Ông Hùng khẳng định, thành phố chắc chắn sẽ có quyết định đầu tư, mở tuyến buýt nhanh số 02 trên cơ sở rút kinh nghiệm từ việc vận hành tuyến buýt nhanh số 01 Kim Mã - Yên Nghĩa hiện nay.
Được biết, quyết tâm trên của thành phố được đưa ra dựa trên số liệu khá tích cực của lượng hành khách sử dụng xe buýt nhanh. Cụ thể, theo số liệu được Thống kê của Xí nghiệp buýt nhanh BRT (Transerco) đưa ra, kể từ khi đi vào vận hành (ngày 31/12/2016) tới ngày 6/1, lượng hành khách sử dụng xe buýt nhanh BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa đã đạt con số trên 65.000 lượt khách.
Ngoài ra, buýt nhanh cũng sẽ là một giải pháp để giải quyết vấn đề giao thông đô thị. "Đối với giao thông đô thị, để giảm ùn tắc bắt buộc phải phát triển loại hình giao thông công cộng, trong đó chủ lực là xe buýt, tàu điện trên cao, tàu điện ngầm. Trong quá trình chạy thử nghiệm, đơn vị sẽ tiếp thu ý kiến của người dân, chuyên gia để hiệu chỉnh những bất cập trong quá trình sử dụng BTR” - ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội - cho biết tại hội nghị.
Tuy nhiên, tuyến buýt nhanh BRT 01 vận hành đang gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình là việc trong giờ cao điểm, các xe buýt BRT phải "nhường đường" cho các phương tiện khác trên làn đường ưu tiên của mình. Thậm chí, sáng ngày 4/1 vừa qua, đã có xe ô tô tạt đầu buýt nhanh BRT khiến xe buýt bị vỡ kính.
Để tháo gỡ khó khăn này, Sở GTVT Hà Nội đã tập trung lực lượng chức năng có liên quan tuyên truyền nhắc nhở các đối tượng điều khiển các phương tiện đi vào tuyến đường xe buýt nhanh. Dự kiến, sau Tết Nguyên đán 2017 sẽ tiến hành xử phạt.
Bên cạnh đó, sắp tới, tại các điểm giao cắt với làn xe buýt nhanh, ngành giao thông sẽ lắp đặt loa thông báo, cảnh báo các đối tượng khi đi vào làn xe buýt nhanh, thông tin mức xử phạt để mọi người có ý thức chấp hành.