Sáng 9/3, 6 bản vẽ phối cảnh chi tiết phương án Quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) được trưng bày để lấy ý kiến người dân.
Theo phương án quy hoạch được đề xuất, nhà ga chính C9 được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa hồ Gươm. Nhà ga dài 150m, rộng 21,4m, sâu 17,45m, có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga). Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới Hồ Gươm là khoảng 10m, tới tượng đài Cảm tử 81m, đến đền Bà Kiệu 83m, đến Tháp Bút 36m, tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120m.
Vị trí của nhà ga C9 nằm dưới những công trình văn hóa lịch sử nổi tiếng như Tháp Bút, Đền bà Kiệu, Tượng đài Cảm tử và các công trình cơ quan Nhà nước và Thành phố Hà Nội như tòa nhà UBND Thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, Bưu điện thành phố…
Nhà ga C9 được bố trí 4 cửa lên xuống như sau:
Do nằm trong khu vực vườn hoa Hồ Gươm (khu vực nhà vệ sinh đối diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội), vị trí đặt cửa lên xuống số 3 từng có nhiều ý kiến trái chiều. Các đơn vị làm quy hoạch đã đề xuất dịch cửa lên xuống số 3 vào sát mép ga, khoảng cách từ cửa lên xuống số 3 tới hồ Gươm khoảng 11m, tới đường Đinh Tiên Hoàng 13,5m.
Có hai phương án cho vị trí cửa lên xuống số 4. Một là nằm ở phía trước Điểm thông tin và hỗ trợ khách du lịch (cửa hàng Hồ Gươm Audio - Video Hà Nội cũ), phía sau đền Bà Kiệu, sau biển thông tin điện tử và tượng đài Cảm tử. Phương án 2 là dịch chuyển vị trí cửa lên xuống số 4 ra phố Hàng Dầu để tránh xâm phạm vào vùng bảo vệ I của di tích đền Bà Kiệu.
Bởi một phần thân ga C9 và cửa lên xuống số 3 nằm trong khu vực bảo vệ II của danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử quốc gia hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn. Do đó, phương án tổng thế mặt bằng đã được chấp thuận. Nhưng lo ngại công trình ảnh hưởng đến Tháp Bút và cảnh quan hồ Hoàn Kiếm nên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị nghiên cứu dịch chuyển thân ga C9 về phía lòng đường phố Đinh Tiên Hoàng.
Ý kiến người dân
Nhiều người dân cho rằng mặc dù là ga ngầm nhưng việc thực hiện ga ngầm tại đây cần được Hà Nội nghiên cứu và triển khai thận trọng để không phá vỡ không gian của di tích quốc gia hồ Gươm.
Ông Hoàng Thanh Tùng sống tại Gia Lâm, Hà Nội cho biết:
“Công trình văn minh hiện đại này sẽ làm giảm bớt lượng xe cá nhân đi trong nội đô để bảo vệ môi trường”.
Anh Trần Bảo Sơn đến từ TP. Vĩnh Phúc nói:
“Đường lên xuống phải bố trí làm sao để hài hòa, không làm ảnh hưởng tới không gian chung của hồ Hoàn Kiếm.”
Ông Lê Vinh, Giám đốc Quy hoạch – Kiến Trúc Hà Nội cho biết:
“Phương án quy hoạch này đang trong quá trình xem xét rất thận trọng để công trình xây dựng ở đây không ảnh hưởng tới di tích cấp quốc gia là hồ Hoàn Kiếm”.
Trả lời phỏng vấn trên VTC1, ông Lê Trung Hiếu, phó Giám đốc Ban Quản lý Đường sắt Đô thị Hà Nội cho biết:
“Trong quá trình thiết kế ga thì chúng tôi cũng đã tính toán đạt yêu cầu diện tích lún để tránh trường hợp ảnh hưởng tới các công trình kiến trúc, công trình lịch sử ở xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. Và trong quá trình thi công chúng tôi sẽ sử dụng các biện pháp quan trắc để tuyệt đối đảm bảo an toàn cho các di sản xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm”.
Nhà ga C9 có vị trí quan trọng và nhạy cảm của Thủ đô nên việc lập quy hoạch được tiến hành thận trọng. Việc quy hoạch vị trí tuyến, vị trí ga, vị trí các công trình phụ trợ và cửa lên xuống đã được nghiên cứu từ năm 2004, tham vấn đầy đủ ý kiến các bộ ngành, địa phương và nhân dân.
Thời gian trưng bày quy hoạch và lấy ý kiến nhân dân sẽ kéo dài từ 9/3 đến hết tháng 3 tại Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm, số 2 Lê Thái Tổ. Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội sẽ có bàn ghi nhận ý kiến tại chỗ, đồng thời tiếp thu các đóng góp của cán bộ, nhân dân Thủ đô cũng như các chuyên gia, nhà khoa học thông qua nhiều hình thức khác như email, khảo sát trực tuyến...