên khoa” do Hội Đột quỵ TP Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Bệnh viện Bạch Mai tổ chức, đã khai mạc vào sáng nay, 28/10, tại Hà Nội.
Hội nghị nhằm nâng cao kiến thức cho các bác sĩ chuyên ngành đột quỵ trong phối hợp đa chuyên khoa, để nâng cao hiệu quả điều trị, giảm tử vong và giảm di chứng cho bệnh nhân đột quỵ.
Hội nghị diễn ra trong 2 ngày, đã quy tụ các chuyên gia hàng đầu về đột quỵ đến từ Áo, Canada, Úc, Nhật Bản, Nga, Malaysia, cùng các chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, nghiên cứu viên thuộc các bệnh viện và các trường đại học y trong nước với hơn 2000 hội thảo viên cùng 500 hội thảo viên tham dự online.
Phát biểu tại lễ khai mạc, GS.TS. Lê Ngọc Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Đại học Quốc gia Hà Nội - bày tỏ: Các thầy thuốc chuyên ngành đột quỵ luôn phải chạy đua với thời gian để tìm cơ hội sống cho người bệnh. Sự khó khăn, khắc nghiệt đó đòi hỏi các thầy thuốc phải có tinh thần trách nhiệm cao, kiến thức vững vàng, không ngừng học tập, nghiên cứu khoa học, để nâng cao trình độ chuyên môn và có mô hình tổ chức hiệu quả.
Hội nghị Đột quỵ quốc tế lần này cũng là dịp để các thầy thuốc chuyên ngành đột quỵ thảo luận, cập nhật những định hướng mới về đột quỵ, về đào tạo đột quỵ cùng các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế.
PGS.TS. Nguyễn Văn Chi - Chủ tịch danh dự Hội Đột quỵ TP Hà Nội, chuyên gia hàng đầu về đột quỵ ở Bệnh viện Bạch Mai - cũng chia sẻ: Đột quỵ não là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế trên toàn thế giới. 71% người bệnh sau đột quỵ bị mất khả năng lao động. Hậu quả của đột quỵ não không chỉ ảnh hưởng ở mỗi gia đình mà là gánh nặng y tế và xã hội. Do đó, việc ra đời các đơn vị đột quỵ, trung tâm chuyên sâu về đột quỵ đã làm thay đổi chất lượng chăm sóc bệnh nhân đột quỵ, nhằm cải thiện tỷ lệ tử vong và tàn phế.
Hội nghị Đột quỵ Quốc tế 2023 nhằm cập nhật kiến thức mới, phương pháp điều trị đột quỵ mới, hiện đại hơn, hiệu quả hơn. Các chuyên gia sẽ xem xét, đánh lại quy trình, phác đồ tiến bộ mới trong điều trị đột quỵ.
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Chi, hội nghị chọn chủ đề “Tiếp cận đa chuyên khoa” vì đột quỵ liên quan đến nhiều chuyên khoa: Rối loạn nhịp, suy thận, thừa cân … và quá trình điều trị cũng liên quan đến nhiều chuyên khoa: Dinh dưỡng, hình ảnh, hô hấp, chăm sóc, hồi sức cấp cứu.... Vì thế, cần sự phối hợp của nhiều chuyên khoa để tối ưu hoá việc điều trị đột quỵ.
GS.TS. Nguyễn Văn Thông - Chủ tịch Hội phòng, chống Đột quỵ Việt Nam - nhấn mạnh: Đột quỵ không của riêng ai, cũng không riêng chuyên khoa nào, mà phải phối hợp rất nhiều chuyên khoa, từ hồi sức cấp cứu, chẩn đoán, tim mạch. Vì thế, chủ đề “Tiếp cận đa chuyên khoa” rất đúng với chuyên ngành đột quỵ.
Theo PGS.TS. Mai Duy Tôn - Chủ tịch Hội Đột quỵ Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai - tại Hội nghị Đột quỵ Quốc tế 2023, các chuyên gia đã cập nhật các kiến thức mới nhất về chẩn đoán điều trị, can thiệp mạch não và các kỹ thuật chuyên sâu về đột quỵ, có tính ứng dụng thực tiễn cao trong lâm sàng, cung cấp kiến thức để hỗ trợ nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Hàng loạt kinh nghiệm tối ưu kiến thức mới nhất đã được trình bày: “Tiêu huyết khối tĩnh mạch trong đột quỵ não: Làm sao để tối ưu hoá?”, “Dự phòng biến chứng, suy giảm nhận thức sau đột quỵ”, “Phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ”, “Đột quỵ não do xơ vữa: Thách thức trong dự phòng thứ phát”, “Cấp cứu đột quỵ trước bệnh viện: Hiện thực và tương lai”, “Hồi sức đột quỵ nâng cao”, “Đột quỵ chảy máu não: Cập nhật điều trị 2023”, “Thuốc chống huyết khối: Cơ hội và thách thức trong thực hành lâm sàng”, “Can thiệp nội mạch trong đột quỵ: Năm 2023 có gì mới?” và “Tối ưu hoá dự phòng đột quỵ não” …
Tại Hội nghị lần này, còn có chuyên đề về điều dưỡng trong chăm sóc người bệnh đột quỵ với trên 300 người tham dự tại chỗ cùng hơn 500 người dự online.
“Đây là hoạt động rất ý nghĩa nhân Ngày Đột quỵ Thế giới 29/10” - PGS.TS. Mai Duy Tôn chia sẻ.
Hội nghị lần này cũng là dịp Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai được chứng nhận Kim Cương lần thứ 11 của Tổ chức Đột quỵ Thế giới qua chương trình Angels. Chương trình Angels nhằm giúp cho người bệnh được xử trí kịp thời và chuẩn mực nhờ việc tăng số lượng bệnh viện có khả năng cấp cứu đột quỵ với chất lượng được tối ưu hóa.
(Ảnh: Thế Anh)
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu