Bác sĩ Nội trú (BSNT) là sản phẩm đầu ra chất lượng tay nghề tốt nhất trong các loại hình Sau đại học, có uy tín trong nước và quốc tế về chuyên môn. 50 năm qua, nhiều BSNT đã trở thành những người giữ trọng trách trong chuyên môn và quản lý của hệ thống y tế Việt Nam. Hơn 200 cựu BSNT là giáo sư, phó giáo sư và hơn người 300 là tiến sĩ, chuyên khoa II.
Tuy nhiên, mô hình đào tạo BSNT của Việt Nam lại có sự khác biệt với mô hình đào tạo y khoa của quốc tế và có nhiều bất cập: Đào tạo tinh hoa chỉ 10% BSNT với thời gian đồng loạt là 3 năm; 90% không được học Sau đại học ngay, nên ảnh hưởng đến chất lượng bác sĩ, khiến người dân các vùng miền chưa được công bằng trong chăm sóc sức khoẻ (CSSK) và là căn nguyên chính của quá tải BV TW. Chương trình đào tạo cũng chưa chú trọng chuẩn đầu ra; các BSNT không có chứng chỉ hành nghề; bằng cấp sau tốt nghiệp hiện chưa được luật hoá...
Từ 2015, Bộ Y tế đã giao cho Trường Đại học Y Hà Nội thí điểm đổi mới đào tạo BSNT với nguyên tắc để bác sĩ hành nghề tốt hơn, bắt buộc học BSNT nếu muốn hành nghề, nâng cao năng lực và cơ hội phát triển con đường hàn lâm vv… Trên cơ sở đó, việc thi đầu vào BSNT ở Trường Đại học Y Hà Nội đã được cải tiến: Mở rộng điều kiện dự thi, đăng ký chuyên ngành theo kết quả thi vv…
Sau gần 10 năm thực hiện đổi mới, mô hình đào tạo BSNT đã góp phần nâng cao chất lượng công tác CSSK nhân dân. Tuy nhiên, tới đây, mô hình đào tạo BSNT của Việt Nam có tiếp tục tiệm cận với mô hình của thế giới hay không, tức là bỏ hẳn hướng đào tạo tinh hoa, thay bằng đào tạo BSNT cho 100% sinh viên tốt nghiệp, để tạo sự công bằng trong CSSK giữa các vùng miền, phụ thuộc rất nhiều vào chính sách cho công tác này. Vì thế, đây cũng là câu hỏi đặt ra không chỉ với Bộ Y tế, mà với nhiều bộ, ngành liên quan, như Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính vv…
Ở dấu mốc 50 năm đào tạo BSNT của Trường Đại học Y Hà Nội và hướng tới Ngày Thầy thuốc Việt Nam, VietTimes mở diễn đàn "Đào tạo BSNT theo hướng tinh hoa hay mở rộng để phủ khắp các vùng?" với sự tham gia của các cựu BSNT hiện là lãnh đạo các BV TW, các thế hệ lãnh đạo Trường Đại học Y Hà Nội, nhằm góp tiếng nói xây dựng chính sách tốt nhất về vấn đề này.
Mở đầu diễn đàn là cuộc trao đổi của PGS. TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi TW - với VietTimes. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:
+ Thưa ông! Là người trực tiếp sử dụng lực lượng BSNT, xin ông vui lòng cho biết vai trò của các BSNT trong hoạt động nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) tại BV Nhi TW?
PGS. TS Trần Minh Điển: Ở BV Nhi TW, BSNT chiếm 40%, mỗi khoa, phòng có 4-5 BSNT. Đây là nhóm chủ chốt trong các hoạt động tại BV: Đội ngũ trưởng, phó khoa đều là BSNT; nhóm thứ 2 làm việc độc lập, hiệu quả, chuyên môn tốt nhất; nhóm thứ 3 là các BSNT trẻ được đào tạo trở thành các bác sĩ giỏi, có thể làm lãnh đạo sau này.
BSNT được đào tạo liên tục 9 năm, được các chuyên gia giỏi trực tiếp hướng dẫn, nên kiến thức và trình độ tay nghề cao hơn các đối tượng được đào tạo trong trường Y.
Suốt 5 thập kỷ qua, BV Nhi TW cũng là cơ sở thực hành, đào tạo BSNT nhi khoa tốt nhất cả nước. Mỗi ngày BV đón tiếp 5 nghìn em bé, trong đó, 2 nghìn bé điều trị nội trú với mô hình bệnh phức tạp, là điều kiện cho các BSNT thực hành, để có kỹ năng, thái độ trong lâm sàng tốt nhất.
+ Những kiến thức mà ông đã tích luỹ được trong quá trình học BSNT có ý nghĩa thế nào với sự trưởng thành trong nghề, thưa ông?
PGS. TS Trần Minh Điển: Tôi là học viên cao học khóa 1, do Bộ Đại học và Bộ Y tế phối hợp tổ chức, có hình thức tương tự BSNT. Ngay khi bước chân vào học, tôi đã được các thầy cô, đồng nghiệp nhiệt tình giúp đỡ từ lý thuyết đến thực hành lâm sàng, nhưng tôi vẫn phải hết sức cố gắng, chăm chỉ, vượt qua chính bản thân, để trở thành một bác sĩ chuyên ngành Nhi giỏi.
Quá trình học đã đem lại kiến thức, kỹ năng thực hành cao, đặc biệt là cách ứng xử với người bệnh, nên ngay khi học xong, tôi đã được giao làm bác sĩ điều trị Hồi sức cấp cứu Nhi – một nhiệm vụ rất khó khăn và nặng nề, nhưng tôi đã không phụ lòng tin cậy của thầy cô, đem kiến thức học được để phục vụ bệnh nhân.
Trong 10 năm là bác sĩ điều trị Hồi sức cấp cứu Nhi, tôi không ngừng tích luỹ kiến thức, kỹ năng, nâng cao trình độ. Nhưng điều quan trọng là, kiến thức thực hành, kỹ năng nghề nghiệp đó đã giúp tôi định hình được phương pháp làm việc, cách tiếp cận vấn đề, để tôi học tiến sĩ, tiếp cận sâu chuyên ngành Nhi khoa.
Trong buổi lễ tốt nghiệp, thầy giáo tôi - GS.TSKH. Lê Nam Trà - đã dặn dò tôi phải cố gắng trở thành nhà khoa học và dạy dỗ các thế hệ tiếp theo, bảo đảm chuyên ngành Nhi vững mạnh hơn nữa. Tôi đã thực hiện lời hứa với thầy, khi đã trở thành bác sĩ giỏi và có nhiều học trò làm tiến sĩ, BSNT, chuyên khoa, thạc sĩ vv…
Cùng với đào tạo, tôi đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp cơ sở, đa quốc gia, đa trung tâm và có nhiều bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế, cùng đồng nghiệp đưa chuyên ngành Nhi khoa xứng tầm trong khu vực và thế giới.
Với nền tảng như thế, tôi trở thành Giám đốc BV Nhi TW và nền tảng đó cũng giúp cho công tác chuyên môn lẫn quản lý của tôi rất nhiều: Khi khám bệnh phải kỹ càng, từ đó, đưa ra nhận định về lâm sàng, xét nghiệm kèm theo và nguyên tắc xử lý, điều trị cụ thể. Trong công tác quản lý rõ ràng rành mạch về nhân sự, tài chính, hành chính, hậu cần, xây dựng. Phải điều phối từng nhân viên bảo đảm an toàn người bệnh.
Khi lên làm giám đốc BV, cách nhận người của tôi cũng cách mà trước đây, cô giáo tôi - Giám đốc BV Nhi - từng làm: Năm 2022, BV Nhi TW nhận 27 BSNT, trong đó, 16 bác sĩ Nhi. Tôi đều gặp trực tiếp các BSNT, nói chuyện xem họ mong muốn chuyên ngành gì trong tương lai, đưa ra lựa chọn cho các bạn và thấy họ thực sự rất giỏi. Tuy nhiên, sau 3 năm, chúng tôi sẽ đánh giá lại, có đào tạo tiếp hay không, qua thái độ của họ với bệnh nhân và với đồng nghiệp.
+ Từ hiệu quả hoạt động của BSNT tại BV, theo ông, có nên mở rộng việc đào tạo BSNT hay vẫn tiếp tục đào tạo lựa chọn như mấy chục năm qua?
PGS. TS. Trần Minh Điển: Xu hướng tới đây là càng nhiều BSNT càng tốt. BSNT không chỉ có ở BV tuyến TW, mà còn ở BV tuyến tỉnh, tuyến huyện, để đem kiến thức, kỹ năng, thái độ tốt nhất phục vụ người bệnh. Tôi mong có nhiều BSNT hơn nữa.
Rất cần đào tạo BSNT đại trà vì kiến thức trong 6 năm học bác sĩ mới chỉ là cơ bản. Muốn trở thành bác sĩ chuyên khoa sâu phải học Nội trú. Trước kia một khóa học chỉ gần 10% BSNT, nhưng giờ cần nhiều hơn, do đó, các trường có đủ điều kiện về giảng viên cơ hữu, cơ sở thực hành, thì phải mở rộng đào tạo BSNT.
Không chỉ Trường Đại học Y Hà Nội, còn có Trường Đại học Y Hải Phòng, Trường Đại học Y Thái Nguyên, Trường Đại học Y Dược Quốc gia Hà Nội cũng đào tạo BSNT, nên các trường phải cùng kiểm soát chất lượng, để đảm bảo đào tạo những người có tâm có đức với nghề y.
Chương trình đào tạo BSNT, ngoài lý thuyết chuyên sâu, phải có cơ sở thực hành, nên phải có thầy cô hướng dẫn lâm sàng tốt, phòng học, phòng phòng tiền lâm sàng tốt nhất của mỗi chuyên ngành. Hiện phòng tiền lâm sàng hiện còn đang thiếu, nên cần được đầu tư.
Với học viên, phải chăm chỉ, tuân thủ tốt quá trình đào tạo, không phải học kiểu đối phó mà là học lấy kiến thức cho chính bản thân để làm nghề tốt hơn. Hiện nhiều bác sĩ trẻ e ngại chương trình đào tạo BSNT 9 năm là dài và có theo được toàn bộ chương trình hay không.
Một số trường được nhà nước cấp kinh phí đào tạo, nhưng nhiều trường, học phí BSNT cao hơn học đại học. Vì vậy, cần phối hợp với các BV công và BV tư, để có kinh phí đào tạo BSNT.
+ Là người đào tạo, cũng là người sử dụng đội ngũ BSNT, ông có kiến nghị gì để sau khi vượt mốc 50 năm, công tác đào tạo BSNT sẽ ngày càng phát triển?
PGS. TS Trần Minh Điển: Để đào tạo mở rộng hệ thống BSNT, theo tôi, cần chú ý các vấn đề:
Tiêu chuẩn đầu vào: Ngoài kiến thức, tiêu chuẩn đầu vào cần có cuộc phỏng vấn trực tiếp các em về xu hướng nghề nghiệp lâu dài, có lòng trắc ẩn, tâm lý sẵn sàng tham gia khóa học, đeo đuổi nghề nghiệp chuyên sâu không. Vì thực tế, có em học Nội trú rồi bỏ ngang, có em học xong không làm nghề nữa.
Chương trình đào tạo: Học Sau đại học thì không cung cấp kiến thức đại học nữa, khung lý thuyết nên gọn lại, thực hành lâm sàng nhiều hơn nữa, tìm hiểu mô hình bệnh rộng nhất, đặc biệt là về kiến thức, kỹ năng.
Cần có chuẩn đầu ra cho BSNT. Nên định hướng các BSNT trở thành các nhà khoa học y tế trong tương lai, mà luận văn là tác phẩm đầu tay.
Đào tạo theo địa chỉ: Huy động nguồn lực từ các đơn vị y tế cả công và tư, đồng thời, các đơn vị này phải cam kết sử dụng nhân lực đúng vị trí việc làm sau đào tạo, để các em yên tâm học tập, tránh trường hợp BSNT Nhi nhưng cho về BV Phổi, chỉ KCB 3-5 bệnh nhân/ngày rất phí.
Đừng nghĩ BSNT là phải ở tuyến TW. Bất kỳ tuyến nào có người bệnh đều là chỗ thực hành nghề tốt nhất.. BV tỉnh ngày khám 3-4 nghìn bệnh nhân và bệnh nhân nội trú 1-5 nghìn, thì đầy đủ mô hình bệnh để đào tạo BSNT. Khoa ngoại có 200 giường bệnh cũng đủ đào tạo bác sĩ chuyên khoa 1,2 và thạc sĩ ở mức độ chuyên sâu.
Hiện mỗi trường tuyển sinh đang có chuẩn đầu vào riêng, nên cần có kỳ thi tuyển chung BSNT, có Ban điều phối do Trung tâm quốc gia thực hiện. Nếu không đỗ, bác sĩ vẫn có quyền thi lại.
Trong xu hướng mở rộng đào tạo BSNT, phải có lộ trình trong vòng 20-30 năm chuẩn bị về cơ sở thực hành, giáo viên … để bảo đảm 100% bác sĩ được học Nội trú.
Các BV nên tận dụng nhân lực là BSNT trong quá trình đào tạo, nhưng phải trả lương, trả tiền trực cho các em để các em yên tâm học tập.
+ Cám ơn ông đã trao đổi!
Thanh Hằng (thực hiện)