ĐÀO TẠO BÁC SĨ NỘI TRÚ THEO HƯỚNG TINH HOA HAY MỞ RỘNG ĐỂ PHỦ KHẮP CÁC VÙNG?

PGS.TS. Nguyễn Đức Hinh: Phải chuyển đổi mô hình đào tạo Bác sĩ Nội trú thành đào tạo đại trà

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

 VietTimes – Một bác sĩ học 9 năm khám, chữa bệnh chắc chắn sẽ rất khác một bác sĩ học 6 năm và đương nhiên, sẽ giảm được sai sót, giảm làm phiền người bệnh.

vt-gs-hinh-8600.jpg
PGS.TS. Nguyễn Đức Hinh - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội

Sau khi lấy ý kiến giám đốc một số bệnh viện (BV) lớn - nơi trực tiếp sử dụng các Bác sĩ Nội trú (BSNT) - về việc thay đổi mô hình đào tạo BSNT, trong các bài viết trước, để có sự khách quan trong vấn đề này, VietTimes tiếp tục trao đổi với nguyên lãnh đạo và lãnh đạo của Trường Đại học Y Hà Nội - những người trực tiếp đào tạo BSNT, rất am hiểu và rất tâm huyết với công tác này.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuộc trò chuyện với PGS.TS. Nguyễn Đức Hinh - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội - một người có tầm nhìn về hệ thống y tế, luôn ủng hộ đổi mới, cũng chính là một trong những người khởi xướng và thúc đẩy mạnh mẽ việc mở rộng đào tạo BSNT.

PV: BSNT là tinh hoa của tinh hoa trong Trường Đại học Y Hà Nội. Nhiều BSNT đã thành danh, trong đó có ông - vừa là thầy thuốc nổi tiếng, vừa từng là Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội. Ông có thể cho biết, quá trình học BSNT có ảnh hưởng thế nào trong nền tảng hôm nay của ông?

PGS.TS. Nguyễn Đức Hinh: Tôi thi đỗ BSNT rồi học chuyên ngành sản từ năm thứ 6, rồi học thêm 3 năm nữa. Kiến thức ôn luyện thi vào BSNT cả năm trước đó cùng với 4 năm học Nội trú, ở trong BV, trực tiếp chăm sóc người bệnh, tham gia các ca mổ, tôi học được rất nhiều, đúc kết được những kiến thức quan trọng, làm nền tảng vững chắc trong suốt cuộc đời sau này, giúp tôi nâng cao tay nghề trong khám, chữa bệnh (KCB).

Những năm 1982-1983, đất nước rất khó khăn, chưa có thiết bị y tế như bây giờ, chúng tôi KCB chủ yếu dựa vào hai bàn tay, khối óc và trái tim của mình. Nhưng điều đó lại giúp chúng tôi rèn luyện được tay nghề và nâng cao trình độ, không phụ thuộc vào máy móc mà vẫn tìm ra bệnh và chữa được bệnh.

Bây giờ chúng tôi cũng sử dụng các công nghệ y tế, nhưng tiếp cận ban đầu vẫn phải là lâm sàng. Khi đã có cảm nhận lâm sàng rồi, chỉ cần điểm xuyết công nghệ cho chẩn đoán sẽ vừa hiệu quả, vừa tránh lãng phí, tiết kiệm cho người bệnh.

Cho đến nay, những kinh nghiệm từ quá trình học BSNT vẫn được tôi sử dụng để KCB, càng khẳng định hiệu quả từ học BSNT rất quan trọng.

vt-hinh-mo-3789.jpg
PGS.TS. Nguyễn Đức Hinh hướng dẫn các BSNT trong một ca mổ tại BV Đại học Y Hà Nội (ảnh: Thanh Hằng)

PV: Với hiệu quả thực tế từ công tác đào tạo BSNT, theo ông, chủ trương mở rộng đào tạo BSNT sẽ đem lại lợi ích gì, đặc biệt là cho người bệnh?

PGS.TS. Nguyễn Đức Hinh: Một bác sĩ học 6 năm ra trường, lại thêm ba năm học tập, làm việc ở những BV lớn, có bệnh nhân nặng và thầy thuốc giỏi, là quá trình truyền nghề rất tốt. Mô hình học 6 năm học chỉ trang bị cho bác sĩ kiến thức cơ bản, tay nghề chưa được bao nhiêu.

Trước đây, đất nước còn chiến tranh, việc đào tạo bác sĩ 6 năm là do yêu cầu phải có thầy thuốc để tung ngay vào chiến trường. Tất nhiên, kết quả nhiều nhưng trả giá cũng không ít. Bây giờ, không được phép làm như vậy, mà tính mạng người bệnh phải được lên hàng đầu, chất lượng chăm sóc người bệnh đòi hỏi cao, nên thầy thuốc phải có tay nghề rất vững. Một bác sĩ học 9 năm KCB chắc chắn rất khác một bác sĩ học 6 năm và đương nhiên sẽ giảm được sai sót, giảm làm phiền người bệnh.

Ở Việt Nam, từ khi hình thành hệ BSNT đến giờ đều đổ đồng học 3 năm, là không hợp lý. Thế giới có hệ 3 năm, 4 năm, thậm chí 5 năm, như phẫu thuật sọ não, phẫu thuật tim mạch vv…

Bác sĩ gia đình hay bác sĩ đa khoa ra trường cũng phải học Nội trú, vì là tuyến sàng lọc đầu tiên và có phát triển tốt hệ thống này mới giảm tải được cho tuyến trên. Phải tổ chức theo mô hình như vậy mới hội nhập quốc tế.

vt-hinh-mo-1-6049.jpg
PGS.TS. Nguyễn Đức Hinh cùng các BSNT trong ca mổ tại BV Đại học Y Hà Nội (ảnh: Thanh Hằng)

PV: Thưa ông, việc mở rộng đào tạo BSNT có những khó khăn gì mà phải sau gần 50 năm đất nước thống nhất mới có thể triển khai được?

PGS.TS. Nguyễn Đức Hinh: Điều quan trọng nhất là ý tưởng. Đến giờ, nhiều bậc thầy của tôi vẫn giữ tư duy đào tạo BSNT phải là đào tạo tinh hoa, đào tạo một nhóm nhỏ bác sĩ. Đây là một khó khăn khi triển khai.

Để hội nhập, phải chuyển đổi mô hình đào tạo BSNT là đào tạo bắt buộc cho tất cả các bác sĩ trước khi hành nghề. Không còn đào tạo 5 - 10 người nữa, mà học bác sĩ xong thì phải học BSNT mới được đi KCB như thế giới đã làm. Ngay cả Lào, Campuchia, bác sĩ ra trường đều phải học Nội trú mấy năm.

Nhưng hiện nay, nhiều trường chưa được cấp phép đào tạo BSNT. Do đó, theo tôi, hệ thống y tế liên quan đến quản lý địa phương, tức là cần quy định mỗi khu vực có bao nhiêu dân thì phải có một trường y và các BV thực hành của trường y đó.

Trên thế giới, cứ 2-3 triệu dân là có một trường đại học y. Chúng ta có 90 triệu dân phải có ít nhất là 30 trường y rải đều, còn nếu tụ tập ở một số chỗ và nhiều nơi không có, thì vùng không có sẽ không có được “đầu tàu” để kéo lên. Nhiều tỉnh lớn không có trường đại học y, trong khi, Hà Nội và TP.HCM lại có rất nhiều trường.

Mỗi trường cũng cần có một số BV thực hành, chứ không thể một BV nhận sinh viên của 3-4 trường, vì sẽ “giẫm chân” lên nhau. Tôi giảng cho học trò của trường tôi, thì học trò của trường khác cũng đến nghe, mà không thể bảo họ đi chỗ khác. Để làm được việc này, phải có vai trò quản lý của Nhà nước.

Nhiều nước có chế độ ưu đãi để mời gọi các giáo sư về những vùng khó khăn, vực nền y tế lên. Còn hiện ở ta, các giáo sư tập trung chủ yếu ở Hà Nội, TP.HCM, Huế, nhiều tỉnh không có giáo sư KCB cho nhân dân. Đây là vấn đề cần bàn tay của Nhà nước để quy hoạch các trường đại học Y, chứ không phải cứ địa bàn dễ như Hà Nội là mở năm, bảy trường, còn các chỗ khác không có.

PV: Bên cạnh việc cần phải quy hoạch trường đại học y cho phù hợp, ông có kiến nghị gì thêm trong vấn đề mở rộng đào tạo BSNT thay vì đào tạo BSNT tinh hoa như trước?

PGS.TS. Nguyễn Đức Hinh: Bên cạnh việc quy hoạch các trường đại học Y, vấn đề tiếp theo là cần đào tạo BSNT đại trà. Thay vì các bác sĩ ra trường phải học 18 tháng để cấp chứng chỉ, thì phải học BSNT.

Trở lại với việc quy hoạch hệ thống y tế. Nhiều nước quy định một máy MRI trên bao nhiêu dân, chứ không phải cứ có tiền là mua máy và mua nhiều quá thì tìm cách để hoàn vốn, dẫn đến chỉ định rộng rãi.

Trường Y cũng thế, chứ mở nhiều quá rồi thành đào tạo thừa. Phải biết mỗi năm đất nước cần bao nhiêu bác sĩ, vùng miền nào cần, để đào tạo xong về làm việc ở đấy, chứ không phải “chạy” hết về Hà Nội với TP.HCM.

Có khởi động vấn đề này thì với tốc độ liên tục, cũng phải mất 20 năm, may ra mới thành công, nếu không khởi động, chắc không bao giờ làm được.

vt-hinh-da-cat-5278.jpg
PGS.TS. Nguyễn Đức Hinh

PV: Trước đây, khi đào tạo BSNT theo hướng chọn lọc, thì BSNT có lương, nhưng nay thì không, đồng thời, ra trường, BSNT vẫn có mức lương như bác sĩ không học BSNT. Ý kiến của ông về vấn đề này?

PGS.TS. Nguyễn Đức Hinh: Khi đã đào tạo BSNT đại trà thì cần có chính sách tiền lương tương xứng với số năm đào tạo, chứ không phải lương BSNT vẫn bằng lương cử nhân. Muốn thế, cần phải xây dựng cơ chế phù hợp.

Ở Đức, để trở thành một phẫu thuật viên thần kinh, phải học 13 -14 năm mới có thể hành nghề. BSNT ở nước ngoài đều có lương, vì họ đã bắt đầu công việc hành nghề, làm ra sản phẩm.

Vai trò của BSNT trong các BV rất quan trọng. Bây giờ, mấy BV lớn như Việt Đức, Bạch Mai, Phụ sản TW mà không có lực lượng BSNT, tôi chắc chắn là BV rối loạn ngay, vì các BSNT đảm nhiệm rất nhiều công việc trong BV, từ A đến Z, cả những việc không tên. Chúng tôi mổ, BSNT phụ, giúp cho tôi làm việc, nhưng đồng thời, đấy là quá trình tôi hướng dẫn các em học. BSNT là những người học việc rất đặc biệt.

Nghị quyết 46 Bộ Chính trị đã nói rõ: Nghề y là một nghề đặc biệt, cần phải đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Nếu chúng ta thực hiện đúng được nội hàm đó thì sẽ khác.

Xin được cám ơn ông đã chia sẻ!

Thanh Hằng (thực hiện)

Tốt nghiệp BSNT sản, ở tuổi 37, PGS.TS. Nguyễn Đức Hinh trở thành lãnh đạo BV tuyến TW trẻ nhất ngành y lúc đó. Sau 11 năm làm Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn BV Phụ sản TW, ông làm Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội 2 nhiệm kỳ.

PGS.TS. Nguyễn Đức Hinh đã có nhiều sáng kiến cải tiến đem lại lợi ích cho người bệnh. Sau mấy chục năm, nhiều kỹ thuật của ông vẫn đang được sử dụng. Trong đó, có kỹ thuật lai từ 2 đường rạch mà thế giới đã có thành một đường rạch tối ưu trong mổ cắt tử cung đường âm đạo cho người có u xơ, mà không bị sa.

Rồi từ đường rạch của thế giới đã có khoảng 70 năm, ông phát minh ra “đường rạch Hinh - Minh” để lấy thai, mổ phụ khoa. Đặc biệt, kỹ thuật này của ông được người Pháp mang ra nhiều nước.

Ông cũng sáng kiến ra k thuật nội soi chọc thẳng Proca và đến giờ, nhiều BV đều làm.

Riêng năm 2023, khi làm Giám đốc Trung tâm Sản BV Tâm Anh, ông tiếp tục có hàng loạt cải tiến trong kỹ thuật lấy thai: Trước khi mổ, ông vẽ đường mổ bằng bút, đảm bảo tính thẩm mỹ cho sản phụ; Khi mổ, ông sử dụng dao điện để đỡ chảy máu; Cải tiến việc khâu tử cung bằng khâu mũi khép góc, rồi mới bắt lớp cơ tử cung. Ông cũng mạnh dạn sử dụng cành Forceps làm máng trượt để đỡ em bé, thay vì trượt vào tay; dùng keo dán da thay chỉ khâu vv…