Hội đồng nhân dân TP.HCM họp bất thường vì COVID-19

VietTimes - Chiều 27/3, Hội đồng Nhân dân TP.HCM tổ chức Kỳ họp thứ 19 (kỳ họp bất thường, HĐND Thành phố khóa IX) để bàn, xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng trong công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại Kỳ họp bất thường (Ảnh: TTBC)
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại Kỳ họp bất thường (Ảnh: TTBC)

Chấp nhận hy sinh lợi ích trong ngắn hạn

Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đòi hỏi phải có những quyết sách kịp thời để thực hiện công tác chống dịch theo đúng quy định. Vì vậy, HĐND TP.HCM tổ chức kỳ họp bất thường này để xem xét, thông qua Nghị quyết về công tác phòng, chống dịch và chủ trương về một số chế độ để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ người lao động bị tác động bởi dịch COVID-19 trên địa bàn. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM Nguyễn Thị Lệ chủ trì kỳ họp.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết: “Thường trực UBND TP.HCM duy trì nguyên tắc chống dịch, ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và nguyên tắc “5 tại chỗ”.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định lại tinh thần của Thủ tướng Chính phủ: “Kinh tế khó khăn có thể tìm giải pháp hỗ trợ nhưng tính mạng của người dân thì không thể thay thế. Chúng ta chấp nhận tiếp tục hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo đảm an toàn cho người dân”.

“TP. HCM sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp, phấn đấu, quyết tâm kiềm chế tối đa dưới 150 ca nhiễm để cùng cả nước kiềm chế dưới 1.000 ca nhiễm bệnh Covid-19 trong thời gian tới” - Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM Nguyễn Thị Lệ chủ trì kỳ họp
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP.HCM Nguyễn Thị Lệ tại Kỳ họp


Trước mắt, TP.HCM sẽ thực hiện ngay các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể như gia hạn nộp thuế, miễn/giảm thuế, điều chỉnh doanh thu khoán cho hộ, cá nhân kinh doanh theo tỷ lệ giảm thực tế; ổn định mặt bằng lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình phục hồi sau khi hết dịch COVID-19; xây dựng kế hoạch hỗ trợ về vốn, chính sách để doanh nghiệp dự trữ nguồn hàng, nguyên vật liệu tại chỗ; đảm bảo hoạt động sản xuất, cung ứng hàng hóa liên tục, không gián đoạn, kể cả trong tình huống dịch bệnh lan rộng, nhiều khu vực bị cách ly.

Ngoài ra, bảo đảm cân đối nguồn hàng phòng chống dịch và phục vụ nhu cầu người dân; Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công nhằm kích cầu kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh.

Tập trung xử lý, giải quyết khó khăn vướng mắc về lao động; hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19; xem xét giảm hoặc miễn đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian 01 năm nhưng vẫn bảo lưu thời hạn để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Thành phố cũng sẽ điều chỉnh hệ số tính tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức năm 2020 nhằm chia sẻ khó khăn với đồng bào, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong cuộc chiến chống dịch Covid -19. Cụ thể: đối với cán bộ công chức, viên chức có hệ số lương trên 3,00: hệ số điều chỉnh tăng thu nhập tối đa từ 1,2 xuống 0,6 so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ của năm 2020; đối với cán bộ công chức, viên chức có hệ số lương từ 3,00 trở xuống: hệ số điều chỉnh tăng thu nhập tối đa từ 1,2 xuống 0,8 so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ của năm 2020.

Hơn 2.700 tỷ đồng phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19

Kỳ họp đã dành nhiều thời gian để trao đổi, thảo luận, cho ý kiến và nhất trí thông qua tờ trình của UBND TP về một số chế độ chi phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 và hỗ trợ cho người lao động bị tác động bởi dịch COVID-19.

Theo đó, mức hỗ trợ của TP. Hồ Chí Minh cho người bị cách ly và các lực lượng chống dịch được thông qua cao hơn mức chung đề xuất bởi Bộ Y tế và Bộ Tài chính. Ngoài ra, còn áp dụng với cả trường hợp bị cách ly tại khu dân cư nhưng không áp dụng với người cách ly tại nhà.

TP.HCM chuẩn bị xe cứu thương
Hội đồng Nhân dân TP.HCM thông qua việc trang bị 10 xe ô tô chuyên dùng có áp lực âm cho Trung tâm Cấp cứu 115 phục vụ công tác phòng chống dịch (Ảnh: Phạm Nguyễn) 


Cụ thể, người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế (kể cả tại khu dân cư được khoanh vùng để kiểm dịch, phân loại trước khi chuyển đến khu cách ly tập trung và không bao gồm cách ly tại nhà, nơi lưu trú), người đang điều trị COVID-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố: mức hỗ trợ 90.000 đồng/người/ngày. Công an, quân đội và các lực lượng khác tham gia phối hợp phòng chống dịch COVID-19: mức hỗ trợ 90.000 đồng/người/ngày. Riêng nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch: mức hỗ trợ 120.000 đồng/người/ngày. Thời gian hỗ trợ trong thời gian áp dụng biện pháp cách ly y tế và điều trị COVID-19.

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh còn hỗ trợ khẩu trang cho học sinh, học viên tại các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp công lập; Công nhân vệ sinh (thu gom rác, vận chuyển rác, quét đường, thoát nước) Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị, Công ty TNHH MTV Thoát nước thành phố, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích tại 24 quận huyện trực tiếp tham gia chống dịch. Định mức hỗ trợ 3 cái người/tháng (loại khẩu trang kháng khuẩn, có thể giặt và tái sử dụng 10 lần). Thời gian hỗ trợ 3 tháng.

Hội đồng Nhân dân TP.HCM thông qua việc trang bị 10 xe ô tô chuyên dùng có áp lực âm cho Trung tâm Cấp cứu 115 phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

TP Hồ Chí Minh cũng hỗ trợ cho người lao động bị mất việc do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của nhà nước), bao gồm cả giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và nhóm trẻ với định mức 1.000.000 đồng/người/tháng; thời gian hỗ trợ tính theo số ngày thực tế mà người lao động bị mất việc, tối đa không quá 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6/2020). Dự kiến, số lượng lao động được hỗ trợ là 600.000 người.

Như vậy, theo tính toán của thành phố tổng kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 khoảng 2.753 tỷ đồng. Nguồn dự phòng ngân sách của thành phố hiện nay khoảng 3.500 tỷ đồng (gồm ngân sách cấp thành phố khoảng 2.964 tỷ đồng; ngân sách cấp quận huyện là 526 tỷ đồng). Từ đầu năm đến nay đã sử dụng khoảng 200 tỷ đồng, ước dự phòng ngân sách thành phố còn khoảng 2.764 tỷ đồng. Như vậy, có thể đảm bảo tương đối với điều kiện chi cao nhất trong việc phòng chống dịch COVID-19.

Nguyên Giám đốc Sở TTTT trở thành Phó Chủ tịch UBND TP.HCM

Đại biểu bỏ phiếu bầu bổ sung các chức danh tại Kỳ họp bất thường (Ảnh: TTBC)
Đại biểu bỏ phiếu bầu bổ sung các chức danh tại Kỳ họp bất thường (Ảnh: TTBC)

Kỳ họp cũng thông qua Tờ trình miễn nhiệm và bầu chức danh Ủy viên UBND TP.HCM và Tờ trình giới thiệu nhân sự bầu bổ sung chức danh Phó Chủ tịch UBND TP.HCM khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021.

Ông Dương Anh Đức, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đã được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2016 – 2021; ông Tăng Hữu Phong (Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận Tân Phú, nguyên Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ) giữ chức Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM.

Đại biểu tại kỳ họp đã bỏ phiếu miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND TP.HCM đối với ông Nguyễn Trường Thắng (nguyên Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố) và bầu bổ sung 2 Ủy viên UBND TP.HCM là Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam (Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố) và bà Phạm Thị Hồng Hà (Giám đốc Sở Tài chính).