Trong diễn đàn "Đào tạo Bác sĩ Nội trú (BSNT) theo hướng tinh hoa hay mở rộng để phủ khắp các vùng?", đại diện của 2 bệnh viện (BV) lớn là PGS.TS. Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi TW và PGS.TS. Lân Hiếu - Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội - đồng tình với việc mở rộng việc đào tạo BSNT ở 100% sinh viên tốt nghiệp, để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, thì GS.TS. NGND. Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc BV Phụ sản Trung ương - lại băn khoăn về chất lượng đào tạo cũng như bố trí việc làm cho các BSNT nếu đào tạo BSNT quá nhiều.
Dưới đây là cuộc trò chuyện của VietTimes với GS.TS. TTND. Nguyễn Duy Ánh - người từng học BSNT, đồng thời, cũng là người đào tạo và sử dụng các BSNT:
+ Ông có thể cho biết ý kiến về vai trò của đội ngũ BSNT trong việc nâng cao chất lượng y tế?
GS.TS. Nguyễn Duy Ánh: BSNT là nhóm sinh viên có tố chất rất tốt, đã trải qua kỳ thi BSNT hết sức khó khăn, để tiếp tục đào tạo thực hành tại BV 3-4 năm nữa. Nói đến BSNT, biết ngay đó là nhóm bác sĩ giỏi, những tinh hoa của trường đại học y.
Trước đây, quy định khi học BSNT phải ở BV 24/24, BV quản lý rất chặt chẽ, ngoài ra, còn chương trình học của nhà trường luôn kín lịch. Được đào tạo kỹ nên ra trường là BSNT vững vàng về nghề nghiệp và tự tin hành nghề ngay.
Vì đầu vào rất gắt gao nên một khóa, Trường Đại học Y Hà Nội chỉ có hơn chục BSNT. Như vậy là quá ít cho một nhu cầu của một đất nước gần trăm triệu dân cần bác sĩ giỏi.
Tôi rất ngưỡng mộ các BSNT ngày xưa, vì họ quá tinh tú, mà không hệ đào tạo nào sau đại học làm được như vậy, nhưng tôi không ủng hộ mô hình đào tạo đó. Vì chúng ta có nhiều BV lớn, nhiều giáo sư, mà một trường đại học một năm chỉ đào tạo được hơn chục người cho cả miền Bắc thì người giỏi quá ít và cũng phục vụ được quá ít người dân.
Người dân cần nhiều bác sĩ BSNT nên không đào tạo bác sĩ tinh tú như xưa thì cũng đào tạo bài bản, có tay nghề để KCB được ngay. Do đó, sinh viên sau khi tốt nghiệp phải được đào tạo thêm để tôi luyện.
+ Như vậy, theo ông, cần đào tạo BSNT mở rộng cho tất cả các sinh viên tốt nghiệp 6 năm Đại học Y?
GS.TS. Nguyễn Duy Ánh: Quan điểm của tôi là đào tạo BSNT phải mở rộng hơn, nhưng tuyệt đối không tràn lan, vì chất lượng sẽ kém đi. Tôi không muốn chất lượng BSNT bị sa sút trong con mắt của giới y khoa, khi thấy BSNT bây giờ kém hơn cả bác sĩ thường.
Quan điểm của tôi là không đào tạo BSNT đại trà, nhưng cũng không hạn chế đầu vào như ngày xưa. Do đó, phải có tiêu chuẩn đầu vào và quá trình đào tạo vẫn phải nghiêm ngặt, có chất lượng, BSNT phải ở BV nhiều, làm đủ các tín chỉ, chứng chỉ một cách thực chất.
Các thầy đừng có thương BSNT quá mà chấm điểm cao ngất và họ thấy nghiễm nhiên được ở lại BV Trung ương, ở lại bộ môn rồi không chịu học hành thực sự. Như vậy, dần dần, sẽ mất chất, mất thương hiệu BSNT bao nhiêu năm qua và phá hỏng một hệ đào tạo tuyệt vời của ngành y.
Đặc biệt, xin góp ý với các nhà quản lý - Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, các nhà chính sách, lãnh đạo các tỉnh - rằng: Chúng ta biết BSNT là giỏi, và trước đây vì quá hiếm hoi nên được ưu tiên khá nhiều thứ, trong đó, có ưu tiên về chỗ làm việc. Vì thế, gần như “luật bất thành văn” là BSNT ra trường được ở lại các BV Trung ương, ở lại Hà Nội và các thành phố lớn, không bao giờ về tỉnh, nên hầu như không có BSNT ở tỉnh, dù tỉnh rất cần người tài. Trong khi hiện nay, BV Trung ương cũng không còn chỗ để nhận BSNT nữa, vì mỗi năm đào tạo hơn chục em.
Ở các nước phát triển, các tỉnh khá đồng đều, nên BSNT ra trường đều về làm việc, rồi mới trở về BV lớn, để các bác sĩ giỏi phải cống hiến. Họ có chính sách: BSNT chưa đi các tỉnh, các BV có quyền từ chối nhận.
Do đó, Việt Nam cần có chính sách BSNT tốt nghiệp phải đi các tỉnh một thời gian, rồi mới được về Trung ương, dĩ nhiên, nhà nước cần hỗ trợ để họ đủ sống và cống hiến. Bằng cách này, các tỉnh sẽ có bác sĩ giỏi.
Việc đào tạo BSNT và chính sách việc làm cho họ phải đi đôi với nhau, tránh đào tạo ra nhiều mà ra không bố trí được việc làm. Đào tạo ít thì lại không đạt được chính sách quốc gia cần có nhiều bác sĩ giỏi. Do đó, đầu vào cũng phải vừa đủ tránh dư thừa.
Chúng ta ước vọng sẽ có 100 % BSNT, nhưng các cơ sở đào tạo có đủ giảng viên, cơ sở thực hành, chuyên gia kèm cặp các BSNT không? Hay vào học nội trú thì muốn học đâu thì học, thậm chí là bỏ học cả tuần không ai kiểm tra, thậm chí giảm tiêu chuẩn đào tạo nội trú so với BSNT ngày xưa?
Thực tế thì đào tạo BSNT đã có những tiêu chí cứng, vì dù thông minh bao nhiêu vẫn phải chuyên cần, chăm chỉ. Ngành y không thể thông minh thay cần cù được. Vậy nên phải có khung đào tạo, môi trường đào tạo và cả người giám sát đào tạo, để BSNT phải thực sự là những người giỏi tay nghề.
+ Hiện có nhiều BV, địa phương đặt hàng đào tạo BSNT để nâng cao chất lượng y tế. Quan điểm của ông về vấn đề này?
GS.TS. Nguyễn Duy Ánh: Việc đặt hàng đào tạo BSNT là tốt, nhưng cũng phải lấy theo tiêu chuẩn nội trú, không thể gửi một người không đủ tiêu chuẩn vào, xong dạy làm sao cho đỗ BSNT. Đừng quá khắt khe như trước nhưng cũng không hạ thấp tiêu chuẩn đầu vào. Vì mục đích là đào tạo thành BSNT giỏi, thì không người không đủ tiêu chuẩn cũng sẽ không đủ năng lực để học.
Các BV thực hành cũng có giới hạn, ngoài số đối tượng BSNT thi đỗ theo tiêu chuẩn khắt khe, giờ lại thêm các đối tượng BSNT do các nơi đặt hàng thì quá sức, nên không thể có chất lượng được như trước.
+ Nhưng đào tạo càng nhiều BNST thì người dân sẽ càng được hưởng lợi, thưa ông!
GS.TS. Nguyễn Duy Ánh: Không phải chỉ đào tạo BSNT, mà cứ đào tạo bác sĩ giỏi là người dân được hưởng lợi. Đào tạo nhiều vẫn hơn là cho các bạn ra trường đi làm luôn, hoặc học chứng chỉ 18 tháng với khung đào tạo non choẹt và yêu cầu thấp hơn nội trú rất nhiều.
Đào tạo BSNT là đào tạo ra những bác sĩ giỏi và đấy là một hệ đào tạo rất chất lượng, nên phát huy nhưng không biến nó thành đại trà, song cũng đừng quá khắt khe với mức độ số người được đào tạo chả thấm vào đâu với dân số Việt Nam và chỉ phục vụ được một nhóm người, khi chúng ta có khả năng đào tạo ra nhiều người giỏi. Đừng làm ít quá, cũng đừng ôm đồm quá sức.
+ Ông đánh giá như thế nào về chất lượng BSNT hiện nay?
GS.TS. Nguyễn Duy Ánh: Nhìn tổng chung thì thua về chất lượng BSNT ngày trước, nhưng trong đó vẫn có những em rất chuyên cần, học rất giỏi, rất yêu nghề, rất trách nhiệm với thương hiệu BSNT, nhưng BSNT ngày xưa bỏ nhiều công sức nhiều hơn, học tập kinh khủng hơn, do sự quản lý, do khung đào tạo, đặc biệt là sự giám sát đào tạo. BSNT bây giờ đông quá, nên phải tự học, tự làm.
+ Theo ông, nếu mở rộng đào tạo BSNT thì có nên chỉ riêng Trường Đại học Y Hà Nội được đào tạo, hay tất cả các trường y trong cả nước đều có thể đào tạo?
GS.TS. Nguyễn Duy Ánh: Những trường y có cơ sở thực hành tốt và các thầy đủ tầm hãy đào tạo BSNT. Số lượng đào tạo BSNT mà nhiều quá chất lượng sẽ kém hơn, vì học Y phải cầm tay chỉ việc, thầy phải đưa học trò mổ cùng, khám cùng, gắn bó với bệnh nhân mới giỏi được.
Tiêu chí đào tạo đã có, như trong một bộ môn có bao nhiêu thầy có thể hướng dẫn đào tạo BSNT thực hành; có chỉ tiêu đào tạo mỗi năm và giao cho các thầy đi kèm và có trách nhiệm với các em. Các em phải đạt đủ hết các khung chương trình và tay nghề.
Cần đào tạo nhiều nhưng phải căn cứ vào điều kiện của trường, bám sát khung chương trình, đầu ra chặt chẽ, chăm lo cho các thế hệ BSNT và không nên mặc định là BSNT ra trường là ở BV Trung ương.
Cám ơn ông đã trao đổi!
Thanh Hằng (thực hiện)
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu