Sáng chủ nhật, ngày 15/3, tôi đã có trải nghiệm nhập cảnh chưa từng có trong đời. Hơn năm tiếng đồng hồ chờ nhập cảnh vào Việt Nam, tôi được đưa vào khu vực cách ly bao gồm hàng trăm người trở về từ Mỹ, được chở đến khu xét nghiệm COVID-19, và sau đó được đưa trở về nhà để tự cách ly cho đến khi nhận được kết quả.
Cho dù có kết quả xét nghiệm âm tính, tôi được yêu cầu phải “tự theo dõi tại nhà” trong 14 ngày tới.
Nhìn lại, tôi thấy rằng Chính phủ Việt Nam đã làm tốt hơn tôi mong đợi, xét trong bối cảnh những công bố liên quan đến vấn đề nhập cảnh và xét nghiệm COVID-19 được đưa ra vào phút chót.
Tại trung tâm cách ly để xét nghiệm ở quận Tân Bình (TP.HCM). Ảnh nhân vật cung cấp.
|
Tuy nhiên, từ trải nghiệm cá nhân, tôi thấy có một vài cách mà quá trình xét nhập cảnh và xét nghiệm cho khách nước ngoài có thể được truyền thông rõ ràng và suôn sẻ hơn, nhất là đối với những người nước ngoài nói tiếng Anh như tôi.
Thứ Sáu, ngày 13/3: Việt Nam sắp đóng cửa biên giới
Thứ Sáu tuần trước, tôi đang ở San Francisco do yêu cầu công việc thì nhận được tin nhắn đầy lo lắng của một người bạn Việt Nam cho biết Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố sẽ từ chối cấp thị thực cho mọi người nước ngoài kể từ ngày 15/3 đến ngày 15/4/2020.
Stephen Turban đang kể chuyện về hành trình nhập cảnh vào Việt Nam giữa lúc Covid-19 đe dọa toàn thế giới. Ảnh nhân vật cung cấp.
|
Thông cáo báo chí đề cập đến “thị thực” nên tôi không rõ liệu chính sách này có ảnh hưởng đến những người nước ngoài sống toàn thời gian và làm việc ở Việt Nam với giấy phép lao động như tôi hay không. Vì thế, tôi gọi vào đường dây nóng và được nói chuyện trực tiếp với một nhân viên ở đó.
Người này cho biết “kể từ 10 giờ sáng thứ hai, 16/3, Việt Nam sẽ đóng cửa biên giới với tất cả những ai không phải là công dân Việt Nam”.
Mặc dù tôi không chắc điều này có chính xác không, tôi biết rằng nguy cơ không được quay về Việt Nam rất lớn. Dù vậy, tôi vẫn phải đánh cược một lần bởi nếu không, tôi có thể không được vào Việt Nam hàng tháng trời, và điều này sẽ ảnh hưởng đến công việc.
Tại tiệm cà phê, tôi đặt vé chuyến bay về TP.HCM, quá cảnh Đài Bắc và dự kiến hạ cánh ở Tân Sơn Nhất lúc 10 giờ sáng ngày 15/3. Chuyến bay diễn ra suôn sẻ, trừ việc đến 80% ghế trống.
Chủ nhật, ngày 15/3: Đến sân bay Tân Sơn Nhất và gia nhập hàng dài
Tôi xuống đến sân bay Tân Sơn Nhất khoảng 10 giờ sáng và ngay khi vào đến khu vực làm thủ tục nhập cảnh, tôi đã nhận ra đó sẽ là một cuộc chiến. Những hàng người dài dằng dặc tràn ra cả khu vực cửa vào.
Có ít nhất khoảng 150 con người đang cố gắng để vượt qua phần mở màn trong hành trình nhiều bước để được nhập cảnh và kiểm tra y tế.
Vào Việt Nam lúc này không dễ. Ảnh nhân vật cung cấp.
|
Bên cạnh dòng người đang chờ là các dãy bàn đề tên các hãng hàng không khác nhau, với biển đề “dành cho khách quá cảnh”, nhưng rõ ràng những bàn này dành cho những người không muốn mạo hiểm với việc xét nghiệm và bị cách ly. Ở đó chủ yếu là những người châu Âu đặt vé bay ra khỏi Việt Nam.
Hàng dài đầu tiên dành cho mọi hành khách đến từ bất kỳ đâu để nộp tờ khai y tế. Tờ khai y tế này yêu cầu bạn cung cấp tên tuổi, địa chỉ liên hệ, thông tin chuyến bay, số ghế cũng như các triệu chứng.
Sau khi xếp hàng mất khoảng 45 phút, tôi nói chuyện được với một nhân viên sân bay đang đeo khẩu trang.
Khi biết được tôi đến từ Mỹ, anh này trả lại tờ khai y tế và chỉ dẫn tôi vào một khu vực rộng hơn, có quây rào chắn và biển đề “khu vực cách ly”. Trong phòng chờ, khoảng gần 200 người đang ngồi la liệt trên ghế lẫn sàn nhà.
Bao trùm trong khu vực cách ly này là nỗi hoang mang và chán nản. Hầu như không có ai đứng ra giải thích cho mọi người biết họ đang chờ cái gì và tại sao. Sau khoảng 45 phút ngồi chờ, một phụ nữ mặc đồng phục bắt đầu nói gì đó bằng tiếng Việt mà tôi không hiểu được (dù đã học tiếng Việt hơn 1 năm và giao tiếp khá tốt). Ngay sau đó, một nhóm người bắt đầu đi theo cô ấy, một số thậm chí còn chạy vội lên để giành lấy vị trí đi đầu.
Tôi đi theo nhóm người này để rồi khá thất vọng khi phát hiện ra rằng mình lại vào một khu vực tạm giữ khác, được quây rào chắn xung quanh. Lần này có khoảng 150 người, trong đó có 20-30 người nước ngoài.
Mất khoảng 1 tiếng rưỡi chờ đợi, đi loanh quanh chán chê trong khu vực chờ, giờ chỉ cách chỗ nhập cảnh vài bước chân, cuối cùng chúng tôi cũng thấy một nữ nhân viên bước ra và bắt đầu đọc to tên. Sau khi được đọc tên, mọi người sẽ xếp hàng trước khu vực nhập cảnh và nhanh chóng được đưa đến trung tâm xét nghiệm COVID-19.
Chúng tôi được biết rằng trung tâm này nằm ở Quận Tân Bình, cách sân bay khoảng 10 phút lái xe.
Bên trong trung tâm xét nghiệm Covid-19 ở TP.HCM. Ảnh nhân vật cung cấp.
|
Chờ mãi không thấy tên mình được gọi, tôi đến gần hỏi một nhân viên ở đó xem làm cách nào để được đăng ký vào danh sách. Cô ấy hỏi tôi đã nộp tờ khai y tế chưa và tôi lắc đầu.
Thực tế, không có ai hướng dẫn chúng tôi cần phải làm gì. Có thể đã có thông báo nào đó bằng tiếng Việt nhưng rõ ràng là không có thông báo nào bằng tiếng Anh cả.
Đây chỉ là một trong nhiều khoảnh khắc mà quá trình nhập cảnh trở nên rất khó khăn cho những người nước ngoài không biết tiếng Việt.
Sau khi nộp tờ khai y tế, chúng tôi tiếp tục chờ đợi thêm nửa tiếng nữa cho đến khi người phụ nữ bước ra với một danh sách dài các tên. Lần này, có khoảng 150 người vây quanh cô.
Thật may mắn là tên tôi được đọc ngay đầu và chúng tôi được xếp hàng làm thủ tục nhập cảnh. Chúng tôi ra lấy hành lý sau đó được đưa lên xe chở đến trung tâm làm xét nghiệm. Khi đi qua, tôi cảm ơn cô nhân viên và nói bằng tiếng Việt “cố lên” để động viên cô ấy. Cô cười với tôi rồi cho biết thật may mắn là tôi chỉ mất vài giờ đồng hồ.
Đến trưa nay, biên giới sẽ đóng cửa với tất cả những ai đang cố gắng vào Việt Nam.
Hành trình ở trung tâm xét nghiệm COVID-19
Mất thêm 30 phút chờ đợi, chúng tôi được xếp lên một trong những hàng dài xe 16 chỗ trước cửa sân bay để về trung tâm xét nghiệm. Khi xe đến trung tâm, tôi vô cùng ngạc nhiên khi nhận thấy một tòa nhà yên bình lạ thường, với vài người bảo vệ đứng trước cửa.
Dấu hiệu duy nhất cho biết tòa nhà này được sử dụng làm nơi xét nghiệm là một vài người mặc bộ đồ y tá và biển đề “Khu vực cách ly”.
Chúng tôi được yêu cầu bỏ lại hành lý ở phía trước và được mang theo ba lô xách tay. Các y tá hướng dẫn chúng tôi rửa tay, hong khô và thay khẩu trang. Sau đó, chúng tôi được yêu cầu bước vào trung tâm xét nghiệm.
Trước sự ngạc nhiên dễ chịu của tôi, trung tâm xét nghiệm rất sạch sẽ và được tổ chức tốt. Nó có vẻ không đông và các nhân viên đều có sự chuẩn bị kỹ càng.
Kế tiếp, chúng tôi ngồi xuống và nhân viên ở đó yêu cầu điền form. Không may là tờ khai tiếng Anh không được dịch chuẩn lắm nên tôi bắt đầu trao đổi với nhân viên ở đó để hiểu rõ ý nghĩa của một số câu hỏi. Cuối cùng, tôi giúp họ soạn ra một tờ khai tiếng Anh mới.
Sau khi điền xong form, chúng tôi đi ra phòng phía sau để làm xét nghiệm. Quá trình làm xét nghiệm diễn ra nhanh chóng, chỉ là một cái que lấy chất nhầy từ mũi và họng. Khoảng 30 phút sau khi đến trung tâm xét nghiệm, chúng tôi được cho biết giờ có thể trở về nhà.
Tờ rơi hướng dẫn mà Stephen Turban nhận được. Ảnh nhân vật cung cấp.
|
Điều lạ là nhân viên đưa ra cho chúng tôi rất ít chỉ dẫn. Họ không nói cho chúng tôi biết chúng tôi sẽ được thông báo kết quả xét nghiệm như thế nào, cũng như không hề hướng dẫn liệu chúng tôi có phải tự cách ly nếu kết quả âm tính hay không.
Nhân viên trung tâm phát cho những người nước ngoài một tờ rơi bằng tiếng Anh nhưng tờ rơi này cũng không cung cấp những chỉ dẫn rõ ràng.
Những người nước ngoài chúng tôi trao đổi với nhau và thống nhất rằng tất cả chúng tôi nên tự cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm. Tuy nhiên, tờ rơi tiếng Anh mà nhân viên trung tâm phát cho chúng tôi khá mơ hồ khi không nói rõ chúng tôi cần làm gì nếu kết quả xét nghiệm âm tính.
Thực tế, tờ rơi còn không sử dụng từ “tự cách ly” (quarantine) mà chỉ là “tự theo dõi tại nhà” (self-monitor at home)
Thế là, lúc 3 giờ chiều, tôi bắt một chiếc Grab rồi về căn hộ tại Quận 1. Mất 5 tiếng đồng hồ, khai hai tờ form và làm xét nghiệm COVID-19 để được trở về nhà. Tôi không hề nghĩ rằng mọi thứ có thể nhanh đến vậy.
Mặc dù tôi rất ấn tượng với cách Việt Nam triển khai cả quá trình nhập cảnh và xét nghiệm, tôi nhận ra rằng việc thiếu những nhân viên có khả năng giao tiếp tiếng Anh tốt đã gây ra khá nhiều hiểu lầm và bối rối.
Ví dụ như, tờ rơi tiếng Anh không rõ ràng việc việc có bắt buộc phải tự cách ly hay không. Tương tự, tờ form khai tiếng Anh không được dịch chuẩn xác nên nhiều người sẽ không điền đầy đủ thông tin cần thiết.
Tôi nghĩ rằng, có khả năng sẽ có những người nước ngoài khi vào Việt Nam không tuân thủ rõ ràng những yêu cầu của Chính phủ Việt Nam về việc tự cách ly. Một nguyên nhân lớn là những yêu cầu này được đưa ra theo cách khá là khó hiểu với những ai không biết tiếng Việt.
Tuy nhiên, với một thời gian quá ngắn như vậy, tôi tin rằng Chính phủ Việt Nam đã làm tốt việc xét nghiệm và cách ly những hành khách có nguy cơ nhiễm COVID-19. Sự thật là một chỉ thị được đưa ra khi tôi đang bay và một quá trình được xây dựng ngay trong thời gian ngắn đó là phép thử cho năng lực và cam kết của chính quyền đối với sức khỏe cộng đồng.
Sau tất cả, tôi hạnh phúc vì đã hoàn tất hành trình này. Khi viết những dòng này tại nhà, trong khi chờ kết quả xét nghiệm COVID-19, tôi nhận ra đơn giản là thật tuyệt biết chừng nào khi được ở đây.