Ngày 28/8, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết chính phủ nước này đang phân tích mẫu nước biển thu thập gần ranh giới liên Triều trên biển, trong bối cảnh có những thông tin về hiện tượng rò rỉ chất thải phóng xạ từ nhà máy urani của Triều Tiên ra Hoàng Hải.
Theo hãng thông tấn Yonhap, đầu tháng này, một nguồn truyền thông đưa tin các hình ảnh vệ tinh cho thấy nhà máy urani tại Pyongsan, tỉnh Hwanghae, Tây Nam Triều Tiên có thể đang thải chất phóng xạ ra biển qua sông Ryesong.
Phát biểu tại họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Lee Sang-min cho biết chính phủ đã tiến hành thu thập nguồn nước gần Đường ranh giới phía Bắc (NLL) ở Hoàng Hải. Quá trình kiểm tra sẽ mất hai tuần để thu được kết quả.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng tại Pyongsan chỉ có các mỏ urani và một nhà máy lọc, các chuyên gia cho rằng các cơ sở này ít có khả năng tạo ra chất thải phóng xạ hay các nguyên liệu có độ phóng xạ cao có thể gây tác hại sức khỏe con người.
Trước đó, trang 38 độ Bắc, một trang chuyên giám sát và phân tích tình hình Triều Tiên, khẳng định thông tin rò rỉ phóng xạ là "chính xác," dù phạm vi rò rỉ không rộng như truyền thông đưa tin.
Trang này nhận định việc vận hành cơ sở trên cho thấy Bình Nhưỡng đang duy trì ưu tiên chương trình làm giàu urani để sản xuất vũ khí hạt nhân.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh quan hệ liên Triều gia tăng căng thẳng sau khi Triều Tiên thực hiện nhiều vụ phóng vật thể bay được cho là tên lửa đạn đạo tầm ngắn kể từ ngày 25/7 vừa qua.
Triều Tiên cũng chỉ trích các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, việc Hàn Quốc nhập khẩu các vũ khí công nghệ cao như máy bay F-35 và việc Mỹ thử tên lửa hành trình tầm trung, coi đây là những mối đe dọa và cản trở các nỗ lực đối thoại.
Mới đây nhất, sáng 24/8, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng hai vật thể dường như là tên lửa đạn đạo tầm ngắn lần lượt từ khu vực Sondok, tỉnh Nam Hamgyong vào biển Nhật Bản.
Theo JSC, các tên lửa này bay xa khoảng 380km và đạt độ cao 97km. Triều Tiên sau đó xác nhận nước này đã thử thành công một hệ thống pháo phản lực phóng loạt cỡ nòng “cực lớn”./.