Xung quanh mô hình đào tạo Bác sĩ Nội trú (BSNT) đang có những tranh luận: Nên duy trì việc đào tạo số lượng ít, chọn lọc khắt khe ngay từ đầu, hay mở rộng bằng mô hình tất cả các bác sĩ sau khi tốt nghiệp 6 năm đều được đào tạo nghề đạt chuẩn năng lực đầu ra?
Vì thế, bên cạnh ý kiến của các nhà quản lý bệnh viện (BV), VietTimes đã có cuộc trò chuyện với GS.TS. Đoàn Quốc Hưng - Phó Hiệu trưởng Phụ trách chuyên môn, Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực BV Việt Đức - người nhiều năm phụ trách đào tạo Sau đại học và rất tâm huyết với việc đổi mới mô hình đào tạo BSNT.
+ Là người rất am hiểu mô hình đào tạo BSNT, theo ông, vai trò của đội ngũ BSNT trong sự phát triển của y tế Việt Nam ra sao?
GS.TS. Đoàn Quốc Hưng: Năm 1902, Trường Đại học Y Hà Nội là trường đại học đầu tiên ở Đông Dương được thành lập, cũng là nơi đào tạo BSNT đầu tiên trong cả nước. BSNT là hình thức đào tạo Sau đại học, để bác sĩ có tay nghề cao, khám, chữa bệnh (KCB) được ngay.
Tại Việt Nam, từ 1954 đến 1974, do chiến tranh nên các trường đại học Y chỉ đào tạo bác sĩ 6 năm để kịp phục vụ chiến trường. Nhưng quá trình hành nghề, thấy rằng phải đào tạo thêm, nếu không sẽ không thể hành nghề được, nên Bộ Y tế cho đào tạo các hình thức khác như Bác sĩ Chuyên khoa sơ bộ, Chuyên khoa định hướng, Chuyên khoa 1, Chuyên khoa 2. Song, cần nói rằng, mô hình này chỉ có ở Việt Nam.
Sau đó, GS. Tôn Thất Tùng - Giám đốc BV Việt Đức, GS. Nguyễn Trinh Cơ -Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội và Thứ trưởng Bộ Y tế Hoàng Đình Cầu thấy cần phải hội nhập thế giới, nên đã triển khai mô hình đào tạo BSNT theo quan điểm đào tạo lựa chọn (Elite). Mục tiêu là đào tạo “máy cái” và chỉ tập trung ở một số BV trung ương và nhà trường, chứ không đào tạo nhân lực cho hệ thống y tế cả nước. Chủ trương này đúng với điều kiện khi đó còn thiếu giảng viên và cơ sở thực hành.
Tháng 2/1974, Trường Đại học Y Hà Nội tuyển sinh khoá BSNT đầu tiên, chỉ có 12 người ở 5 chuyên ngành Nội, Ngoại, Tai Mũi Họng, Thần Kinh, Lây. Các BNST phải ăn, ở 24/24 tại 2 BV Bạch Mai và Việt Đức, có thầy kèm cặp, tiếp xúc hàng ngày với bệnh nhân, nên chỉ cần 3 năm, số ca bệnh mà BSNT gặp đã gấp 3 lần so với bạn đồng niên không học Nội trú và chỉ làm việc 8h/ngày. Đương nhiên, trình độ chuyên môn của BNST cũng hơn hẳn, vì ngành y là ngành khoa học kinh nghiệm.
Kỳ thi tuyển sinh BSNT rất khắt khe, quá trình học được quản lý chặt chẽ, nên các BSNT đều có tay nghề cao, trở thành các chuyên gia hay lãnh đạo trong ngành y tế.
+ Với chất lượng đào tạo BSNT tốt như thế, tại sao lại phải đặt vấn đề thay đổi mô hình đào tạo, thưa ông?
GS.TS. Đoàn Quốc Hưng: Năm 2011, khi tôi phụ trách đào tạo Sau đại học, mới phát hiện hệ thống đào tạo y khoa ở Việt Nam rất “khác” các nước: Học Y 6 năm đã ra hành nghề. Về sau, thêm 18 tháng học nghề (nay còn 12 tháng theo Luật KCB sửa đổi). Mà, với hàng nghìn kỹ thuật, ở các nước phải học thêm 3 -7 năm.
Trong khi đó, thế giới có 2 mô hình đào tạo Y: Mô hình thứ nhất (chiếm khoảng 70%) là ngay khi tốt nghiệp phổ thông trung học, vào thẳng trường Y (School of Medicine) học 6 năm. Mô hình thứ hai (chiếm 30%) là khi đã có một bằng cử nhân khác (sinh học, dược, điều dưỡng… học 3-4 năm), mới được vào trường Y và học thêm 4 năm nữa.
Nhưng điểm giống nhau của cả 2 mô hình trên ở các nước phát triển, là sau khi tốt nghiệp trường Y, người học được cấp bằng bác sĩ MD (Medical Degree) vẫn chưa được hành nghề Y. Muốn được hành nghề Y phải học tiếp chuyên khoa (bằng hình thức đào tạo nội trú- residency/interne) từ 3-7 năm, tùy từng chuyên ngành
Sau 40 năm (1974 -2014), Trường Đại học Y Hà Nội đào tạo được 17 nghìn sinh viên và 1.770 BSNT, tức là chỉ 10% bác sĩ được đào tạo Nội trú. 10% BSNT ấy đều thành công, nhưng chủ yếu làm việc ở các BV TW, mà số BV TW chỉ chiếm 10% tổng số BV cả nước. Ngay hệ thống y tế Hà Nội, trong 40 năm cũng chỉ có 2 BSNT “đầu quân”.
Như vậy, 90% bác sĩ không học Nội trú KCB không tốt bằng BSNT, lại đang phủ 90% BV trong cả nước, tức là, đa số người bệnh không được các bác sĩ giỏi điều trị, dẫn đến tình trạng quá tải tại tuyến TW. Đây là lý do để chúng tôi đề xuất thay đổi mô hình đào tạo BSNT.
Tháng 3/2012, chúng tôi thuyết trình với Bộ Y tế về việc cần thay đổi mô hình đào tạo BSNT, vì Việt Nam cần hội nhập trong bối cảnh thế giới đã đào tạo BSNT mở rộng cả trăm năm. Đặc biệt, chủ trương của Đảng, nhà nước là bệnh nhân phải được bác sĩ giỏi KCB bình đẳng như nhau, nhưng chỉ tiêu thi BSNT ngặt nghèo đã tước đi cơ hội học của nhiều người, nay điều kiện đã phát triển, nhu cầu KCB chất lượng của người dân cao, nên phải thay đổi việc đào tạo BSNT.
Bộ Y tế đã đồng ý cho Trường Đại học Y Hà Nội là đơn vị duy nhất được thí điểm triển khai mở rộng mô hình đào tạo BSNT từ 2015, có lộ trình, tăng dần dựa trên cơ sở thực hành và số lượng giảng viên. Chúng tôi mất 3 năm chuẩn bị cơ sở thực hành, nhân lực để tăng dần chỉ tiêu, từ 10% lên 20-30% và đến nay, khoảng 65% sinh viên tốt nghiệp đã học BSNT. Từ khóa đầu tiên chỉ có 12 BSNT, đến năm 2023 đã là 440 BSNT, với tổng số nội trú tuyển sinh sau 50 năm là 5.103 người.
+ Với lộ trình tăng chỉ tiêu đào tạo BSNT đã vạch ra, khi nào, việc đào tạo BSNT ở Trường Đại học Y Hà Nội sẽ đạt 100% sinh viên tốt nghiệp như các nước, thưa ông?
GS.TS. Đoàn Quốc Hưng: Để 100% bác sĩ đều được học Nội trú, tức là mọi người bệnh được các bác sĩ giỏi chăm sóc như nhau, thì từ năm 2024, Bộ Y tế phải đưa ra con số cụ thể: Năm 2030, Việt Nam cần bao nhiêu bác sĩ ở từng chuyên ngành, tỷ lệ chung của bác sĩ nghỉ hưu; căn cứ chỉ tiêu để phân bổ cho các trường đại học Y tuyển sinh BSNT. Con số dự liệu chuẩn sẽ đảm bảo khi tốt nghiệp các BSNT đều có chỗ làm.
Hiện kỳ thi BSNT của Trường Đại học Y Hà Nội mang tính toàn quốc, nên cạnh tranh rất lớn, khiến luôn có 1 số chỗ dành cho các sinh viên trường khác. Do đó, nếu chỉ Trường Đại học Y Hà Nội đào tạo BSNT, thì mục tiêu 100% sinh viên tốt nghiệp được đào tạo BSNT sẽ không thể thực hiện được.
+ Để việc đào tạo BSNT thực sự hội nhập, ông có kiến nghị gì nhân nửa thế kỷ đào tạo BSNT của Trường Đại học Y Hà Nội?
GS.TS. Đoàn Quốc Hưng: Để thay đổi mô hình đào tạo BSNT, đòi hỏi phải thay đổi về chất, đặc biệt là tư duy đào tạo BSNT. Vì thế, tôi có 7 đề xuất:
Thứ nhất, đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT quyết định sớm mô hình đào tạo nhân lực ngành y: Sau 6 năm phải học thêm mấy năm? Bao gồm cả việc công nhận kết quả các trường, các giai đoạn khác nhau. Đặc biệt, cần tách biệt hai hệ là hành nghề (bác sĩ chuyên khoa) và nghiên cứu (gồm thạc sĩ, tiến sĩ).
Thứ hai, đề nghị Bộ Y tế đánh giá nhu cầu nhân lực, xem đất nước cần bao nhiêu bác sĩ trong 5-10 năm nữa, trình độ, chuyên ngành bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên...ở các cấp độ khác nhau, trên phạm vi toàn quốc, ở từng địa phương, từng BV...; nhu cầu ngắn hạn, dài hạn vv….
Thứ ba, đề nghị Bộ Y tế sớm công bố bộ chuẩn năng lực nghề nghiệp cơ bản của bác sĩ chuyên khoa. Từ 2015, để hội nhập ASEAN, Việt Nam đã công bố chuẩn năng lực của bác sĩ đa khoa, điều dưỡng, bác sĩ răng hàm mặt, nhưng chuẩn của BSNT (bác sĩ chuyên khoa) vẫn chưa có.
Thứ tư, từ chuẩn năng lực, các trường và các cơ sở y tế xây dựng chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo phù hợp để đạt được chuẩn năng lực tối thiểu này.
Thứ năm, đề nghị Chính phủ, liên Bộ (GD&ĐT, Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH) xây dựng mới, điều chỉnh cơ sở pháp lý, có chính sách hỗ trợ BSNT như tất cả các nước đã thực hiện từ lâu, vì bản thân BSNT là người đã làm ra của cải vật chất (practionners) cho BV, chứ không phải là người đi học đơn thuần (learners), thay vì họ vẫn phải trả học phí như hiện nay.
Thứ sáu, cần có chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp về vị trí việc làm, lương... của BSNT sau khi tốt nghiệp, vì 50 năm qua, bằng BSNT chưa hề tồn tại trong hệ thống giáo dục quốc dân, chỉ có giá trị trong hệ thống nội bộ của Bộ Y tế.
Thứ bảy, các giải pháp đề ra phải từng bước khả thi, không làm xáo trộn, đứt gãy hệ thống mà phải đáp ứng được nhu cầu trước mắt về nhân lực, đồng thời, tiếp cận với thế giới.
+ Xin cám ơn ông đã trao đổi!
Thanh Hằng (thực hiện)
GS.TS. Đoàn Quốc Hưng hiện là Phó Hiệu trưởng Phụ trách chuyên môn Trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng Bộ môn Ngoại của Trường, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Tim mạch - Lồng ngực BV Việt Đức.
Ông đã có 18 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó, 5 đề tài cấp Nhà nước; 5 đề tài cấp Bộ và 8 đề tài cấp cơ sở; trên 200 bài báo khoa học công bố trên tạp chí quốc tế và trong nước; xuất bản 25 đầu sách.
Những công trình nghiên cứu của ông đóng góp quan trọng cho ngành ngoại khoa, đặc biệt là chuyên ngành tim mạch - lồng ngực, phẫu thuật sọ não, ngoại khoa thần kinh vv…
GS.TS. Đoàn Quốc Hưng đã được nhận Huân chương Lao động hạng Ba và danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân.
Tháng 1/2024, ông được Hội đồng trường bổ nhiệm lại chức vụ Phó Hiệu trưởng.