Hội chẩn đa chuyên khoa ngay tại giường bệnh
Sau vụ tai nạn, cháu bé được chuyển đến Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng trong tình trạng hôn mê, đa chấn thương nặng và được các bác sĩ cấp cứu, đồng thời liên hệ với Bệnh viện Nhi Trung ương để hội chẩn và chuyển lên Hà Nội.
Thông tin về bệnh nhân, trưa nay, 9/12, BSCKII Nguyễn Tân Hùng - Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết: Ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ các đồng nghiệp, Bệnh viện Nhi Trung ương đã trao đổi với các bác sĩ tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng nhằm hồi sức, ổn định tình trạng cháu bé cũng như vận chuyển an toàn để xử lý được các tình huống cấp cứu xảy ra trong quá trình vận chuyển.
Khi cháu được đưa đến khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ lập tức tiếp nhận và xác định cháu bị đa chấn thương rất nghiêm trọng. Ngay lập tức, Ban Giám đốc Bệnh viện đã chỉ đạo các bác sĩ hội chẩn đa chuyên khoa ngay tại giường bệnh.
Kết quả kiểm tra cho thấy cháu bé bị đứt gần như hoàn toàn dây chằng cột cơ van hai lá dẫn tới hở 2 lá nặng/cấp - theo dõi tụ máu và/hoặc huyết khối cơ nhú; tổn thương đụng dập nhu mô phổi 2 bên, tràn khí tràn dịch màng phổi trái; vỡ xương xoang trán, hàm, hốc mắt trái; tụ máu xoang hàm phải, gãy xương cẳng tay trái và gãy xương đốt bàn 3-4-5 bàn chân trái.
Do cháu bé rơi vào tình trạng huyết động không ổn định, các bác sĩ phải vừa hồi sức tích cực vừa đưa ra phương án điều trị tối ưu nhất cho trẻ.
Chia sẻ về tình hình cháu bé, TS.BS Đặng Ánh Dương, Trưởng khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa, cho hay: Cháu bị chấn thương phổi rất nặng, dập phổi trái nên chúng tôi cố gắng ổn định chức năng sống và dự định khi phổi ổn định hơn sẽ tiến hành phẫu thuật tim. Tuy nhiên, tình trạng tim mạch của cháu diễn biến phức tạp nên chúng tôi phải xin ý kiến Ban Giám đốc và hội chẩn với PGS.TS Nguyễn Lý Thịnh Trường, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, quyết định mổ cấp cứu cho bệnh nhi.
Phối hợp liên chuyên khoa và tuyến dưới để cứu bệnh nhân kịp thời
PGS.TS Nguyễn Lý Thịnh Trường, người trực tiếp phẫu thuật cho cháu bé, cho biết: Quá trình phẫu thuật, chúng tôi phát hiện thành tim và cơ tim trẻ bị tổn thương nham nhở, các van tim không còn hoạt động hiệu quả.
Lúc này, việc phẫu thuật thay van tim là cần thiết, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lớn như chảy máu não, tổn thương phổi nặng hơn và nguy cơ tử vong cận kề. Khả năng thành công chỉ 20-30%, nhưng các bác sĩ đã cân nhắc kỹ lưỡng và quyết định phẫu thuật với sự hỗ trợ của máy tim phổi nhân tạo.
“Quá trình phẫu thuật là một thách thức lớn khi van tim và cơ tâm thất trái bị dập nát, tổ chức cơ tim yếu và dễ bục. Việc thay van thông thường trở nên rất khó khăn do nguy cơ thủng thành sau của tim.
Các bác sĩ đã sử dụng kỹ thuật khâu sáng tạo, cẩn thận xử lý để đảm bảo van tim mới hoạt động ổn định mà không làm tổn thương thêm” – PGS.TS Nguyễn Lý Thịnh Trường cho hay.
Sau hơn 4 giờ căng thẳng, ca mổ đã thành công, đưa cháu bé khỏi ranh giới sinh tử.
Theo PGS.TS Nguyễn Lý Thịnh Trường, yếu tố quyết định để cứu sống bệnh nhi là chẩn đoán đúng và đưa ra hướng xử lý nhanh. Chỉ trong thời gian ngắn, bệnh nhi được thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng cần thiết để đánh giá toàn diện. Sau đó, trẻ được phẫu thuật kịp thời ở nơi có các phương án dự phòng đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, giúp ca phẫu thuật thành công.
Trước đó, Bệnh viện Nhi Trung ương đã thường xuyên thiết lập cơ chế phối hợp liên chuyên khoa cũng như với các bệnh viện tuyến dưới. Nhờ đó, các bác sĩ tận dụng được “thời gian vàng” trong cấp cứu, giúp cứu sống nhiều trẻ nguy kịch.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu