Đào tạo Bác sĩ Nội trú theo hướng tinh hoa hay mở rộng để phủ khắp các vùng?

PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu: Cần thay đổi việc thực hành bằng áp dụng mô hình công nghệ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Phải có kỳ thi Bác sĩ Nội trú cấp Quốc gia, do Hội đồng Y khoa tổ chức, thì chất lượng mới đảm bảo. Vấn đề cơ sở thực hành cho Bác sĩ Nội trú có thể giải quyết bằng mô hình công nghệ và mở rộng xuống tuyến dưới.

vt-pgslan-hieu-9258.jpg
PGS.TS. Lân Hiếu - một trong những chuyên gia tim mạch hàng đầu hiện nay - trưởng thành từ BSNT

PGS.TS. Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện (BV) Đại học Y Hà Nội, ĐBQH - từng là một Bác sĩ Nội trú (BSNT) trước khi trở thành chuyên gia tim mạch nổi tiếng hiện nay. Ở vị trí giảng viên, ông đào tạo nhiều thế hệ BSNT và ở vị trí Giám đốc BV, ông cũng sử dụng các BSNT, vì thế, VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông xung quanh vấn đề này:

+Là một giảng viên, cũng là người quản lý và sử dụng các BSNT, ông đánh giá thế nào về vai trò của BSNT trong việc nâng cao chất lượng ngành y tế Việt Nam?

PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu: Trước đây, BSNT như hạt nhân để nâng cao chuyên môn cũng như uy tín của mỗi BV. Mãi đến khoá 27 mới có một BSNT về BV tỉnh Thanh Hóa, tạo nên không khí mới lạ, có vai trò dẫn dắt “cuộc chơi”.

Tuy nhiên, những năm gần đây, đội ngũ BSNT đông hơn, không còn giữ vai trò thay đổi “cuộc chơi” nữa, nhưng lại bảo đảm cho sự phát triển bền vững của các BV, đặc biệt ở các BV chuyên khoa sâu. Những chuyên khoa không có BSNT, không có sự quyết tâm, niềm tin và tự hào, thường sẽ chậm hơn các nơi khác. Bởi BSNT gắn với nhóm từng là ngôi sao, nên họ có quyết tâm phát triển so với những người không có điều kiện ấy.

Tôi cho rằng, giai đoạn tới, BSNT sẽ là bệ phóng cho các BV phát triển, thay cho trước đây giữ vai trò “đầu tầu”.

+ Trong đại dịch Covid-19, các BSNT đã sớm có mặt ở khắp nơi, cùng ngành y tế vượt qua những thách thức để chiến thắng đại dịch. Ông là người có sự gắn bó với các BSNT của Trường Đại học Y Hà Nội những năm tháng đó, ông nhìn nhận thế nào về đóng góp của các BSNT?

vt-ggs-hieu-trao-doi-171.jpg
PGS.TS. Lân Hiếu (áo trắng, thứ 2 từ trái sang) trao đổi chuyên môn với các đồng nghiệp

PGS.TS.Nguyễn Lân Hiếu: Khi có dịch, chúng tôi không phân biệt BSNT hay bác sĩ thường, vì tất cả nhân viên y tế đã khoác áo blouse đều quyết tâm chống dịch, để mang lại bình an cho đất nước.

Tuy nhiên, tôi cũng có những ấn tượng không bao giờ quên về vai trò đặc biệt của BSNT, khi cùng 100 BSNT của Trường Đại học Y Hà Nội vào Bình Dương chống dịch. Các BSNT đến Bình Dương, sống cùng nhau trong 1 trường học, làm mọi việc, từ bê vác người bệnh, khâm niệm bệnh nhân, đến điều trị các ca bệnh nặng, chạy Ecmo, lọc máu vv… dù không phải chuyên ngành của họ, nhưng họ đã học rất nhanh với tinh thần của tuổi trẻ. Đây là lực lượng quan trọng nhất để chúng tôi triển khai phục vụ chống dịch ở Bình Dương.

Không chỉ trực tiếp cứu chữa bệnh nhân, các BSNT còn có vai trò quan trọng trong đào tạo trực tuyến. BSNT Lê Minh Ngọc (hiện đang học tại Pháp) khi đó được tôi giao phụ trách tầng 5 (là tầng nặng thứ 2 trong hệ thống điều trị Covid-19) gồm các bệnh nhân phải thở máy và Ngọc đã tìm ra những cái đặc biệt của virus SARS-CoV-2 rồi triển khai giảng dạy. Fan page của Ngọc có hàng trăm nghìn người theo dõi.

Điều quan trọng thứ 3 là sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, mọi người thở phào và cố gắng quên đi ký ức ấy, thì các BSNT nghĩ đến tương lai “nhỡ dịch quay lại thì sao?”, để cùng ngồi viết cuốn cẩm nang về điều trị Covid-19.

Trong hơn 30 tác giả, hơn 90% là BSNT, có người chưa ra trường, có người mới ra trường, có người lâu năm như tôi và BS. Hoàng Bùi Hải. Cuốn sách được chia sẻ với chuyên gia chống dịch của Anh cũng như tại nhiều hội nghị quốc tế, đều nhận được sự trân trọng, quan tâm.

vt-covid-4526.gif
Trong đại dịch COVID-19, PGS.TS. Lân Hiếu cùng các BSNT vào Bình Dương chống dịch

+ Là một giảng viên đồng thời là nhà quản lý, ông có kiến nghị gì để thay đổi công tác đào tạo BSNT?

PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu: Thế hệ chúng tôi đào tạo BSNT theo hình chóp nón, cả khoá chỉ có 50 BSNT, chiếm khoảng 10%. Nhưng hiện tăng lên 60-70% số bác sĩ ra trường, tức là đã mở rộng mô hình đào tạo BSNT, thì vấn đề tôi trăn trở nhất là làm sao bảo đảm chất lượng.

Tôi thấy rằng, ngoài việc nhà trường nâng cao học lý thuyết trên giảng đường, thì việc thực hành cần thay đổi. Trước đây BSNT thực hành rất nhiều, 1 khoa chỉ 1 BSNT, nhưng nay, riêng Trung tâm tim mạch của tôi chỉ có 60 giường mà có 4 BSNT, 3 năm liên tiếp thì thành 12 BSNT, nên việc thực hành bị hạn chế. Theo tôi có mấy cách thay đổi:

Thứ nhất, Trường Đại học Y Hà Nội cần đào tạo mô hình hiện đại mà thế giới đã triển khai từ lâu, như ứng dụng công nghệ thông tin; đào tạo mô hình mô phỏng trong thực hành - mổ trên computer, trên không gian ảo 3D; dạy hội chẩn trực tuyến đa chuyên khoa…

Thứ 2 là cần mở rộng cơ sở thực hành, không chỉ ở BV tuyến Trung ương mà phải ở cả tuyến tỉnh, thậm chí tuyến huyện. Hơn 1 năm qua, BV Đại học Y Hà Nội đã tiên phong đưa BSNT đến tuyến huyện ở Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, cùng ăn cùng ở với các bác sĩ ở địa phương, để học nghề và học cả những khó khăn của bác sĩ tuyến dưới khi không có máy móc, phương tiện, chỉ có 2 bàn tay và ống nghe mà có thể chẩn đoán được bệnhh,.

Thứ 3 là cần thay đổi cơ chế đãi ngộ cho BSNT đã ra trường. Trước đây, BSNT ra trường được trọng vọng, các nơi mời về, nhưng lại không có quyền lợi gì khác bác sĩ thường, không được tăng lương, thậm chí phải học lại thạc sĩ. Điều đó khiến cho niềm tự hào về BSNT ngày càng mai một. Do đó, đi đôi với trách nhiệm phải gắn với quyền lợi: Ra trường phải được lương cao hơn, phải được ưu tiên trong học tiếp BSCK2, tiến sĩ vv…

vt-hieu-3-7861.jpg
Trực tiếp về tuyến dưới khám bệnh cho bà con, PGS.TS. Lân Hiếu đồng thời hướng dẫn chuyên môn cho các đồng nghiệp

+ Ông vừa nói đến việc BV Đại học Y Hà Nội đưa BSNT về tuyến huyện ở các tỉnh miền núi. Ông có thể chia sẻ thêm về hiệu quả của việc này?

PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu: Các BSNT về các BV tuyến dưới học được rất nhiều: Khi ở Hà Nội, các bác sĩ thấy tuyến dưới chẩn đoán sai thì nghĩ là mình giỏi. Nhưng tôi vẫn nói rằng, các BSNT mà ở tuyến dưới, với điều kiện như họ thì có khi còn sai hơn. Nếu người ta đã sai thì mình phải rút kinh nghiệm, để biết rằng, nếu học chỉ có tay không, thì có giảm được sai sót, có điều trị cho người bệnh được không?

Vì thế, tôi đưa tiêu chuẩn tuyển dụng BSNT vào BV Đại học Y Hà Nội phải có ít nhất 2 tháng thực hành ở tuyến huyện.

Đưa BSNT về BV tuyến huyện còn để tạo niềm tin là BV Đại học Y Hà Nội luôn đứng bên cạnh họ chứ không phải là chỉ nói suông. Trong buổi giao ban mới đây, Giám đốc BV Bắc Hà (Lào Cai) chia sẻ rằng: Ngoài việc trực tiếp KCB, hội chẩn, đưa ra phác đồ điêu trị, thì các BSNT còn ảnh hưởng đến các bác sĩ của BV từ phong cách làm việc, cách thức tiếp xúc với người bệnh, đặc biệt là đạo đức y khoa “tri thức hội tụ cùng y đức”. Mặc dù đó không phải là mục đích của chúng tôi nhưng tự các bác sĩ địa phương nhận thấy và ảnh hưởng lan toả trong quá trình các BSNT đến làm việc.

Đặc biệt, năm nay, BSNT còn chuẩn bị các ca lâm sàng để giảng bài trực tuyến cho khoảng 220 BV vệ tinh vào thứ 6 hàng tuần, nhằm tập trung đào tạo chuyên sâu.

+ Bên cạnh đa số ý kiến ủng hộ hội nhập quốc tế bằng đào tạo đại trà BSNT, cũng có ý kiến cho rằng chỉ nên mở rộng đào tạo BSNT chứ không nên đào tạo đại trà, vì lo thiếu cơ sở thực hành. Ông có thể cho biết ý kiến về vấn đề này?

PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu: Về đào tạo BSNT, không riêng Trường Đại học Y Hà Nội đào tạo, nên các trường phải đồng bộ, không thể mỗi trường làm một kiểu. Phải có kỳ thi BSNT cấp quốc gia.

Luật KCB sửa đổi đã quy định kỳ thi chung của bác sĩ đa khoa tốt nghiệp là do Hội đồng Y khoa Quốc gia tổ chức, thì cũng phải có kỳ thi cấp quốc gia của BSNT do Hội đồng Y khoa tổ chức, thì chất lượng BSNT mới đảm bảo được. Việc tuyển chọn sẽ tuỳ nhu cầu đào tạo của từng trường. Còn theo cách bây giờ đầu vào không chặt chẽ khi dựa vào kỳ thi BSNT của từng trường riêng biệt, có thể có “con sâu làm rầu nồi canh”.

Việc tăng số lượng cũng không lo thiếu cơ sở thực hành, khi có thể giải quyết bằng mô hình công nghệ, lại công khai, minh bạch.

+ Cám ơn ông đã trao đổi!

Thanh Hằng (thực hiện)