Hàng chục ca mắc COVID-19 mới sẽ được công bố

VietTimes – Tại buổi tọa đàm “Bảo vệ chiến sĩ áo trắng trước làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19” diễn ra vào sáng nay (5/8), PGS. TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế - cho biết, trong hôm nay Bộ Y tế đã phát hiện thêm 31 ca mắc COVID-19 mới.
PGS. TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế  (Ảnh: Minh Nhật)
PGS. TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế (Ảnh: Minh Nhật)

Chủ động kiểm soát dịch bệnh

Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, đến thời điểm hiện tại cả nước bước vào làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19 với hơn 200 bệnh nhân. Hôm nay, Bộ Y tế đã phát hiện thêm 31 bệnh nhân mắc COVID-19 mới. Trong giai đoạn đầu của dịch, cả nước không có bệnh nhân tử vong nhưng khi bước vào giai đoạn 2 đã có 8 bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong.

Hiện, hơn 20 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng đang được điều trị tại các bệnh viện. Người bệnh mắc COVID-19 ở Đà Nẵng đã đi đến nhiều địa phương trong cả nước.

Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19, ông Khuê nhấn mạnh: Các đơn vị phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời, tập trung thực hiện tốt phân luồng cách ly, đặc biệt là làm xét nghiệm COVID-19. Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh phải nâng cao cảnh giác, thấy người bệnh có triệu chứng ho, sốt khó thở phải tổ chức cách ly và xét nghiệm ngay Đây là biện pháp cực kỳ quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Sắp tới, các bệnh viện cần tập trung vào việc phân luồng, cách ly bệnh nhân, đặc biệt là xét nghiệm để phát hiện sớm bệnh nhân mắc COVID-19. 1.100 bệnh viện công lập cùng 11.500 trạm y tế xã phường phải nâng cao cảnh giác. Nếu thấy bệnh nhân ho, sốt, khó thở thì phải cách ly. Đây là biện pháp quan trọng để tránh lây lan COVID-19 trong cơ sở y tế.

Ngoài ra, các bệnh viện cần quan tâm đến bệnh nhân có bệnh nền ở các khoa hồi sức tích cực, thận,… vì người bệnh đa phần là người cao tuổi, điều trị lâu năm nên rất dễ suy kiệt khi mắc COVID-19.

Rút kinh nghiệm từ Bệnh viện Bạch Mai

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho hay: Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai khi vừa bước vào trận chiến với COVID-19 thì đã bị phong tỏa. Vì thế, cần rút kinh nghiệm phòng, chống dịch từ Bệnh viện Bạch Mai.

Tại Đà Nẵng khi dịch COVID-19 xuất hiện, 4 bệnh viện đã phải phong tỏa, cách ly. Trong đó, Bệnh viện Hoàn Mỹ, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình chỉ có 1 bệnh nhân mắc COVID-19 nhưng cũng phải đóng cửa cả bệnh viện. Điều này đã gây khó khăn cho chính lực lượng điều trị bệnh nhân là các bác sĩ.

Thực tế, toàn bộ các bệnh nhân trong đợt dịch này đều lây nhiễm virus SARS-CoV-2 từ Bệnh viện Đà Nẵng. Điều này cho thấy nguy cơ lây nhiễm từ ở ổ dịch này cao hơn rất nhiều so với Bệnh viện Bạch Mai.

Không chỉ vậy, dịch COVID-19 ở Đà Nẵng đã tấn công thẳng vào khu vực bệnh nhân nặng phải chạy thận nhân tạo, bệnh nhân tim mạch, bệnh nhân già yếu,…Đến nay đã có những bệnh nhân mắc bệnh nặng, nguy kịch, nguy cơ tử vong cao. Do đó, số lượng ca tử vong sắp tới sẽ gia tăng.

Tuy nhiên, “Nếu quyết liệt phòng, chống COVID-19 thì tôi tin rằng chúng ta sẽ chiến thắng. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, lời kêu gọi của Tổng bí thư, của Thủ tướng, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, dịch bệnh sẽ sớm được ngăn chặn” - ông Khuê nói.