Cùng với La Bằng (huyện Đại Từ), Sảng Mộc (huyện Võ Nhai) là xã được tỉnh lựa chọn thí điểm xây dựng xã thông minh (chuyển đổi số - CĐS).
Đây là một quyết định mạo hiểm của Thái Nguyên trái ngược với suy nghĩ thông thường: sẽ chọn những xã, phường ở trung tâm với hạ tầng, dân trí tương thích để thực hiện thí điểm chủ trương xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Nhưng, ở Thái Nguyên có một tư duy khác, nếu không muốn nói đó là một tư duy… ngược: chọn xã khó khăn nhất, thiếu thốn nhất để làm chuyển đổi số!
Công dân xã Sảng Mộc đến làm thủ tục hành chính tại xã nghèo nhất tỉnh Thái Nguyên đang thực hiện triển khai chuyển đổi số |
Ông Triệu Trung Tiên, chủ tịch xã cho biết: Sảng Mộc hiện là xã vùng sâu, khó khăn nhất của huyện Võ Nhai. Sảng Mộc mới đạt 10 tiêu chí nông thôn mới (thấp nhất tỉnh); tỷ lệ hộ nghèo còn trên 20,14%, hộ cận nghèo 14,31%; còn hàng chục ki lô mét đường đất khó đi; 3/4 trường học chưa đạt chuẩn Quốc gia; 4 nhà văn hóa xóm tạm bợ… Hoạt động sản xuất của người dân vẫn nặng tính tự phát. Trong khi muốn thực hiện CĐS thì yếu tố tiên quyết là hạ tầng mạng viễn thông phải đồng bộ…
Tại Sảng Mộc, nhiều thôn, bản còn là vùng lõm, chưa có sóng điện thoại, internet. Để thực hiện chuyển đổi số, hạ tầng viễn thông đang được đầu tư, nâng cấp cho xã. |
Cán bộ trạm y tế xã Sảng Mộc đang hướng tới ứng dụng nền tảng khám bệnh từ xa... |
Tại Sảng Mộc, chỉ khu vực trung tâm xã với 3 trường học và xóm Bản Chương là có sóng di động 3G, 4G. Các xóm Khuổi Mèo, Nà Lay, Khuổi Chạo, Tân Lập, Nà Ca, Phú Cốc hầu như không có, hệ thống mạng kém do đường truyền được lắp đặt từ lâu hiện đã xuống cấp.
Sảng Mộc có hơn 700 hộ dân nằm rải rác ở 10 xóm với trên 2.800 nhân khẩu, trong đó hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số.
"Trung tâm chỉ huy" thực hiện chuyển đổi số của xã nghèo nhất huyện Võ Nhai |
Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải lý giải: việc lựa chọn xã nghèo nhất, khó khăn nhất để triển khai chương trình chuyển đổi số, đó là thử thách cho chính Thái Nguyên. Tuy nhiên, nó là “phép thử” để chứng minh, nếu Sảng Mộc thành công, tất cả 177 xã – phường còn lại trên địa bàn toàn tỉnh sẽ làm được.
Và, Sảng Mộc bỡ ngỡ bước vào cuộc chuyển mình thành “xã thông minh”!
Công dân đầu tiên thực hiện dịch vụ công trực tuyến
Anh Lương Ngọc Khuyến, cán bộ tư pháp xã Sảng Mộc trực “Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả” của xã vào ngày thứ 4, 8/9. Xã vùng sâu, chủ yếu là đồng bào dân tộc người Dao, Tày, Cao Lan…, người dân ban ngày đi làm nương, làm rẫy. Rất ít người đến xã để thực hiện các dịch vụ công.
Tại bảng hướng dẫn, Sảng Mộc niêm yết danh mục các dịch vụ công để người dân có nhu cầu làm thủ tục, kèm theo hướng dẫn để bà con biết cách thực hiện các thao tác thông qua mạng trực tuyến.
Những "công dân số" tương lai của Sảng Mộc. |
“Người dân vẫn giữ thói quen mang hồ sơ, giấy tờ lên tận xã để làm. Khi đó, chúng tôi giải thích, hướng dẫn bà con các thao tác để nộp các yêu cầu qua các phần mềm. Số lượng bà con thực hiện dịch vụ công sau mấy tháng triển khai mới đếm trên đầu ngón tay, tuy nhiên, thời gian tới chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi” – anh Khuyến cho hay.
Công dân đầu tiên của Sảng Mộc thực hiện dịch vụ công trực tuyến đó là ông Triệu Trung Tiên – chủ tịch xã. Ông Tiên ngồi ở nhà gửi hồ sơ trực tuyến lên bộ phận tiếp nhận để đề nghị cấp bản sao Giấy khai sinh cho con vào năm học mới. Đó là một thủ tục rất nhỏ, nhưng, lần đầu tiên một đề nghị thủ tục hành chính được giải quyết không cần có mặt của người yêu cầu.
“Ban đầu, chính tôi cũng rất bỡ ngỡ, từ việc thực hiện thao tác sử dụng máy tính như thế nào… Từ một việc nhỏ, sau đó mới có những yêu cầu khó khăn hơn, khi đó mình sẽ biết cách để xử lý công việc” – anh Khuyến nói.
Để chuẩn bị cho Sảng Mộc thực hiện chuyển đổi số, Sở TT-TT trực tiếp cử Phó Giám đốc Nguyễn Đức Lộc hướng dẫn, hỗ trợ cho xã.
Hiện nay, hệ thống một cửa điện tử cấp xã đã cung cấp được dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (với 5 thủ tục); 46 thủ tục hành chính mức độ 4 được công bố; xã cũng đã áp dụng hệ thống phần mềm một cửa điện tử vào tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện khởi tạo 100% địa chỉ hòm thư công vụ (email công vụ) cho cán bộ, công chức, viên chức cấp xã sử dụng thường xuyên.
Tất cả những dịch vụ hành chính này sẽ được số hoá sau khi Sảng Mộc xây dựng xong được hạ tầng cho việc chuyển đổi số. |
Hiện tại, toàn bộ các công văn, giấy tờ, tài liệu tuyên truyền được UBND xã chuyển xuống các thôn, bản thông qua Cổng thông tin điện tử Sảng Mộc tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Cán bộ xã, thôn được tập huấn sử dụng điện thoại thông minh hoặc máy tính để tiếp nhận tất cả chỉ đạo từ UBND xã.
Xã đã trang bị cho mỗi thôn, xóm cụm loa thông minh phát hằng ngày 2 khung giờ buổi trưa và buổi chiều, giúp cho hơn 80% trong tổng số 87 hộ dân tiếp cận thông tin.
Sau hơn nửa năm triển khai CĐS trên địa bàn hướng tới xây dựng xã thông minh, Sảng Mộc có nhiều thay đổi tích cực.
Xã được lắp đặt 8km đường truyền cáp quang từ UBND xã đến điểm trường Tiên Sơn, cung cấp Internet miễn phí cho điểm trường này và các xóm Phú Cốc, Nà Ka, Khuổi Mèo.
Riêng điểm trường THCS Tiên Sơn, nhà tài trợ đã triển khai mạng LAN, phòng dạy Tin học có kết nối Internet phục vụ giảng dạy học sinh ở đây. Internet cũng được triển khai tại trường Tiểu học, THCS Sảng Mộc.
Hệ thống loa truyền thanh thông minh được điều khiển trên máy tính thế hệ mới đã phát huy hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền tại xã vùng cao Sảng Mộc.
Cán bộ khuyến nông huyện Võ Nhai phổ biến kiến thức về trồng cây dược liệu cho bà con qua màn hình trình chiếu tại hội trường xã |
Sảng Mộc đã có hệ thống truyền hình hội nghị trực tuyến kết nối với UBND huyện và các điểm cầu khác qua mạng Internet.
Nhà tài trợ Mobifone cũng đã hoàn thành lắp đặt, vận hành 5 hệ thống loa truyền thanh thông minh từ UBND xã và các xóm.
Tuổi thơ Sảng Mộc! |
Trạm Y tế xã được lắp đặt thiết bị hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (TeleHealth) giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, bởi từ Sảng Mộc lên trung tâm huyện vài chục km.
Chia sẻ tinh thần “làm chuyển đổi số”, chủ tịch xã Triệu Trung Tiên cho biết: Sảng Mộc nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ tỉnh, huyện và các doanh nghiệp viễn thông.
“Hiện tại, các hạng mục của giai đoạn hai CĐS trên địa bàn xã đã cơ bản hoàn thành. Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông để triển khai kết nối Internet cho các xóm còn lại, đồng thời khởi tạo các tài khoản cá nhân cho người dân có nhu cầu đăng nhập và sử dụng Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Tương lai trở thành “xã thông minh” của Sảng Mộc không còn là câu chuyện “trong mơ”!
Theo Vietnamnet