Mở rộng dịch vụ kỹ thuật thanh toán BHYT
Chia sẻ với VietTimes bên lề hội nghị về điều kiện thanh toán dịch vụ kỹ thuật BHYT do Bộ Y tế tổ chức chiều 5/12, bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (BHYT) Bộ Y tế - cho biết Thông tư 39 sửa đổi Thông tư 35 về danh mục, điều kiện thanh toán BHYT các dịch vụ kỹ thuật vừa được Bộ Y tế ban hành đã đưa ra các điều kiện thanh toán sát với yêu cầu chuyên môn, phạm vi thanh toán.
Thông tư mở rộng dịch vụ kỹ thuật được thanh toán BHYT cho người bệnh, như chỉ điểm khối u phục vụ chẩn đoán và điều trị ung thư, dịch vụ chụp cắt lớp 64 dãy, 128 dãy; sinh hóa, xét nghiệm để đáp ứng các nhu cầu điều trị.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng điều chỉnh nội dung thanh toán sát với Luật Khám, chữa bệnh (KCB) 2023, Luật giá 2023 và ban hành Thông tư về phương pháp tính giá dịch vụ KCB, để thuận tiện cho quá trình thanh toán cũng như chỉ định dịch vụ kỹ thuật BHYT.
Theo đó, giá dịch vụ KCB được cơ sở y tế tự định giá và do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Cơ quan BHYT thanh toán theo giá đã được phê duyệt, sẽ sát với điều kiện triển khai định mức kinh tế kỹ thuật của từng cơ sở KCB, từng cấp chuyên môn và từng loại hình cơ sở KCB.
Với quy định sửa đổi lần này, việc thanh toán dịch vụ kỹ thuật như chi phí tiền giường, khám, ngày ra vào viện sẽ thuận lợi hơn cho các cơ sở KCB BHYT.
Theo bà Trang, tuy giá dịch vụ KCB hiện đang trong lộ trình, nhưng từ tháng 11/2024 đã tính theo tiền lương mới, nên giá dịch vụ KCB BHYT được thanh toán sẽ tăng so với trước đây, như chẩn đoán ung thư, một số bệnh tim mạch, chẩn đoán huyết học, nhi khoa… song quỹ BHYT vẫn cân đối được.
Tại hội nghị, bà Hoàng Thị Bích Ngọc (Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế) lưu ý về giá dịch vụ giường bệnh: Trường hợp cùng một thời điểm phải nằm ghép 2 người/giường, thì chỉ được thanh toán 1/2 mức giá dịch vụ ngày giường bệnh tương ứng. Trường hợp nằm ghép từ 3 người trở lên, chỉ được thanh toán 1/3 mức giá ngày giường.
Ngoài ra, các bàn khám khám trên 65 lượt khám trong thời gian mỗi 8 giờ/ngày, cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ thanh toán bằng 50% mức giá khám bệnh với lượt khám từ thứ 66 trở lên của bàn khám đó.
Trong thời gian tối đa 3 tháng liên tiếp, cơ sở KCB vẫn còn có bàn khám bệnh trên 65 lượt/ngày thì cơ quan bảo hiểm xã hội không thanh toán tiền khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên của bàn khám đó.
Trước băn khoăn của một số cơ sở y tế về việc quy định trên sẽ gây khó cho cơ sở KCB khi bệnh nhân đông, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục quản lý KCB - khuyến cáo các bệnh viện (BV) phải bố trí nhân lực, số bàn khám bệnh để bảo đảm chất lượng.
Ông Khoa nhấn mạnh việc ứng dụng CNTT hiệu quả, như hẹn khám, KCB từ xa, dự liệu thời gian bệnh nhân đến đông (mùa hè học sinh nghỉ học), để không vượt quá số người khám/buổi như quy định, tránh bị BHYT từ chối thanh toán.
Các địa phương gặp khó
Về quy định các tỉnh phê duyệt giá KCB, đại diện các BV cho rằng quy trình để Hội đồng Nhân dân tỉnh phê duyệt giá mất nhiều thời gian, ít nhất từ 3 - 6 tháng. Cùng với đó, các BV phải đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, quy trình chuyên môn, nhân lực, vật tư tiêu hao… nên sẽ gây khó khăn cho các BV. Người dân vì vậy chưa thể tiếp cận dịch vụ kỹ thuật vì BV chưa triển khai.
Chia sẻ với VietTimes bên lề hội nghị, bà Lưu Thị Bình - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên - bày tỏ: Trước đây, giấy phép của các BV không ghi số giường, nhưng theo Thông tư 39, khi ký kết hợp đồng với bảo hiểm xã hội phải ghi rõ số giường. Điều này vô cùng khó khăn với các BV xây dựng từ những năm 1980-1990, vì nhiều nơi không ghi số giường, hoặc số giường theo kế hoạch thấp do nhu cầu khi đó chưa cao.
Nhưng nếu cấp phép lại sẽ vướng nhiều vấn đề, như quy định phải đủ diện tích 50m2/người, vấn đề môi trường, đặc biệt là phòng, chống cháy nổ - vì không được sửa chữa trên cơ sở cũ. Như vậy, cấp phép lại thì không đủ điều kiện, còn xây mới địa phương không đủ tiền xây toàn bộ hệ thống bệnh viện, trung tâm y tế.
Bên cạnh đó, nếu ghi theo số giường thực kê thì không được BHYT thanh toán, còn ghi số giường theo cấp phép như xưa cũng vướng, vì nhiều BV không ghi số giường.
Số giường thực kê ở tỉnh là 3.000, nhưng giường kế hoạch không có, hoặc tính về mặt bằng chỉ có 50%. Nếu không được thanh toán, bệnh nhân phải chuyển tuyến, gây quá tải ở trên, trong khi địa phương đáp ứng được cả về năng lực chuyên môn lẫn con người …
“Theo luật và nghị định thì phải có sự can thiệp của Bộ Y tế và Chính phủ mới có thể giải quyết được khó khăn này” - bà Bình đề xuất.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu