Gọi hành động Trung Quốc ở Biển Đông là “lưu manh”, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo sẽ trừng phạt

VietTimes – Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 13/7 nhân kỷ niệm 4 năm kết quả phiên tòa trọng tài Biển Đông đã đưa ra tuyên bố, chính thức khẳng định yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp.
Ngày 14/7, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Châu Á - Thái Bình Dương đã phát biểu coi hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông là "lưu manh" và đe dọa trừng phạt (Ảnh: Đông Phương).
Ngày 14/7, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề Châu Á - Thái Bình Dương đã phát biểu coi hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông là "lưu manh" và đe dọa trừng phạt (Ảnh: Đông Phương).

Ông Pompeo nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã không cung cấp một cơ sở pháp lý rõ ràng cho yêu sách "Đường chín đoạn" trên Biển Đông và thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của riêng mình. Sau đó một ngày, Trợ lý Ngoại trưởng Stilwell hôm 14/7 đã phê phán coi hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là lưu manh, không loại trừ Mỹ sẽ trừng phạt các quan chức và doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc liên quan.

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 15/7, ông David Stilwell, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề Châu Á - Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chấp nhận lời mời của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Washington (CSIS) và có bài phát biểu trực tuyến về chủ đề yêu sách của Trung Quốc đối với Biển Đông.

Stilwell chỉ trích, ở Biển Đông và các nơi khác, Trung Quốc đều coi các doanh nghiệp nhà nước của họ là công cụ để ép buộc kinh tế và xâm phạm quốc tế, tạo điều kiện cho việc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo, sau đó thông qua các đảo này xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế trên biển của các nước Đông Nam Á.  

Stilwell cũng khẳng định Hoa Kỳ có thể thực hiện bất kỳ biện pháp nào và thực sự có không gian cho các biện pháp trừng phạt. Lấy ví dụ về Tập đoàn Xây dựng Giao thông Trung Quốc (China Communications Construction) là một trong số công ty hỗ trợ Bắc Kinh xây dựng các căn cứ quân sự ở Biển Đông, ông chỉ ra rằng công ty này đã gây ra thiệt hại môi trường không thể đo lường không chỉ ở Biển Đông, mà còn ở cả những nơi khác. Trong trường hợp xảy ra ở Biển Đông, Tập đoàn Xây dựng Giao thông Trung Quốc, là một doanh nghiệp nhà nước, đã hành động theo lệnh của chính phủ Trung Quốc.

Ông Stilwell cáo buộc, Trung Quốc hạn chế các quốc gia trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cùng nhau tổ chức các cuộc tập trận quân sự hoặc phát triển dầu khí, và cũng sẽ gây áp lực cho bên kia cắt đứt quan hệ với các quốc gia khác hoặc làm loãng các quy định của luật pháp quốc tế. Ông nói: “Chỉ những kẻ bá quyền mới có những yêu cầu như thế, đó không phải láng giềng thân thiện”.

Mỹ ngày càng tăng cường sự có mặt quân sự trên Biển Đông để "kiềm chế Trung Quốc" (Ảnh: US Navy).
Mỹ ngày càng tăng cường sự có mặt quân sự trên Biển Đông để "kiềm chế Trung Quốc" (Ảnh: US Navy).

Stilwell cũng chỉ ra rằng, Trung Quốc đã tích cực triển khai sức mạnh quân sự, dân quân trên biển và các giàn khoan dầu để tăng nguy cơ các công ty năng lượng hoạt động ở Biển Đông, mưu đồ loại trừ cạnh tranh từ ngoài. Tiếp đó, Bắc Kinh ép buộc các nước khác hợp tác với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc cùng khai thác Biển Đông. Stilwell nói: "Trung Quốc nói với họ rằng nếu họ muốn phát triển tài nguyên ngoài khơi của họ, lựa chọn duy nhất là phát triển với chúng tôi. Đây cơ bản là thủ đoạn lưu manh”.

Về các cuộc đàm phán xung quanh "Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông" (COC) giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) , Stilwell chỉ ra rằng từ các cuộc tham vấn này, có thể thấy được "tín hiệu nguy hiểm rõ ràng" đằng sau mục đích của Trung Quốc. Nhiều năm qua, Trung Quốc yêu cầu các nước này không được tiết lộ quá trình đàm phán, nhưng như truyền thông đã vạch trần, Trung Quốc đã ngấm ngầm ép buộc các quốc gia này chấp nhận các đề xuất sẽ hạn chế lợi ích quốc gia cốt lõi của chính họ.

Stilwell cũng cảnh cáo, Trung Quốc đang đề cử ứng cử viên tham gia bầu cử thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật biển và cuộc bầu cử dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 8 hoặc đầu tháng 9. Ông kêu gọi các nước liên quan hãy kiểm tra cẩn thận trình độ của ứng cử viên Trung Quốc và xem xét cẩn thận liệu việc đưa các thẩm phán Trung Quốc vào Tòa án Quốc tế về Luật Biển sẽ giúp ích hay làm tổn hại đến luật pháp quốc tế về biển.

Ông chỉ thẳng: "Nếu để các quan chức Trung Quốc vào tổ chức này thông qua các cuộc bầu cử, chẳng khác nào như thuê những kẻ chủ mưu đốt nhà quản lý sở cứu hỏa".