Hai tháng ghi hình tuyến lửa Vĩnh Linh - Hồi ức một nữ phóng viên chiến trường Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việt Nam có địa đạo Củ Chi đất thép thành đồng nhiều người biết. Nhưng ngay vĩ tuyến 17, sát sông Bến Hải, gần cầu Hiền Lương, ở phía Bắc, có một hệ thống địa đạo mang tên Vịnh Mốc (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị).
Đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng đang kể lại những ngày không thể quên ở tuyến lửa Vĩnh Linh, Quảng Trị. Ảnh: BT
Đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng đang kể lại những ngày không thể quên ở tuyến lửa Vĩnh Linh, Quảng Trị. Ảnh: BT

Vào tháng 11 năm 1968, bộ phim Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân của nhà làm phim tài liệu nổi tiếng thế giới người Hà Lan Joris Ivens được công chiếu tại New York. Theo dư luận của báo chí thế giới lúc bấy giờ, bộ phim như một trái bom cực mạnh làm rung chuyển nước Mỹ - một đối thủ của Việt Nam trong cuộc chiến tranh đang diễn ra.

Để thực hiện bộ phim Vĩ tuyến 17 – Chiến tranh Nhân dân, Joris Ivens đã có mặt tại những tuyến đầu khói lửa tại mặt trận Vĩnh Linh, Quảng Trị, bất chấp nguy hiểm và cái chết kề cận để quay được những thước phim chân thực nhất về chiến tranh Việt Nam.

Đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng, khi ấy là một bác sĩ, được Bác Hồ cử đi theo đoàn làm phiên dịch và chăm sóc sức khoẻ, không thể hình dung chuyến đi đầy bão táp này sẽ thay đổi cuộc đời bà mãi mãi.

Khi trở lại Hà Nội sau hai tháng quay phim nơi tuyến lửa Vĩnh Linh, ở tuổi 40 bà quyết định từ giã nghề bác sĩ để bắt đầu những bước chập chững trở thành phóng viên chiến trường với mức lương tập sự ở Xưởng phim Vô tuyến Truyền hình.

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Những nỗ lực không mệt mỏi đã được đền đáp. Bà trở thành đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng, với nhiều bộ phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam, chiến tranh biên giới Tây Nam 1979…đạt giải thưởng của các liên hoan phim quốc tế uy tín.

Đạo diễn Xuân Phượng ghi tên mình vào lịch sử phim tài liệu Việt Nam, với các tác phẩm “Việt Nam và chiếc xe đạp” (1974), “Khi tiếng súng vừa tắt” (1975), “Khi những nụ cười trở lại” (1976), “Hai tiếng quê hương” (1978), “Tôi viết bài ca hồi sinh” (1979)…

Ở tuổi 92, bà vẫn nhớ như in những kỉ niệm của chuyến làm phim đặc biệt 54 năm về trước:

Một ngày tháng 5 năm 1967

Anh Phạm Ngọc Thuần, Chủ nhiệm Uỷ ban Liên lạc Văn hóa với nước ngoài, thủ trưởng của tôi, đến gặp. Giọng Nam bộ nhỏ nhẹ: "Em ngưng mọi công việc, lên ngay Dinh Chủ tịch, nhận lệnh của Bác Hồ."

Xe vừa đến trước sân trải sỏi rộng mênh mông của Chủ tịch Phủ, tôi đã thấy bốn anh Giám đốc các xưởng phim Tài liệu Thời sự Trung Ương, Xưởng Phim Truyện Việt Nam, Xưởng Phim Quân Đội Việt Nam, Xưởng Phim Giao Thông Vận Tải đang đứng dưới bóng cây hoàng lan. Khoảng năm phút sau, bóng anh Vũ Kỳ, thư ký riêng của Hồ Chủ Tịch, xuất hiện trên thềm phòng khách lớn: "Mời các anh chị vào."

Bác Hồ đang ngồi với hai khách người nước ngoài. Vị khách nam tóc bạc bồng bềnh, ngồi bên cạnh một phụ nữ, dáng người nhỏ nhắn, rất đặc biệt với bộ tóc màu hung hung đỏ và đôi mắt xanh biếc rất đẹp. Cả ba đang cười nói, thấy chúng tôi vào liền quay lại.

"Bác giới thiệu với các cháu, đây là hai người bạn thân thiết của Bác, là những nhà điện ảnh cách mạng nổi tiếng trên thế giới. Ông Joris Ivens đã làm trên hàng chục phim tài liệu nói về các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới.

Người bạn đời của ông, bà Marceline Loridan là một phụ nữ Do Thái đã bị tập trung vào lò thiêu người Auschwitz của Phát xít Đức. Chỉ còn năm ngày nữa thì đến lượt bị vào lò thiêu, rất may mắn là quân Đồng Minh đã kịp đến giải phóng."

Ông bà Ivens tươi cười quay lại bắt tay chúng tôi...

Buổi gặp gỡ đầu tiên ấy đã mở đầu cho hành trình làm bộ phim: Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân.

Địa đạo Vịnh Mốc, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị. Ảnh: IE

Địa đạo Vịnh Mốc, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị. Ảnh: IE

Đêm đầu tiên dưới lòng đất Vĩnh Linh.

Căn hầm dành cho chúng tôi vừa mới được đào xong cách đây vài ngày. Khi dò dẫm lần từng bậc xuống, một tay phải sờ vào vách hầm để lựa bước chân, vách đất tua tủa những rễ cây vừa mới bị xén, chất nhựa và rễ đâm nhói buốt tay. Càng xuống dần, ánh sáng càng mịt mùng hơn.

"Như âm ty”, Chơn kỹ sư thu thanh thì thào bên tai tôi.

Sau lưng tôi nặng nhọc những tiếng thở hổn hển của Joris. Năm ấy, ông đã bảy mươi tuổi, bị hen mãn tính khá nặng. Marceline bé nhỏ, nắm chặt tay Ivens, vai trái chị luôn trĩu nặng chiếc máy thu thanh Nagras nặng hơn mười cân mà chị không bao giờ chịu rời suốt trên một ngàn cây số nghiêng ngả ổ gà, dù anh em trong đoàn đề nghị mang giúp để chị dễ nhảy ra khỏi xe khi có bom.

Tôi giữ mãi hình ảnh một bàn tay nhỏ bé cầm micro nhô ra khỏi cửa xe để ghi tiếng bom nổ. “Để ghi tiếng động thật cho phim,” Marceline nói. Những tiếng động thật ghi tại chiến trường những đêm ấy mãi không thể nào quên…

Trong căn hầm, các chỗ ngủ được ngăn bằng một tường đất mỏng. Ông bà Ivens có chỗ rộng hơn. Không khí trong hầm vô cùng ngột ngạt, tiếng thở rít nặng nhọc của Ivens càng nghe rõ hơn.

Trong lòng đất tối như bưng, đoàn chúng tôi đã trải qua đêm ngủ đầu tiên trong địa đạo Vịnh Mốc.

Quay phim cột cờ Vĩnh Linh

Sát bên bờ Nam cầu Hiền Lương là một trạm cảnh sát của chính quyền Sài Gòn, quân phục rằn ri, súng ống đầy người. Ở bờ Bắc, lá cờ đỏ sao vàng rộng hơn một trăm ba mươi tư mét vuông ngày đêm hứng chịu những đợt bắn phá, thả bom liên hồi.

Hai ngày trước, ông Ivens với bộ quần áo đen của du kích Vĩnh Linh, đầu quấn khăn rằn để che mái tóc bạc trắng, đã nằm phục dưới hào quan sát.

Tối hôm ấy, ông phân công: "Cảnh quay lá cờ Vĩnh Linh vô cùng quan trọng. Tôi chia hai kíp quay.

Kíp một là Phượng đi cùng với tôi, Tuấn quay phim, Hùng bảo vệ. Kíp hai là Hạc đi cùng với Marceline, Bình và Chơn quay phim kiêm bảo vệ. Nếu kíp một bị bom, hay bị thương phải rút đi thì kíp hai chạy lên thay thế ngay".

Trời chưa sáng tỏ, bốn người chúng tôi đã đến sát cột cờ. Dân quân Vĩnh Linh đã đào sẵn bốn hầm nhỏ tránh bom, đất đỏ tươi còn vương vãi.

Ivens dặn: "Tuấn ơi, đây là một biểu tượng cho phim. Lá cờ Việt Nam sẽ tung bay từ bờ Bắc lan ra bờ Nam, là ý nguyện thống nhất hai bờ của một đất nước. Anh phải trèo lên tận đỉnh cột cờ, máy quay phải bắt được giây phút gió thổi tung lá cờ, bóng trải dài vươn lên phía Nam bờ Bến Hải. Tôi nghĩ rằng đấy sẽ là cảnh mở đầu cho phim."

Tôi dịch ra tiếng Việt cho Tuấn. Tuấn vốn là một nhà quay phim truyện cự phách, xưa nay ít phải xông pha ra những chiến trường bắn phá ác liệt.

Đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng trò chuyện với các bạn trẻ Việt Nam về hồi ức chiến tranh. Ảnh: BT

Đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng trò chuyện với các bạn trẻ Việt Nam về hồi ức chiến tranh. Ảnh: BT

Nghe lệnh xong, anh lẩm bẩm: "Thế này thì tám phần chết hai phần sống rồi. Phen này mà an lành thì ông về Hà Nội đào một cái hầm sâu ba mươi mét, rồi ở đấy với mẹ Hiên cho nhàn cái thân." Ivens hỏi tôi: "Tuấn nó nói cái gì thế?" Tôi trả lời: "Tuấn đã hiểu và nói sẽ cố gắng hết sức".

Tuấn, người bọc gọn trong một tấm vải dù loang lổ ngụy trang, bắt đầu leo lên cột cờ. Anh trườn người rất nhẹ, áp sát vào cột, tay cầm chiếc máy Beaulieu mười sáu li, chân từ từ đặt trên các móc sắt đóng chi chít trên cột. Tôi nín thở nhìn theo, Ivens bóp chặt tay tôi.

Bên kia bờ Nam, cửa sổ bốt canh mở ra, ba bốn cảnh sát rảo quanh, súng chĩa về phía cột cờ. Họ vẫn chưa nhận ra có điều gì bất thường.

Tuấn đã leo đến đỉnh cột cờ. Anh hơi nhô người ra, phục một cơn gió. Trời vẫn lặng yên. Bên này hầm, cả ba chúng tôi nín thở chờ đợi. Một cơn gió nhẹ, Tuấn bắt đầu quay. Hai phút, rồi ba phút, Ivens bảo tôi: "Được rồi, bảo Tuấn rút."

Tuấn xua tay, lại nhô ra quay tiếp.

Bỗng tiếng máy bay ào đến. Tôi nghe một tiếng động mạnh rồi khi tỉnh dậy thấy cả người mình đầy đất. Đất ở mắt, ở mũi, ở tai và cả người đau như vừa bị ai đánh.

Vừa khạc đất đầy trong miệng, tôi hét lên: "Ông Ivens đâu?". Phi Hùng đang lấy khăn dập tắt một mớ tóc bạc đang cháy trên đầu Ivens.

Toàn thân Ivens phủ đầy đất đỏ, ông quay sang thều thào: "Phượng ơi, Tuấn nó đâu rồi?". Một quả bom nổ gần cột cờ, đất đã vùi chúng tôi. May mà có Phi Hùng bên cạnh.

Tuấn đã leo xuống và đang bò sát về phía Joris. Tiếng đạn vút cheo chéo từ bờ Nam, cảnh sát bên ấy đã chậm hơn Tuấn vài phút.

Đêm ấy, trong địa đạo Tuấn kể: "Lúc đầu thì sợ lạnh cả gáy, nhất là thấy rõ lũ cảnh sát mặc rằn ri rõ mồn một, súng lăm lăm nhả đạn. Nhưng lên đỉnh cột cờ rồi, quay được những cảnh uốn lượn của lá cờ vươn sang bờ Nam, bao nhiêu sợ hãi tan biến. Lại tranh thủ quay thêm được vài cảnh bờ Nam quá đẹp".

Hai vợ chồng Ivens cầm hai quả chuối, một quả cam đến hầm chúng tôi: "Xin chúc mừng ngọn cờ Hiền Lương và những nhà làm phim can đảm. Tuấn khá lắm nhưng không chịu nghe lệnh. Ham cảnh quá có khi lại chết một cách vô ích."

Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, con sông từng chia cắt hai miền Nam Bắc một thời. Ảnh: IE

Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, con sông từng chia cắt hai miền Nam Bắc một thời. Ảnh: IE

Cháu bé chào đời trong lòng đất

Một đêm khác trong địa đạo. Lại những giấc ngủ mê mệt sau một ngày chịu đựng bom đạn. Bỗng có tiếng hét to: "Có ai là bác sĩ ở đây không? Cứu với, cứu với!".

Marceline lay tôi dậy, bóng một người đàn ông cầm một ngọn đèn dầu leo lắt ánh sáng, giọng Vĩnh Linh nghẹn ngào: "Đoàn ơi! Cứu chúng tôi với! Vợ tôi đau đẻ đã hai ngày nay. Chắc là sắp đi rồi" rồi bật lên tiếng khóc rất to.

Tôi và Chơn, phó thu thanh của đoàn, dò dẫm theo bước chân ông ta. Địa đạo Vĩnh Linh chằng chịt hào ngang hào dọc, hầm nối tiếp hầm, thực là lạc vào một mê cung trong lòng đất.

Tiếng rên khe khẽ rõ dần, bóng tối vẫn mịt mùng vây quanh. Tôi lấy tay sờ. Một phụ nữ đang nằm, bụng căng cứng, người lạnh ngắt, lố nhố bóng nhiều người sau lưng tôi. Để lấy không khí thở cho người sắp đẻ, tôi yêu cầu: "Nấu cho tôi một nồi nước."

Mọi người tản ra. Tôi bắt đầu dặn: "Chị nín thở rồi rặn thật mạnh." "Trời ơi đau lắm, không rặn được". Thì ra đây là lần sinh nở đầu tiên, chị đẻ con so nên không biết cách. Tôi kiên trì khuyên nhủ, nhưng thực ra là tiếng hét của tôi lẫn vào tiếng khóc của người đàn bà đang đau đớn kia...

Đến khi áo tôi ướt đẫm mồ hôi, gần đuối sức thì cũng là lúc đầu em bé nhô ra. Khi nghe tiếng oe oe đầu tiên òa lên, người chồng bỗng khóc rống lên. Đúng là một hợp ca hạnh phúc của hai bố con trong địa đạo.

Lo cho em bé, cho người mẹ trẻ xong, chúng tôi lại dò dẫm trở về gian hầm của mình. Thật không ngờ, Joris và Marceline vẫn không ngủ và đang chờ chúng tôi ở cửa hầm. Tôi vừa mệt vừa vui: "Ca va" (được rồi). Marceline ôm tôi vào lòng.

Bỗng trong địa đạo vang lên tiếng tôi quát tháo ầm ĩ, tiếng khóc của người mẹ, tiếng lao xao của những người đứng trong hầm, gần sản phụ. Rồi bật vang lên tiếng oe oe chào đời của đứa trẻ sơ sinh, hòa với tiếng khóc nghẹn ngào của người cha hạnh phúc.

Thì ra trong lúc tôi vô cùng bấn loạn vì trường hợp đỡ đẻ này, không đèn, không phương tiện cấp cứu, không nhìn rõ mặt sản phụ, Chơn đã mở máy thu thanh, thu hết những tiếng động này.

Trong căn hầm của đoàn làm phim, mọi người đã tỉnh dậy, quây quần bên chiếc máy ghi âm nhỏ. Joris đặt tay trên vai tôi: "Các bạn hiểu tại sao tôi yêu suốt đời cái nghề làm phim chiến trường không? Giữa cái chết và cái sống, chúng ta có hạnh phúc, có may mắn ghi được sự sống ngay cả trong lòng đất, ngay cả khi cái chết cận kề."

Riêng tôi, tôi không quên được cảnh hai ông bà Ivens đã chờ tôi suốt đêm, đã lo lắng cho số phận của một em bé Vĩnh Linh.

Hai ngày sau, người cha trẻ đem biếu đoàn mấy củ khoai mì. Anh cầm tay tôi: "Tui cảm ơn O không kể xiết. Xin O đặt tên cho con trai tôi." "Tôi xin đặt tên cháu là Nguyễn Xuân Phượng, là tên của tôi."

Bốn mươi năm sau, trở lại Vĩnh Linh, tôi cố gắng đi tìm Nguyễn Xuân Phượng, năm 2007 sẽ là một người đàn ông bốn mươi tuổi. Ủy ban Vĩnh Linh, đài phát thanh truyền hình Quảng Trị, tờ báo Quảng Trị cũng gắng tìm cho tôi. Nhưng suốt thời gian đoàn quay phim ở lại, rồi mò ra tận Quảng Bình vẫn không thể tìm được cháu trai mà tôi đã đỡ đẻ trong địa đạo.

Cuộc đời xoay chuyển nhiều, chiến tranh bom đạn nhiều, không biết số phận cháu ấy và bố mẹ cháu ra sao?

Đạo diễn Xuân Phượng xuất thân từ một gia đình hoàng tộc ở Huế, 16 tuổi đi theo cách mạng.
Đạo diễn Xuân Phượng xuất thân từ một gia đình hoàng tộc ở Huế, 16 tuổi đi theo cách mạng.

Em bé chín tuổi cầm súng

Anh Hoàng, người phụ trách báo chí ở Vĩnh Linh báo với ông: "Có một em bé Vĩnh Linh lên chín tuổi, bằng trí thông minh của mình đã giúp bộ đội đặc công phá được một sân bay trực thăng...".

Sáng hôm sau, dưới một bụi tre um tùm, chúng tôi thấy một em bé đang ngồi với mấy anh bộ đội trên đầu một chiếc xe tải. Em dáng người đậm, chắc, da nâu đen. Không để ý gì đến chúng tôi, em đang tháo lắp thành thạo một khẩu súng AK.

Ông Ivens sờ nhẹ vào tay Bình. Bình lặng lẽ giơ máy quay ngắm em và bấm một trường đoạn dài. Nghe tiếng máy, em mỉm cười, hai chiếc răng khểnh làm lộ một nụ cười dễ thương và vội vã nhảy xuống khỏi chiếc xe tải. Anh Hoàng đặt một chiếc ghế ngay ngắn dưới bóng tre và kéo em bé ra ngồi, chuẩn bị cho buổi quay phim.

Ông Ivens bứt tóc quay lại, vặt tôi: "Lại bố trí rồi. Hãy để cho em bé tự nhiên ngồi như lúc chúng ta gặp." Sau một hồi giải thích để "đạo diễn Hoàng" hiểu được cách quay của ông Ivens mà không giận, tôi lại đặt em bé vào vị trí trước kia.

Ông Ivens hỏi lại: "Thế còn cái mũ bộ đội và cái súng em cầm lúc nãy thì sao?". Vậy là cậu bé Phạm Công Đức, đầu đội mũ bộ đội, tay mân mê khẩu súng AK, nhìn thẳng vào máy quay: "Em tên là Phạm Công Đức, gia đình em ở bờ Nam. Các chú bộ đội muốn phá sân bay trực thăng, em liền cùng với hai bạn khác đi vào khu vực sân bay và giả đò chơi trò đánh khăng.

Thân của cây khăng dài đúng một mét, bọn em đánh ra xa rồi đo, đo từ đầu sân bay đến cuối sân bay, cả chiều dọc lẫn chiều ngang rồi về báo với các chú bộ đội. Bọn Mỹ không nghi ngờ chi hết. Sau đó, các chú bộ đội tính toán và bắn pháo cối vào chính xác, phá nát sân bay. Cháu được tặng là Dũng sĩ diệt Mỹ".

Ông Ivens hỏi thêm vài câu nữa. Bé Đức trả lời dứt khoát và hồn nhiên, tay vẫn không ngừng mân mê cây súng. Được khoảng mười phút sau, mắt vẫn đăm đăm nhìn vào ống kính, nhưng cháu bé bắt đầu mệt mỏi, cháu ngáp một hơi dài. Ông Ivens vẫn bảo Tuấn tiếp tục quay.

Sau này, cái ngáp của Đức lên màn ảnh vừa dễ thương, vừa rất cảm động. Một bài học về cách quay phim của Ivens cho tất cả chúng tôi.

Năm 1968, khi chiếu trường đoạn này trên màn ảnh Pháp, có một người xem chất vấn: "Sao ông lại cố tình để một đứa bé mới lên chín tuổi, lại lắp ráp thành thạo và cầm chắc tay súng trong suốt cuộc phỏng vấn? Sao một em bé lại đội chiếc mũ quân đội Việt Nam?".

Ông Ivens trả lời: "Ai chưa thiếu ăn, chưa đói bụng bao giờ thì không thể nào hiểu được sự hành hạ của cái đói. Nếu như trong một buổi tối an lành, cả nhà anh đang quây quần trong một bữa cơm, bỗng có một hay nhiều người xông vào, lần lượt bắn chết từng người, rồi sau đó lại trút bom tàn phá ngôi nhà của anh thì lúc ấy không biết đứa trẻ chín tuổi kia có quyền cầm súng để báo thù hay không?

Hãy đi đến những vùng bị tàn phá, bị hủy diệt ở Việt Nam mới hiểu nổi tại sao người già, đàn ông, đàn bà, từ bé đến lớn ở Vĩnh Linh đều đồng lòng chống lại kẻ xâm lược. Chúng tôi gọi đây là một cuộc chiến tranh nhân dân vì cái lẽ đơn giản đó mà thôi."

Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.

Sau hai tháng có thể nói là sống chết có nhau, chúng tôi về lại Hà Nội. Trước khi tiễn tôi rời khách sạn, Joris bảo: "Sau hai tháng cùng làm việc với nhau, tôi thấy Phượng có những đức tính để làm phim, nhất là những phim về chiến tranh. Nghề bác sĩ hay nghề phiên dịch rất cần thiết nhưng tìm được một nữ làm phim chiến trường ở Việt Nam thật không phải dễ dàng.

Vì vậy, tôi hết lòng mong muốn Phượng mạnh dạn làm cuộc cách mạng cho chính mình, hãy đến với những công việc mà đất nước đang còn chiến tranh của bạn đang rất cần."

Được đi một chuyến đi không thể nào quên, được sống với những con người đặc biệt như Joris và Marceline, được tình thương mến đùm bọc hy sinh của các bạn trong đoàn, được tận mắt mình chứng kiến sự dũng cảm vô bờ, ý chí quyết tâm bảo vệ mảnh đất Vĩnh Linh, tuy đi có một đoạn đường nhưng tôi được học nhiều hơn là một sàng khôn.

Khi trở lại phòng khám bệnh đầy đủ tiện nghi của mình, được săn sóc, hỏi thăm sức khỏe những vị khách nước ngoài quan trọng đến thăm nước ta, bỗng nhiên tôi nhớ da diết những ngày sống trong bom đạn Vĩnh Linh, có khi bị bom đạn dập vùi mà vẫn thanh thản đi vào giấc ngủ sâu trong địa đạo tối tăm ngột ngạt. Rồi tình nghĩa anh em gắn bó, thương yêu nhau, sẵn sàng hy sinh tính mạng cho nhau của đoàn làm phim, của những người dân sống quanh tôi...

Sau vài tháng trăn trở, vào năm 1969, mặc dầu đã bước vào tuổi ba mươi bảy, đã có ba con, tôi quyết tâm từ giã cơ quan đầy đủ tiện nghi sang trọng để bắt đầu những bước chân chập chững bước vào nghề làm phim chiến trường cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1988./.

(Trường Minh ghi)