Theo Nikkei Asian Review, báo cáo thường niên của Hội đồng An ninh thuộc ủy ban trừng phạt Triều Tiên, Bình Nhưỡng thu về khoảng 670 triệu USD giá trị tiền mã hóa và ngoại tệ thông qua các cuộc tấn công mạng. Họ dùng công nghệ blockchain để che đậy dấu vết. Đây là lần đầu tiên hội đồng công bố chi tiết cách thức Triều Tiên thu về ngoại tệ thông qua hành vi tấn công mạng.
Hội đồng đề nghị các nước thành viên nên “tăng cường khả năng tạo điều kiện trao đổi thông tin mạnh mẽ về các cuộc tấn công mạng của Triều Tiên với chính phủ các nước khác, và với tổ chức tài chính của chính nước họ” nhằm phát hiện, ngăn chặn nỗ lực lách lệnh trừng phạt của quốc gia châu Á.
Theo báo cáo, Triều Tiên tổ chức nhiều đợt tấn công mạng vào tổ chức tài chính nước ngoài từ năm 2015 đến năm 2018. Các biện pháp trừng phạt kinh tế áp lên Bình Nhưỡng vì chương trình phát triển hạt nhân, tên lửa đã và đang hạn chế xuất khẩu than, nguồn thu ngoại hối chính của Triều Tiên.
Chính phủ Triều Tiên đánh cắp tiền bằng tấn công mạng. Sau đó, họ tạo ra quỹ tiền bất hợp pháp vốn tăng từ năm 2016. Các cuộc tấn công được cho là do nhiều sĩ quan chuyên biệt trong quân đội Triều Tiên thực hiện, là một phần quan trọng trong chính sách của chính quyền Bình Nhưỡng.
Có lần, hơn 10 triệu người dùng trang thương mại điện tử Interpark của Hàn Quốc bị đánh cắp thông tin cá nhân. Tin tặc đòi tổng cộng 2,7 triệu USD tiền chuộc. Chính phủ Hàn Quốc xác định rằng nhiều vụ đánh cắp như thế này là do Triều Tiên thực hiện, còn giới chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho biết Bình Nhưỡng làm thế để thu về ngoại tệ.
Từ tháng 1.2017 đến tháng 9.2018, Triều Tiên tiến hành thành công ít nhất năm cuộc tấn công sàn giao dịch tiền mã hóa ở châu Á. Mức thiệt hại là 571 triệu USD. Nước này cũng bị nghi ngờ dùng blockchain, công nghệ đứng sau các loại tiền mã hóa, để vượt qua hạn chế về kinh tế, tài chính. Ví dụ, startup Hồng Kông Marine Chain chuyên mua, bán tàu toàn cầu bằng công nghệ blockchain. Hãng này bị nghi cung cấp tiền mã hóa cho chính phủ Triều Tiên cho đến khi ngừng hoạt động vào tháng 9.2018.
Giới doanh nghiệp Triều Tiên cũng tích cực hoạt động trên mạng xã hội. Họ dùng các nền tảng như Instagram, YouTube để tiếp thị thiết bị quân sự của đất nước. Việc buôn bán thiết bị quân sự của Triều Tiên bị cấm vì lệnh trừng phạt quốc tế. WeChat, ứng dụng nhắn tin của Tencent, được dùng để chuyển hàng lậu từ tàu này sang tàu khác trên biển. WeChat được dùng để gửi tọa độ và xác nhận danh tính các tàu, tạo điều kiện cho thương mại bất hợp pháp với Triều Tiên.
Theo Thanh Niên
https://thanhnien.vn/cong-nghe/hacker-trieu-tien-bi-to-trom-hon-nua-ti-usd-gia-tri-tien-ma-hoa-1059034.html
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu