Hà Nội chưa từng lên kế hoạch cụ thể triển khai tuyến buýt nhanh Kim Mã - Hòa Lạc

VietTimes -- Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, trước đây tuyến buýt nhanh BRT 02 (Kim Mã - Hòa Lạc) chỉ là một nghiên cứu sơ bộ, chưa có đề xuất cụ thể. Nay cũng chưa cần thiết xây dựng tuyến buýt nhanh này, bởi ngoài phải bỏ vốn đầu tư thì hiện đã có tuyến buýt thường 107 chạy qua khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc cơ bản đáp ứng nhu cầu cung ứng dịch vụ.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội.

Trao đổi với VietTimes, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết, khi mở tuyến buýt nhanh BRT 01 Kim Mã-Yên Nghĩa, Hà Nội tính dùng 8 xe thừa của tuyến số 01 để phục vụ nhu cầu đi lại cho khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Tuy nhiên, sau 1 thời gian, tuyến buýt nhanh BRT 01 Kim Mã-Yên Nghĩa sản lượng khách tăng nhanh dẫn đến Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông độ thị phải điều chỉnh nâng tần suất khai thác nên phải giữ số xe đó lại.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, trục đường Đại lộ Thăng Long đã hình thành một loạt các đô thị có nhu cầu đi lại bằng xe buýt cao. Do đó, Hà Nội đã chuyển tiếp thêm tuyến xe buýt thường số hiệu 107 có lộ trình Kim Mã-khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc-Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Sau một thời gian khai thác lên tới khu vực này đã cho thấy hiệu quả và sức hấp dẫn cao, cung ứng dịch vụ tốt hơn của tuyến buýt thường 107. “Bên cạnh đó, việc đầu tư một tuyến xe buýt mới ngoài cơ sở hạ tầng còn phải lập kế hoạch, đề xuất cụ thể nên chúng tôi cho rằng không cần thiết triển khai tuyến BRT 02 nữa”.

“Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, phát triển các tuyến BRT khác tại Hà Nội nhưng phải có nghiên cứu, đánh giá đầy đủ về hiệu quả của tuyến BRT 01 Kim Mã - Yên Nghĩa”, ông Hải cho hay.

Hà Nội chưa từng lên kế hoạch cụ thể triển khai tuyến buýt nhanh Kim Mã - Hòa Lạc ảnh 1Tuyến buýt nhanh BRT 01 Kim Mã - Yên Nghĩa đã chính thức hoạt động được hơn 01 năm.

Tuyến buýt nhanh BRT01 bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã được Thành phố chính thức đưa vào vận hành từ ngày 01/01/2017, đây là một loại hình buýt mới lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam và cũng là tuyến buýt nhanh đầu tiên của cả nước được triển khai thực hiện tại thành phố Hà Nội.

Sau 01 năm vận hành, sản lượng hành khách vận chuyển được 4.988.585 lượt hành khách. Ngày cao điểm đạt 17.465 lượt HK/ngày. Khách bình quân lượt cả năm đạt 40,1 HK/lượt (có sự tăng trưởng các tháng quý cuối năm), trong đó: khách bình quân giờ cao điểm lượng hành khách vận chuyển đạt 68,8 HK/lượt, những tháng cuối năm đã đạt bình quân 86,3 HK/lượt (nhiều lượt xe vào giờ cao điểm đạt tới 95-110 HK/lượt xe), bình quân giờ bình thường đạt 30,7 HK/lượt, giờ thấp điểm bình quân đạt 18,8 HK/lượt.

Theo Quy hoạch chiến lược phát triển giao thông của thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Hà Nội sẽ có 8 tuyến xe buýt nhanh BRT kết nối liên hoàn giao thông đô thị, nội đô lịch sử với các tuyến đường huyết mạch và vùng phụ cận.

Trong đó, bao gồm: Kim Mã - Yên Nghĩa; Ngọc Hồi - Phú Xuyên (đi theo Quốc lộ 1 cũ); Sơn Đồng - Ba Vì; Phù Đổng - Bát Tràng - Hưng Yên; Gia Lâm - Mê Linh (Vành đai 3); Mê Linh - Sơn Đồng - Yên Nghĩa - Ngọc Hồi - Quốc Lộ 5 - Lạc Đạo (Vành đai 4); Ba La - Ứng Hòa; Ứng Hòa - Phú Xuyên. Một số tuyến đường sắt đô thị khi chưa xây dựng có thể sử dụng hình thức xe buýt nhanh: Tuyến số 4, số 8, và tuyến Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai.