Hàng loạt nhà cung cấp tại Trung Quốc khốn đốn trước quyết định cắt giảm sản xuất từ Apple

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo các chuyên gia, các nhà cung cấp Trung Quốc cần phải đa dạng hóa khách hàng của họ trong tương lai để giảm thiểu sự phụ thuộc quá mức vào nhà Táo.
Ảnh: SCMP
Ảnh: SCMP

Một báo cáo cho biết Apple đang cắt giảm sản xuất iPhone và tai nghe AirPods do cuộc xung đột ở Ukraine và những ảnh hưởng từ các nhà máy của họ ở Trung Quốc do đại dịch Covid-19.

Theo đó, Apple đã quyết định giảm sản lượng iPhone SE xuống 20% so với mục tiêu ban đầu cho tháng 6. Theo báo cáo, công ty cũng đã giảm hơn 10 triệu đơn đặt hàng AirPod cho cả năm 2022.

Apple cũng yêu cầu các nhà cung cấp Trung Quốc sản xuất ít hơn vài triệu chiếc trong toàn bộ dòng iPhone 13 so với kế hoạch trước đó, nhưng cho biết sự điều chỉnh này dựa trên nhu cầu theo mùa.

Hai trong số các nhà cung cấp được niêm yết của Apple tại Trung Quốc, GoerTek và Luxshare Precision, đã chứng kiến giá cổ phiếu của họ giảm mạnh vào đầu tuần này sau khi Nikkei báo cáo rằng Apple đã quyết định cắt giảm sản lượng trong quý tới trong bối cảnh những bất ổn xung quanh cuộc xung đột ở Ukraine.

Giá cổ phiếu của cả hai công ty đã tăng trở lại vào 30/3, mặc dù chúng vẫn giảm khoảng 30% vào năm 2022 trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về chuỗi giá trị của Apple ở Trung Quốc, vốn bị tác động bởi sự gián đoạn của Covid-19 và căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Nhà sản xuất iPhone hàng đầu Foxconn Technology Group đã buộc phải tạm dừng hoạt động tại các nhà máy ở Thâm Quyến vài ngày trong tháng 3 sau khi thành phố phía nam Trung Quốc áp đặt một lệnh cách ly xã hội nghiêm ngặt để chống lại làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron của Covid-19 gây ra. Cơ sở sản xuất của hãng tại Trịnh Châu, địa điểm lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới, đã trao tiền thưởng cho các công nhân trong bối cảnh thiếu hụt lao động ở Trung Quốc.

Mạng lưới nhà sản xuất rộng khắp của Apple tại Trung Quốc, từ các nhà cung cấp linh kiện đến nhà lắp ráp cuối cùng, tượng trưng cho sự hội nhập của Trung Quốc trong các chuỗi giá trị quốc tế, với hàng triệu việc làm và hiệu quả kinh tế hiện nay đang bị đe dọa. Trong danh sách mới nhất về 200 nhà cung cấp toàn cầu do Apple công bố vào năm 2021, gần một phần ba công ty trong danh sách đến từ đất nước tỉ dân này.

Theo một số nhà phân tích, việc trở thành nhà cung cấp của Apple từ trước đến nay được coi là tấm vé dẫn đến lợi nhuận ổn định, nhưng điều may mắn này giờ đây có thể trở thành một điểm gở.

“Nhiều dịch vụ sản xuất thiết bị điện tử ở Trung Quốc đã thành công rực rỡ sau khi trở thành một phần trong chuỗi giá trị của Apple, nhưng đồng thời, họ cũng bị mắc kẹt trong đó”, Ivan Lam, nhà phân tích tại Counterpoint Research, cho biết.

Việc phụ thuộc nhiều vào Apple đã gây bất lợi cho các nhà cung cấp Trung Quốc. Có thế thấy các công ty này dễ bị gián đoạn, rủi ro hơn cũng như khó có khả năng thương lượng trước gã khổng lồ công nghệ Mỹ, Lam nói.

Đây không phải là lần đầu tiên các nhà sản xuất Trung Quốc đứng trước các quyết định kinh doanh của Apple trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc về một loạt vấn đề.

Năm ngoái, hoạt động tài chính của nhiều nhà cung cấp Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi các biện pháp kiểm soát chi phí của Apple. Trong khi đó Oflim, một công ty có trụ sở tại Thâm Quyến, ước tính rằng họ đã ghi nhận khoản lỗ 2,7 tỉ nhân dân tệ (424 triệu USD) trong năm 2021 sau khi bị loại khỏi danh sách nhà cung cấp của Apple vào giữa tháng 3 năm ngoái vì những cáo buộc rằng họ tham gia vào một chương trình của chính phủ nhằm chuyển người dân tộc thiểu số khỏi Tân Cương để làm việc tại các nhà máy của công ty.

Do đó, ông Lam cho biết điều tối quan trọng đối với các nhà cung cấp Trung Quốc là phải đa dạng hóa danh mục khách hàng và phát triển thêm các ngành nghề kinh doanh trong tương lai.

Theo SCMP