Google phải xin lỗi vì tiếp tục vi phạm lòng tin của người dùng

Google tiếp tục thừa nhận đã theo dõi vị trí người dùng ngay cả khi chế độ 'Location History' được tắt. Thế nhưng, thay vì đưa ra một lời xin lỗi đích đáng, công ty vẫn im lặng và đây không phải là lần đầu trong suốt 20 năm hoạt động.

Vị trí của người dùng vẫn bị lưu lại ngay cả khi đã tắt chế độ Location History.

Tuần này Google thừa nhận rằng đã "âm thầm" theo dõi vị trí của người dùng, ngay cả khi mọi người đã tắt chế độ "Location History", hành động của "gã khổng lồ" tìm kiếm bị lật tẩy từ điều tra của Associated Press.

Kết quả đó thực sự làm tổn thương lòng tin người dùng, bởi đây không phải là lần đầu mà đã có một lịch sử lâu dài. Cùng nhìn lại những biến cố mà "gã khổng lồ" đã gây ra, để thấy rằng người dùng cần phải có một lời xin lỗi thích đáng từ Google.

Những vụ "bê bối" về dữ liệu cá nhân trước đây của Google

Vào năm 2010, Ủy ban Thương mại Liên bang của Mỹ (FTC) đã nhận được yêu cầu điều tra Google vì thu thập thông tin cá nhân qua các kết nối Internet của các mạng Wi-Fi chưa mã hóa.

Năm 2011, Google đồng ý trả 500 triệu USD tiền nộp phạt khi cho phép các hãng dược phẩm của Canada đưa quảng cáo trên trang mạng của mình. Các quan chức Bộ Tư pháp Mỹ nói rằng quảng cáo của các công ty dược phẩm Canada đã vi phạm quy định của Liên bang Mỹ về thực phẩm và thuốc, cũng như nhập khẩu trái phép những loại thuốc bán theo đơn và không theo đơn của bác sĩ vào thị trường Mỹ.

Tiếp tục trong năm 2012, Google trả 22,5 triệu USD tiền phạt do xâm phạm quyền riêng tư của người sử dụng trình duyệt Safari của Apple, bằng cách theo dõi họ thông qua các cookie hoặc quảng cáo trên trình duyệt.

Có thể thấy các cách xử lý trên của "gã khổng lồ" tìm kiếm đều là nộp phạt để "lấp liếm" hành động của mình và im lặng như không có gì quan trọng xảy ra. Sau đó, mọi người vẫn tiếp tục sử dụng dịch vụ của Google.

Các "gã khổng lồ" khác cũng từng nối gót Google?

Chính cách hành xử không minh bạch của Google đã kéo theo hàng loạt hành động tương tự đến từ các gã khổng lồ công nghệ. Đầu tiên phải kể đến scandal thu thập và sử dụng dữ liệu người dùng Facebook thông qua công ty Cambridge Analytica.

Vào 5 tháng trước, cựu nhân viên 28 tuổi Christopher Wylie của Cambridge Analytica đã tố cáo công ty mình từng làm việc đã được Facebook cho phép thu thập dữ liệu của hơn 87 triệu người dùng, nhằm thao túng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Một tháng sau, CEO Mark Zuckerberg của Facebook phải điều trần trước Quốc hội Mỹ để trả lời những câu hỏi liên quan đến scandal với Cambridge Analytica.

CEO Mark Zuckerberg của Facebook trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ.

Tuy sau đó một trào lưu với hashtag #DeleteFacebook đã diễn ra nhưng trên thực tế Facebook cũng không thay đổi quá nhiều sau vụ bê bối, cũng như thái độ công ty liên quan đến việc thu thập dữ liệu và vi phạm lòng tin của người dùng. Thậm chí trong báo cáo thu nhập Quý II vừa qua, Facebook cho biết đã mang về doanh thu hơn 13 tỷ USD - tăng 425 so với cùng kỳ năm ngoái cũng như 11% số lượng người dùng hoạt động hàng ngày và hàng tháng.

Nói tóm lại, dù có gây ra chuyện lớn gì nữa, cả Google và Facebook đều hiển nhiên "đứng yên một chỗ" và không tỏ thái độ hành xử đúng đắn đối với người dùng.

Các gã khổng lồ càng lớn càng gây ra nhiều lỗi

Hầu như không có những xử phạt bình đẳng đối với Facebook và hàng trăm mạng xã hội khác, cũng như với Google và các công cụ tìm kiếm khác sau những vụ việc xâm phạm đến dữ liệu cá nhân của người dùng.

Theo thống kê của StatCounter, Google là công cụ chiếm tới 90% thị phần của thị trường tìm kiếm toàn cầu. Tiếp sau đó là công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft, với 3% thị phần. Hay nói cách khác, cách "trừng trị" thích đáng nhất dành cho Google là mọi người phải chuyển đổi sang một công cụ tìm kiếm khác hoặc phải có một công cụ đủ mạnh để cạnh tranh và đánh bại được Google. Nhưng điều này sẽ khó hoặc không bao giờ xảy ra.

Trong suốt 20 năm nay, Google vẫn là công cụ tìm kiếm thống trị trên toàn thế giới. Các công cụ khác của hãng như Gmail và Google Documents dần trở nên phổ biến không kém, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống cá nhân và trong công việc của mỗi người.

Tuy vẫn có các công cụ tương tự cạnh tranh với Google nhưng các dịch vụ của công ty vẫn thuận tiện khi sử dụng hơn như việc chia sẻ thông tin trong một nền tảng chung. Chúng ta không thể phủ nhận được những cố gắng của gã khổng lồ tìm kiếm khi liên tục cải tiến các sản phẩm của mình trong 2 thập kỷ qua và tất nhiên khó có nền tảng tìm kiếm nào có thể đánh bại lại được Google.

Nhưng điều đó không có nghĩa là hãng này được phép "phụ lại lòng tin" của người dùng mà công ty càng ngày càng phải nâng cao chất lượng phục vụ cho tất cả mọi người. Dù khách hàng có để ý tới hành động của Google hay không thì việc thu thập dữ liệu về vị trí cũng là điều hoàn toàn sai trái.

Thay vì cố gắng lấp liếm sau khi bị các cơ quan thứ 3 phát hiện, Google nên thừa nhận và công khai xin lỗi người dùng, để xứng đáng với những gì mà mọi người đã ủng hộ công ty trong suốt 20 năm qua.

Theo ICT News

http://ictnews.vn/internet/google-phai-xin-loi-vi-da-tiep-tuc-vi-pham-long-tin-cua-nguoi-dung-171336.ict