Ứng dụng Telegram, đặc biệt có sức ảnh hưởng ở Nga, Ukraine và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, được xếp hạng là một trong những nền tảng truyền thông xã hội lớn sau Facebook, YouTube, WhatsApp, Instagram, TikTok và WeChat. Ứng dụng này đặt mục tiêu cán mốc 1 tỉ người dùng trong năm tới.
Trang tin TF1 cho biết Durov di chuyển trên máy bay riêng của ông trước khi bị bắt. Được biết, OFMIN, cơ quan chịu trách nhiệm ngăn chặn bạo lực chống lại trẻ vị thành niên của Pháp, đã phát lệnh bắt Durov với cáo buộc Telegram không có đủ người kiểm duyệt, thiếu hợp tác với chính quyền.
Cảnh sát tin rằng tình trạng trên cùng các tính năng mã hóa của Telegram đã tạo điều kiện cho hoạt động tội phạm diễn ra mà không bị ngăn chặn. Điều này khiến cho Durov có thể bị coi là đồng phạm trong các hoạt động buôn bán ma túy, bạo lực mạng, gian lận, tội phạm có tổ chức, kích động khủng bố...
Theo một nguồn tin am hiểu về cuộc điều tra, Durov dường như đã biết rằng Pháp coi ông là "người không được chào đón". Durov vốn hiếm khi đến châu Âu và tránh xa các quốc gia nơi Telegram bị lực lượng an ninh giám sát.
Sau khi khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng phát vào năm 2022, Telegram đã trở thành nguồn chính cung cấp nội dung chưa qua kiểm duyệt từ cả hai phía về cuộc chiến và tình hình chính trị xung quanh cuộc xung đột.
Ứng dụng này đã trở thành phương tiện truyền thông được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các quan chức của quốc gia này ưa chuộng. Điện Kremlin và chính phủ Nga cũng sử dụng nền tảng này để công bố tin tức.
Ông Durov, người có tài sản được Forbes ước tính ở mức 15,5 tỉ USD, chủ yếu kiếm tiền từ nền tảng Telegram hiện có 900 triệu người dùng hoạt động.
Đại sứ quán Nga tại Pháp nói với hãng thông tấn nhà nước TASS rằng họ không nhận được liên lạc từ Durov sau khi có thông tin về vụ bắt giữ, nhưng đang "lập tức" thực hiện các bước để làm rõ tình hình.
Theo SCMP