Google bắt đầu mở quyền truy cập Bard tại Mỹ và Anh nhằm cạnh tranh với ChatGPT

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hiện tại người dùng ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đã có thể tham gia danh sách chờ để truy cập phiên bản tiếng Anh của Bard một chương trình trước đây chỉ dành cho những nhà thử nghiệm có tiếng.
Ảnh: Google
Ảnh: Google

Google vào thứ ba đã bắt đầu phát hành công khai chatbot Bard của mình, nhằm giành lại vị thế trước Microsoft Corp trong cuộc đua về trí tuệ nhân tạo.

Hiện tại người dùng ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, đã có thể tham gia danh sách chờ để truy cập phiên bản tiếng Anh của Bard, một chương trình trước đây chỉ dành cho những nhà thử nghiệm có tiếng. Google mô tả Bard là một dịch vụ cho phép người dùng tương tác với AI tổng quát, công nghệ dựa trên dữ liệu trong quá khứ để tạo ra nội dung.

Trên trang web, Google miêu tả Bard, một công cụ được xây dựng trên nền tảng ngôn ngữ LaMDA, là "cộng tác viên sáng tạo và hữu ích, giúp người dùng nâng cao trí tưởng tượng, tăng năng suất và biến ý tưởng thành hiện thực". Tuy nhiên, hiện tại, Bard chỉ hoạt động tại Mỹ và Anh.

Trong tuần trước, Google đã công bố tích hợp AI vào các ứng dụng Workspace như Docs, Gmail, Sheets và Slides để hỗ trợ người dùng soạn thảo nội dung nhanh chóng. Hãng cũng công bố quan hệ đối tác, cung cấp cơ sở hạ tầng đám mây và chip TPU tùy chỉnh cho Midjourney. Google khẳng định sẽ phát triển AI có trách nhiệm và trao quyền kiểm soát cho người dùng trong việc sử dụng các sản phẩm của công ty một cách hợp lý.

Trong thử nghiệm của Reuters, Bard cung cấp câu trả lời văn bản ngay lập tức, thay vì hiển thị từng từ như ChatGPT. Được biết, người dùng có thể nhấn vào nút "Google it" nếu muốn xem kết quả tìm kiếm bằng phương pháp tra cứu thông thường.

Google cũng đã nhấn mạnh "Không phải lúc nào Bard cũng đúng" nhằm cảnh báo người dùng về độ chính xác trong câu trả lời. Công ty đã thừa nhận rằng trong giai đoạn thử nghiệm, Bard vẫn có thể trả lời sai về kiến thức khoa học hoặc đưa ra 9 đoạn văn bản trong khi câu hỏi yêu cầu chỉ 4 đoạn. Người dùng có thể nhấn vào nút "dislike" để phản ánh nếu câu trả lời không hữu ích.

Bard được Google giới thiệu vào đầu tháng 2 và chỉ được thử nghiệm nội bộ, trong bối cảnh công ty đang đối mặt với nhiều thách thức trong lĩnh vực tìm kiếm. Jack Krawczyk, Giám đốc sản phẩm cấp cao của Google, cho biết công ty đã nhận thấy hạn chế của trí tuệ nhân tạo, do đó vẫn đang cân nhắc về tốc độ triển khai rộng rãi cho dịch vụ này.

Trước đó, OpenAI đã tung ra ChatGPT vào cuối năm ngoái và đã tạo ra một cuộc đua nước rút trong ngành công nghệ. Các chuyên gia tin rằng AI sẽ định hình lại cách con người làm việc và tương tác trên Internet.

Theo Yahoo Finance