H&M quyết định đúng đắn khi đầu tư vào công nghệ số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Làm thế nào để một công ty như H&M với mô hình kinh doanh dựa trên việc giữ cho chi phí hoạt động ở mức thấp nhất, lại có thể chuyển đổi số thành công? 
Ảnh: Inteligent Automation
Ảnh: Inteligent Automation

Kể từ khi thành lập vào năm 1947, H&M đã nổi tiếng là thương hiệu thời trang nhanh (Fast Fashion). H&M luôn bán những món quần áo bắt kịp xu hướng, lấy ý tưởng từ những món đồ trong các buổi trình diễn thời trang và được sản xuất rất nhanh để chuyển đến các cửa hàng. Loại hình kinh doanh này cho phép người tiêu dùng mua quần áo hợp thời với giá cả phải chăng. Trên thực tế, trung bình, H&M chỉ mất 2 tuần để đưa những kiểu dáng mới ra thị trường.

Tuy nhiên, mặc dù H&M vẫn đang là một trong những thương hiệu thời trang thống trị mọi trung tâm thương mại và khu mua sắm trên toàn thế giới nhưng gần đây doanh nghiệp này đã gặp phải một số khó khăn. Đầu tiên là giờ đây có hàng chục thương hiệu thời trang nhanh sở hữu khả năng sản xuất quần áo giá rẻ với tốc độ nhanh chóng.

Thứ hai, thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi. Khi người tiêu dùng đang hướng tới các trang bán hàng trực tuyến, các nhà bán lẻ truyền thống phải tự đổi mới phương thức kinh doanh theo thời đại số.

Tuy nhiên, đối với các nhà bán lẻ có tỷ suất lợi nhuận thấp như H&M, việc chuyển đổi số là đặc biệt khó khăn. Chi phí vận chuyển, hậu cần hoàn trả và xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ kỹ thuật số mới có thể vô cùng tốn kém. Điều này đặt ra câu hỏi, làm thế nào để một công ty như H&M, mô hình kinh doanh dựa trên việc giữ cho chi phí hoạt động ở mức thấp nhất, lại có thể chuyển đổi số thành công?.

H&M chuyển đổi số

Trở lại năm 2018, H&M đã ra mắt nền tảng mua sắm trực tuyến và ứng dụng di động mới, cải tiến. Tương tự như Nike, Walmart và LVMH, các kênh mua sắm mới của H&M được thiết kế để khuyến khích các cửa hàng mang đến trải nghiệm mua sắm đa kênh tích hợp. Do đó, trang web mới đã bao gồm các tính năng như thanh toán qua PayPal, quét và tìm, nhấp và thu thập, đánh giá sản phẩm của người mua hàng, trở lại cửa hàng miễn phí, trò chuyện trực tiếp, thư viện xã hội #HMxME cho cảm hứng phong cách và một công cụ tìm kiếm trực quan.

Ngoài ra, H&M cũng đầu tư vào việc số hóa các hoạt động hậu trường để vừa giảm chi phí vừa tối đa hóa sự nhanh nhạy trong qua trình vận hành. Ví dụ, ở châu Âu, H&M đã hoàn toàn tự động hóa kho hàng của mình, giúp họ có thể giao hàng trong ngày một cách thuận lợi. Thông qua việc sử dụng thẻ RFID, H&M có thể theo dõi và quản lý hàng tồn kho của mình trong thời gian thực.

Bằng cách áp dụng AI vào dữ liệu do thẻ RFID tạo ra, cùng với các nguồn dữ liệu khác, H&M cũng có thể đưa ra các dự đoán về cung và cầu chính xác hơn. Các thuật toán học máy này không chỉ giúp công ty tối ưu hóa chuỗi cung ứng từ góc độ tài chính mà còn giảm thiểu tác động đến môi trường.

"Việc áp dụng công nghệ sẽ đảm các bảo sản phẩm phù hợp ở đúng nơi vào đúng thời điểm và được vận chuyển một cách nhanh chóng, tiết kiệm", Arti Zeighami, người đứng đầu toàn cầu về phân tích tiên tiến và AI tại H&M, chia sẻ tại Triển lãm lớn của Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia 2020. "Việc sử dụng phân tích dữ liệu cho phép chúng tôi làm điều đó. Chúng tôi thấy một tác động đáng kể”.

Trung bình, người mua sắm trả lại 15-40% các mặt hàng họ mua trực tuyến - một mức tăng đáng kể so với mua hàng tại cửa hàng, dao động từ 5-10%. Để đối mặt với vấn đề này, H&M đã phát triển công nghệ mới cho phép khách hàng “thử quần áo” trước khi mua.

Trung bình, chỉ có khoảng 53% lượng vải được sản xuất thực sự tạo thành quần áo chúng ta mua. Phần còn lại trở thành chất thải. Tuy nhiên, với công nghệ thiết kế thời trang 3D mới của H&M các nhà thiết kế có thể tạo ra các mẫu quần áo không chất thải nhằm loại bỏ các mảnh vải vụn.

Chuyển đổi thành công hay thất bại?

Khi đại dịch COVID-19 diễn ra, H&M buộc phải đóng cửa 80% số cửa hàng của mình. Có lẽ, nếu doanh nghiệp này không xây dựng nền tảng kỹ thuật số từ trước, họ sẽ phải đối mặt với bờ vực phá sản vào thời điểm hiện tại.

Như giám đốc điều hành H&M Group, Helena Helmersson đã giải thích trong một cuộc họp báo tài chính gần đây, “Các sáng kiến ​​chuyển đổi và đầu tư trong những năm gần đây, tập trung vào kỹ thuật số, đặc biệt quan trọng để quản lý khủng hoảng và công việc này đang được tiếp tục với tốc độ tối đa. Khách hàng muốn gặp chúng tôi ở đâu, khi nào và bằng cách nào sẽ tùy vào họ chọn - trong cửa hàng, trên trang web của chúng tôi, trên cửa hàng trực tuyến và trên phương tiện truyền thông xã hội. Khách hàng đang cho chúng tôi thấy rõ ràng rằng họ đánh giá cao trải nghiệm tiện lợi mới này, trong đó các kênh bán hàng đều tương tác và tăng cường lẫn nhau. Chúng tôi đang tiếp tục các sáng kiến ​​về những kế hoạch tăng cường áp dụng kỹ thuật số, tích hợp các kênh và tối ưu hóa danh mục cửa hàng. Tốc độ và tính linh hoạt sẽ còn quan trọng hơn trong tương lai, đặc biệt là trong chuỗi cung ứng, để đảm bảo cung cấp cho khách hàng tốt nhất và tăng tính khả dụng trên tất cả các kênh”.

Trong tương lai, H&M đã nhiều lần nhấn mạnh ý định sử dụng công nghệ số để tăng cường các mục tiêu phát triển bền vững và cho phép chuyển đổi sang mô hình kinh doanh khép kín.

Theo Inteligent Automation