Theo các cơ quan truyền thông như Reuters, Bloomberg, Deutsche Welle, trang tin Hoa ngữ Đa Chiều, Đông Phương...Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 13/7 (giờ Washington, sáng 14/7 theo giờ Việt Nam) đã ra tuyên bố, khẳng định Mỹ cho rằng mọi chủ trương đối của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp. Mỹ cũng không công nhận Bắc Kinh tuyên bố bãi cạn James Shoal (Trung Quốc đặt tên Tăng Mẫu) là lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc.
Sau đây là văn bản tuyên bố:
“Lập trường của Hoa Kỳ về chủ trương quyền lợi biển ở Biển Đông
Hoa Kỳ chủ trương một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Hiện nay chúng tôi đang tăng cường chính sách của Hoa Kỳ ở Biển Đông, một phần quan trọng và gây tranh cãi trong khu vực. Chúng tôi nói rõ rằng, các yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi bao trùm hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp và các hoạt động bắt nạt do Bắc Kinh thực hiện để kiểm soát các tài nguyên này cũng hoàn toàn bất hợp pháp.
Ở Biển Đông, chúng tôi tìm kiếm duy trì hòa bình và ổn định, duy trì tự do hàng hải theo cách phù hợp với luật pháp quốc tế, giữ cho lưu thông thương mại không bị cản trở và phản đối mọi nỗ lực sử dụng thủ đoạn cưỡng chế hoặc ép buộc để giải quyết tranh chấp. Chúng tôi chia sẻ những lợi ích sâu rộng và lâu dài này với nhiều đồng minh và đối tác của chúng tôi, những người từ lâu đã ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc.
Mỹ bác bỏ yêu sách vô lý của Bắc Kinh về cái gọi là "Đường biên giới 9 đoạn" phi pháp do họ tự vẽ ra chiếm 90% diện tích toàn bộ Biển Đông (Ảnh: Đông Phương).
|
Những lợi ích chung này đang bị đe dọa chưa từng có từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Bắc Kinh sử dụng thủ đoạn uy hiếp để làm tổn hại chủ quyền ở Biển Đông của các quốc gia ven biển Đông Nam Á, bắt nạt họ, tước đoạt tài nguyên ngoài khơi của họ, đơn phương tuyên bố cai trị và thay thế luật pháp quốc tế bằng "cường quyền là công lý". Cách làm của Bắc Kinh đã rất rõ ràng trong nhiều năm qua. Năm 2010, Dương Khiết Trì, khi đó là Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, đã nói với các đồng nghiệp ASEAN của mình: "Trung Quốc là một nước lớn, các nước khác là nước nhỏ. Đây là một sự thật”. Thế giới quan có tính cướp đoạt của Trung Quốc không thể có chỗ đứng trong thế kỷ 21.
Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đơn phương áp đặt ý chí của họ lên khu vực. Năm 2009, Bắc Kinh chính thức yêu sách về “Đường 9 đoạn” trên Biển Đông. Kể từ sau đó, họ không đưa ra được cơ sở pháp lý nhất quán nào cho điều này. Vào ngày 12/7/2016, một Tòa án trọng tài được lập ra theo "Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển" năm 1982, trong đó Trung Quốc cũng là một quốc gia thành viên, đã nhất trí ra phán quyết, bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về quyền lợi biển, cho rằng yêu sách này không có cơ sở pháp lý theo luật pháp quốc tế. Trong hầu hết tất cả các yêu sách, tòa trọng tài hoàn toàn đứng về phía Philippines là bên đã đệ đơn yêu cầu phân xử.
Như Hoa Kỳ đã tuyên bố trước đây và theo các quy định cụ thể của Công ước (Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982), tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng, có tính ràng buộc về mặt pháp lý đối với cả hai bên. Hôm nay, lập trường của Hoa Kỳ chúng tôi nhất trí với quyết định của tòa trọng tài quốc tế về yêu sách của Trung Quốc đối với các quyền lợi biển ở Biển Đông...
Tàu hải cảnh và tàu cá Trung Quốc hồi đầu năm đã xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở vùng biển Natuna, gây nên căng thẳng trong quan hệ hai bên (Ảnh: Đa Chiều).
|
Vì Bắc Kinh không đưa ra một yêu sách biển hợp pháp, chặt chẽ ở Biển Đông, Hoa Kỳ bác bỏ mọi yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý xuất phát từ các đảo mà họ tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa (không gây tổn hại đến yêu sách chủ quyền của các nước khác đối với các đảo như vậy). Vì vậy, Hoa Kỳ bác bỏ mọi yêu sách biển của Trung Quốc tại vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (Vanguard Bank, Trung Quốc gọi là Vạn An – gần Việt Nam), tại bãi cạn Luconia (Luconia Shoals - ngoài khơi Malaysia), vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Brunei và đảo Natuna Lớn của Indonesia (Natuna Besar). Bất kỳ hành động nào của Trung Quốc quấy rối hoạt động nghề cá hoặc phát triển dầu khí của các nước khác ở những vùng biển này - hoặc đơn phương thực hiện các hoạt động đó, đều là phi pháp.
Trung Quốc không có yêu sách lãnh thổ hoặc biển hợp pháp nào đối với (hoặc xuất phát từ) Bãi James (James Shoal, Trung Quốc gọi là bãi ngầm Tăng Mẫu), một thực thể địa lý hoàn toàn chìm dưới nước chỉ cách Malaysia 50 hải lý và cách bờ biển Trung Quốc 1.000 hải lý. Bãi James thường được bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc gọi là “lãnh thổ cực nam của Trung Quốc”. Luật pháp quốc tế rất rõ ràng: Không một quốc gia nào có thể yêu sách với một thực thể địa lý chìm dưới mặt biển như Bãi James và nó không có khả năng làm phát sinh các yêu sách biển. Bãi James Shoal (chìm khoảng 20 mét dưới mặt biển) hiện nay không phải và không bao giờ là lãnh thổ của Trung Quốc, Bắc Kinh cũng không thể khẳng định bất kỳ quyền lợi biển hợp pháp nào từ bãi đó.
Thế giới không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của họ. Hoa Kỳ đứng bên cạnh các đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á của chúng tôi để bảo vệ chủ quyền của họ đối với các tài nguyên ngoài khơi theo các quyền và nghĩa vụ của họ căn cứ theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi sát cánh với cộng đồng quốc tế để bảo vệ tự do hàng hải, tôn trọng chủ quyền và từ chối mọi hành động thúc đẩy "cường quyền là công lý" ở Biển Đông hoặc khu vực rộng lớn hơn”. (hết trích)
Từ tuyên bố trên đây của ông Mike Pompeo, chúng ta có thể thấy, trước hết, lập trường mới nhất của Mỹ phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) và Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế tại phiên tòa Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông năm 2016. Nó cũng phù hợp với Công thư của Phái đoàn thường trực Mỹ tại Liên Hiệp Quốc hồi đầu tháng 6/2020...
Tuy nhiên, có một điểm mới và đáng chú ý là Mỹ nêu rõ việc “bác bỏ mọi yêu sách biển của Trung Quốc tại vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (Vanguard Bank – nằm gần Việt Nam), bãi cạn Luconia (Luconia Shoals - ngoài khơi Malaysia), vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Brunei và Đảo Natuna Lớn của Indonesia (Natuna Besar)”.
Đây là những khu vực không nằm trong phạm vi phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016, ngoài việc bác bỏ “Đường lưỡi bò” chung chung. Rõ ràng, Mỹ đã đứng về phía Việt Nam trước việc Trung Quốc quấy phá hoạt động nghề cá và khai thác dầu khí hợp pháp của Việt Nam ở khu vực này, tương tự đối với khu vực cụm bãi cạn Luconia của Malaysia, vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Brunei và Đảo Natuna Lớn của Indonesia.
Đây là những khu vực trở thành điểm nóng trong thời gian qua trước hoạt động quấy pháp của tàu chiến, tàu hải cảnh, tàu khảo sát, tàu dân binh và tàu cá Trung Quốc. Trong đó, đối với Việt Nam rõ ràng là một động thái rất đáng hoan nghênh và đập tan luận điệu của Trung Quốc cho rằng Bãi Tư Chính là khu vực tranh chấp. Mỹ không kêu gọi chung chung các bên hãy “giải quyết hòa bình các tranh chấp” ở khu vực này, mà chỉ đích danh: “Bất kỳ hành động nào của Trung Quốc quấy rối hoạt động nghề cá hoặc phát triển dầu khí của các nước khác ở những vùng biển này - hoặc thực hiện các hoạt động đó một cách đơn phương, đều là phi pháp”.
Đầu tháng 7 vừa qua, khi Trung Quốc tập trận lớn ở vùng biển Hoàng Sa, cũng Mỹ đưa 2 biên đội tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan vào tập trận trên Biển Đông từ ngày 4/7 (Ảnh: US Navy).
|
Thông qua tuyên bố này, Mỹ đã bác bỏ hầu hết yêu sách biển của Trung Quốc ở phía nam Biển Đông và khu vực quần đảo Trường Sa. Như vậy, đối với các khu vực biển ở phía nam Biển Đông, bao gồm khu vực quần đảo Trường Sa, Mỹ không giữ vị thế trung lập, mà đứng về phía luật pháp quốc tế, về phía lẽ phải, bao gồm UNCLOS 1982 và phán quyết của Tòa trọng tài 2016, qua đó đứng về phía các nước bị Trung Quốc cưỡng ép và đe dọa.
Có thể thấy rõ sự tức tối của Bắc Kinh khi chỉ vài tiếng sau khi lập trường được công bố, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington đã đưa ra tuyên bố phản đối.
Theo trang tin Đa Chiều ngày 14/7, đáp lại tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo về Biển Đông, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ ngày 13/7 đã trả lời thông qua trang web chính thức, nói “Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này”. Tuyên bố nói, “lập trường và chủ trương của Trung Quốc về vấn đề Nam Hải (tức Biển Đông) là nhất quán và rõ ràng. Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của Trung Quốc ở Nam Hải (Biển Đông)”.
Tuyên bố nói “Hoa Kỳ không phải là một bên tranh chấp ở Nam Hải (tức Biển Đông), nhưng thường xuyên can thiệp vào vấn đề Nam Hải. Trung Quốc đốc thúc Hoa Kỳ nghiêm túc tuân thủ các cam kết của họ không giữ lập trường đối với vấn đề chủ quyền lãnh thổ của Nam Hải; tôn trọng các quốc gia trong khu vực nỗ lực nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Nam Hải và không làm kẻ gây rối, cản trở phá hoại hòa bình, ổn định trong khu vực”.
Trong bài viết bàn về tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trang Deutsche Welle ngày 14/7 viết: Các nhà phân tích chính trị khu vực cho biết bây giờ phụ thuộc vào việc các quốc gia khác có lập trường như Hoa Kỳ hay không. Nếu có, Washington có thể thực hiện các hành động tiếp theo để củng cố lập trường của họ và ngăn Bắc Kinh đưa ra "facts on the water” (sự thật về mặt nước) nhằm hỗ trợ yêu sách của họ. "Facts on the water” bắt nguồn từ "facts on the ground” (sự thật trên mặt đất) của cuộc xung đột giữa Israel và Palestine; nhằm chỉ cách một quốc gia thiết lập một thành trì trước rồi tuyên bố tính hợp pháp.
Khu vực Biển Đông mỗi năm có lượng hàng hóa nhập khẩu và xuất khẩu trị giá 3 nghìn tỷ USD vận chuyển qua. Bắc Kinh đã thiết lập các căn cứ trên một số đảo san hô trong khu vực, nhưng nói ý định của họ là hòa bình.
Bắc Kinh thường đề cập đến cái gọi là “Đường 9 đoạn” tự vẽ ra trên bản đồ Trung Quốc để mô tả phạm vi yêu sách của họ, bao gồm khoảng chín phần mười của 3,5 triệu km2 diện tích Biển Đông.
Chris Johnson, một nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (The Center for Strategic and International Studies, CSIS) cho biết: "Về cơ bản đây là lần đầu tiên chúng ta gọi nó là phi pháp ... Thật tốt khi đưa ra tuyên bố, nhưng tới đây sẽ dự định làm gì tiếp đây?".