"Con đường dẫn đến khả năng thương mại hóa của dự án được chứng minh là dài và rủi ro hơn nhiều so với dự đoán", Astro Teller, đứng đầu công ty X (trực thuộc Google), cho biết trong một bài viết trên trang blog chính thức.
"Trong một vài tháng tới, chúng tôi sẽ bắt đầu cắt giảm hoạt động và Loon sẽ không còn là một dự án của Alphabet".
Một quả khí cầu thuộc dự án Loon của Google, dùng để phủ sóng Internet trên toàn cầu |
Loon là dự án đầy tham vọng của Google, được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2013. Đây là dự án được phòng thí nghiệm Project X của Google (nay là một công ty con của Alphabet) phát triển, trong đó Google sẽ sử dụng những quả khinh khí cầu bay lơ lửng trên bầu trời để cung cấp sóng WiFi miễn phí tại những khu vực bị thiên tai, các vùng nông thôn hay nghèo khó khó có thể tiếp cận được. Khinh khí cầu của Google sẽ bay ở độ cao không thể nhìn thấy và được các kỹ sư của Google điều chỉnh độ cao và bay nương theo chiều gió để đi theo các tuyến đường mà Google mong muốn.
Những trạm mặt đất của Google có bán kính khoảng 96km quanh khu vực của khinh khí cầu có thể nhận được tín hiệu Internet từ chúng phát ra. Các tín hiệu này sẽ cầu sẽ được truyền ngược trở lại một quả khinh khí cầu tiếp theo để giữ cho sóng Wifi được lan truyền liên tục và không bị ngắt đoạn.
Những khinh khí cầu của Google được gắn pin năng lượng mặt trời vào bề mặt bơm phồng để tạo ra năng lượng cho hệ thống điều khiển từ xa, mạch phát sóng Internet và ăng-ten… Tốc độ truyền tải dữ liệu WiFi miễn phí từ những quả khinh khí cầu sẽ được đáp ứng tối thiểu tương đương với mạng 3G.
Mỗi quả khinh khí cầu có thể cung cấp dịch vụ Internet cho một khu vực rộng lớn gấp đôi diện tích thành phố New York, hoặc tương đương 2.020 km vuông.
Năm 2018, Alphabet, công ty mẹ của Google, đã tách Loon ra thành một công ty riêng, thay vì một dự án trực thuộc Google như trước đây, cho thấy tham vọng ngày càng lớn của Alphabet so với Loon.
Loon được triển khai thương mại hóa đầu tiên tại Kenya từ tháng 7 năm ngoái, khi Google triển khai 35 quả khinh khí cầu để phủ sóng Internet cho phạm vi 50.000 km vuông. Trước đó, Loon cũng đã được triển khai để cung cấp dịch vụ Internet cho các khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai, khi tại Puerto Rico sau cơn bão Maria vào năm 2017 và tại Peru sau trận động đất vào năm 2019.
Dịch vụ Internet của Loon vẫn sẽ tiếp tục hoạt động tại Kenya cho đến tháng 3 năm nay. Alphabet vẫn sẽ giữ lại một số nhân sự của Loon để tiếp tục điều hành các khinh khí cầu, trong khi đó các nhân viên khác của công ty sẽ được điều chuyển sang các bộ phận khác tại Alphabet.
Alphabet cũng dự định sẽ chi ra 10 triệu USD để hỗ trợ những người dùng cá nhân và doanh nghiệp tại Kenya bị ảnh hưởng sau khi dự án Loon bị "khai tử".
Loon không phải là dự án thể hiện tham vọng phủ sóng Internet toàn cầu của Google bị "khai tử". Trước đó, vào năm 2017, Google cũng đã "khai tử" dự án phủ sóng Internet bằng máy bay không người lái . Lý do chính cho quyết định "khai tử" dự án đầy tham vọng này được cho là những khó khăn về tài chính, bởi lẽ dự án này không thực sự mang lại lợi nhuận trong khi tiêu tốn rất nhiều kinh phí để nghiên cứu và phát triển.
Theo Dân trí