Gian lận mác bê tông xây dựng cầu dài nhất thế giới, có thể phải xây lại?

VietTimes -- Cơ quan chống tham nhũng Hồng Kong vừa bắt giữ 21 nhân viên của một nhà thầu nhà nước vì liên quan đến gian lận mác bê tông trong công trình xây dựng cây cầu dài nhất thế giới nối liền ba thành phố: Hông Kong, Chu Hải và Ma Cau. Kịch bản xấu nhất, sẽ phải xây lại một phần.
Công trình xây cầu vượt biển dài nhất thế giới
Công trình xây cầu vượt biển dài nhất thế giới

Các quan chức chính quyền cho hay, họ đang cho điều tra xem liệu vụ việc có sự ảnh hưởng đến độ an toàn của cây cầu hay không.

Trong khi đó, một chuyên gia đã cảnh báo rằng trong trường hợp xấu nhất có thể phải xây lại cầu.

Hôm 22/5, Ủy ban Độc lập chống tham nhũng (ICAC) tiết lộ chuyên án có mật danh “Cánh đồng xanh”, đã tiến hành bắt giữ hai quan chức cao cấp, hai kỹ thuật viên cao cấp, 12 nhân viên và 5 trợ lý phòng thí nghiệm được nhà thầu do Cục Xây dựng và Phát triển Dân sự thuê.

Những người này đã được bảo lãnh và cho tại ngoại.

Bộ trưởng Phát triển Eric Ma Siu-cheung cam kết rằng chính quyền sẽ nghiên cứu về độ an toàn của cây cầu.

“Nếu tình hình không đến mức nghiêm trọng, việc xem xét lại cấu trúc hiện có đã đầy đủ. Trong trường hợp có kết quả khác chúng tôi sẽ áp dụng các biện pháp nghiêm túc và sẽ tiếp tục hành động”.

Cục Xây dựng dân sự đã làm việc với nhà thầu từ tháng Giêng năm 2013 để tiến hành kiểm tra độ cứng của các mẫu bê tông lấy từ công trường xây dựng cầu. Yêu cầu là tất cả các mẫu bê tông phải được qua kiểm nghiệm theo những quãng thời gian nhất định.

“Qua điều tra đã phát hiện rằng, một số mẫu bê tông đã không được xét nghiệm theo thời gian biểu đã định theo yêu cầu của nhà thầu. Các kỹ thuật viên, nhân viên và trợ lý phòng thí nghiệm có thể đã sửa lại các mốc thời gian trên máy xét nghiệm để hợp thức hóa những sai sót” - đại diện của ICAC nói.

Sản xuất các nhịp cầu
Sản xuất các nhịp cầu

Tiếp theo, ICAC còn cáo buộc một số nhân viên phòng thí nghiệm đã thay thế mẫu bê tông để đưa vào kiểm tra một cách gian lận và việc này rất có thể đã bắt đầu từ đầu năm 2015.

Nhà thầu thì nói rằng, họ đã tiến hành điều tra nội bộ sau khi phát hiện ra những bất thường trong các báo cáo xét nghiệm, tuy nhiên họ không thể kết luận được các nhân viên phòng thí nghiệm có thể đã dùng những ống thép và bê tông mác cao để sao cho các xét nghiệm có vẻ như đã được tiến hành đúng quy định.

Greg Wong Chak-yan,  Cựu viện trưởng một Viện Xây dựng thì nói, độ an toàn của công trình phụ thuộc vào chất lượng bê tông, cũng như bê tông được sử dụng vào lúc nào và như thế nào.

“Nếu bê tông mác thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn và được dùng cho một phần ba hoặc hai phần ba các trụ của cây cầu thì sẽ có nguy cơ mất an toàn và chính quyền cần phải có thêm thời gian để thay thế chúng”. Đó là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra, còn trong trường hợp không tệ như thế thì có thể khắc phục bằng các biện pháp đơn giản.

Cầu Hồng Kong nối Chu Hải và Macau thực tế là tổ hợp cả cầu vượt biển, cả hầm chui và đường dẫn dài tổng cộng 50 km, riêng phần cầu là 29,6km trong đó có 3 nhịp dây văng khẩu độ 280 đến 460 m.

Công trình được khởi công ngày 15 tháng 12 năm 2009, dự kiến hoàn thành vào 15 tháng 10 năm 2016, tuy nhiên bị chậm tiến độ ít nhất một năm, khả năng sẽ thông cầu vào tháng 12 năm nay.

Trong quá trình xây cầu đã có 10 người thiệt mạng và 600 người bị thương trong 275 vụ tai nạn.

Tổng chi phí cho cây cầu lên tới 10,6 tỷ USD. Khi hoàn thành cây cầu cho phép rút ngắn thời gian đi từ Hồng Kong đến Macau từ 4,5 h còn 40 phút.