Thúc đẩy sản xuất thông minh
PV: Thưa TS, Diễn đàn chuyển đổi công nghiệp số Châu Á – Thái Bình Dương 2021 vừa diễn ra trong các ngày từ 22-24/11 tại Singapore và Bình Dương (Việt Nam) với sự có mặt của nhiều đại biểu tham dự trực tuyến trên toàn cầu, được đánh giá là điểm kết nối 4.0 giúp thúc đẩy sản xuất thông minh. Xin ông chia sẻ thêm về vai trò của BECAMEX IDC tại sự kiện này?
TS. Phạm Tuấn Anh – Becamex IDC là nhà phát triển hạ tầng công nghiệp với hàng ngàn nhà máy trong các khu công nghiệp trên cả nước. Sau 30 năm phát triển, chúng tôi nhận thấy tập đoàn cần chuyển mình để tiếp tục phù hợp với sự biến động của nền kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời để giúp nhà đầu tư hiện hữu cũng như trong tương lai có thể dễ dàng nâng cấp hoặc xây dựng các nhà máy thông minh, ứng dụng các công nghệ 4.0 như IoT, Điện toán biên, Hệ thống tự hành, Thực tại tăng cường AR,… nhằm tăng năng suất lao động, đảm bảo an toàn lao động, cũng như giảm sự phụ thuộc vào con người.
Để thực thi chiến lược đó, bên cạnh việc chủ động xây dựng và thành lập các trung tâm xuất sắc về công nghiệp 4.0, xây dựng đội ngũ chuyên môn nội bộ. Chúng tôi còn tiến hành làm việc với nhiều đối tác để kết nối và thu hút nguồn tri thức về công nghiệp 4.0 về Bình Dương và từng bước lan tỏa ra các khu công nghiệp của chúng tôi trên cả nước.
Trong quá trình thực thi, chúng tôi nhận thấy ITAP là một sự kiện uy tín về Chuyển đổi số trong công nghiệp và ứng dụng công nghiệp 4.0 hàng đầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, chúng tôi đã kết nối và là đối tác quốc gia của sự kiện năm 2021, nhằm trở thành cầu nối cho các nhà cung cấp giải pháp dịch vụ công nghệ với các nhà sản xuất tại Việt Nam, đồng thời giúp cộng đồng công nghệ trong công nghiệp ở Việt Nam thấu hiểu được xu hướng công nghiệp 4.0 trên thế giới, tứng bước khởi dậy phong trào và thúc đẩy sự phát triển công nghiệp 4.0 ở Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung.
PV: Thưa TS, việc kết nối Becamex IDC với công ty Constella Singapore, đối tác tại Việt Nam của triển lãm hàng đầu Đông Nam Á về chuyển đổi công nghiệp đã diễn ra như thế nào?
TS. Phạm Tuấn Anh – Với vai trò là Giám đốc Công nghệ Thông tin –CIO, và đồng thời phụ trách đề án Thành phố Thông minh của Becamex, Trung tâm Sản xuất Thông minh của Becamex IDC, tôi đã tham gia nhiều hội nghị trong nước và quốc tế với vai trò diễn giả và diễn giả chính. Qua quá trình tham gia cộng đồng, Constella Singapore đã mời tôi tham gia một phiên thảo luận cho một sự kiện khởi động cho ITAP 2021 về phát triển công nghiệp 4.0 tại Việt Nam vào cuối tháng 9/2021. Sau đó Constella có mời tôi tiếp tục làm diễn giả cho hội nghị ITAP vào 3 ngày chính thức từ 22-24/11/2021, đồng thời giúp họ kết nối thêm diễn giả để tham gia sự kiện. Sau quá trình thảo luận cùng Constella và WTC Bình Dương New City, chúng tôi nhận thấy việc tổ chức một phiên tại Việt Nam, kết nối trực tuyến tới hội nghị ITAP tại Singapore là phù hợp với tình hình hiện tại, do đó Becamex đã quyết định tổ chức sự kiện này tại Bình Dương.
Phiên Việt Nam ở Bình Dương, kết nối trực tuyến tới hội nghị ITAP tại Singapore vừa diễn ra hôm 23/11 |
Phải bước lên phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị công nghiệp
PV: Thưa TS, đề án “Thành phố Thông minh” tại Bình Dương đã đi vào hoạt động, cho thấy những hiệu quả tích cực ra sao?
TS. Phạm Tuấn Anh – Đề án Thành phố Thông minh Bình Dương và trọng tâm sẽ là đề án Vùng Đổi mới Sáng tạo Bình Dương trong giai đoạn 2021 – 2026 có cách tiếp cận khác biệt với các địa phương khác trên cả nước. Đó là chúng tôi chưa tập trung vào ngay việc ứng dụng các tiện ích công nghệ trong thành phố, thay vào đó là chúng tôi tập trung vào việc xây dựng một cộng đồng thông minh trước, sau đó mới tập trung xây dựng những tiện ích công nghệ thông minh.
Nói đến một thành phố, đô thị là nói đến một cộng đồng người, và trọng tâm của thành phố đó chính là cộng đồng những con người đó. Để có một cộng đồng thông minh, một xã hội thông minh, một xã hội kết nối chúng tôi tập trung vào 3 yếu tố kết nối:
Kết nối hạ tầng vật lý: Một thành phố, một cộng đồng không thể được gọi là thông minh nếu như được đặt trên một đô thị không được quy hoạch bài bản, thiếu sự gắn kết và liên thông liên ngành. Công tác quy hoạch và phát triển đô thị gắn liền với quy hoạch phát triển giao thông, và giao thông công cộng, phát triển văn hóa đường phố, phân bổ dân cư,… Với quan điểm đó chúng tôi lựa chọn áp dụng mô hình TOD – Phát triển các chuỗi đô thị xung quanh các điểm giao thông công cộng, và Kiến tạo nơi chốn nhằm đảm bảo sự phân bổ đồng đều dân cư và tỷ lệ văn phòng, nhà ở,không gian công cộng,… trên diện rộng.
Kết nối xã hội: Một đô thị thông minh, một thành phố thông minh phải tạo ra một xã hội đáng sống, với những chính sách thúc đẩy với khơi thông dòng chảy của tri thức và xây dựng được văn hóa đổi mới sáng tạo. Nhà nước phải đóng vai trò kiến tạo, thúc đẩy. Nhà trường phải đóng vai trò tiên phong trên mặt trận phát triển khoa học kỹ thuật và đổi mới sáng tạo và nhà doanh nghiệp phải là tiên phong trong lĩnh vực ứng dụng và đưa đổi mới sáng tạo vào cuộc sống, tạo ra giá trị và quay lại đặt hàng cho nhà trường, cũng như đóng góp ý kiến cho nhà nước.
Kết nối công nghệ: Cuối cùng khi hạ tầng đã được đầu tư thông minh và bài bản, xã hội đã được vận hành thông minh và bài bản, chúng ta sẽ phát triển các tiện ích công nghệ thông minh để tạo sự cộng hưởng, tăng hiệu suất cũng như tác động xã hội rất lớn.
Với triết lý như trên, đề án Thành phố Thông minh Bình Dương đã gặt hái được nhiều thành công trong 5 năm qua bằng các đề án cụ thể với những kết quả cụ thể trên nhiều lĩnh vực, đồng thời được quốc tế ghi nhận với 3 năm liên tiếp từ 2019, Bình Dương được diễn đàn các cộng đồng thông minh thế giới ICF với hơn 200 thành viên là các thành phố trên thế giới bầu chọn trong TOP21 và đặc biệt năm 2021 Bình Dương được bầu chọn trong TOP 7 các thành phố có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu.
TS Phạm Tuấn Anh phát biểu tại ITAP 2021 - phiên Việt Nam, Bình Dương |
PV: Tỉnh Bình Dương, Việt Nam từ trước đến nay được xem là thủ phủ của các khu công nghiệp với hàng ngàn nhà máy đang hình thành và phát triển tại các khu công nghiệp này. Trong giai đoạn mới, xin ông cho biết Bình Dương cần làm gì để phát triển trở thành vùng đổi mới sáng tạo?
TS. Phạm Tuấn Anh – Nền tảng công nghiệp của Bình Dương đã phát triển từ gần 30 năm, giúp kinh tế Bình Dương phát triển vượt bậc và phản ánh cụ thể qua thu nhập bình quân đầu người của tỉnh là hơn 7000 USD/người/năm, gần gấp 2,5 lần cả nước, tương đương với Thái Lan. Đó là thành quả rất lớn nhưng đồng thời cũng mang đến những thách thức lớn cho Bình Dương, bởi vì Bình Dương cũng sẽ là tỉnh đầu tiên trong cả nước phải đối mặt với bẫy thu nhập trung bình. Việc tốc độ phát triển của nền tảng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như phát triển đô thi, giao thông, hay chất lương nguồn nhân lực không theo kịp tốc độ phát triển kinh tế là những yếu tố chính gây ra bẫy thu nhập trung bình.
Để giải quyết vấn đề đó, trong giai đoạn 10 năm sắp tới, Bình Dương cần đẩy mạnh hoạt động phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh phát triển và thu hút các hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp 4.0, vật liệu mới, thương mại dịch vụ quốc tế, thương mại điện tử,… trong ngắn hạn là thúc đẩy thu hút và ứng dụng công nghệ nhằm giải quyết các bài toán trước mắt đồng thời kích thích, tạo nhu cầu thị trường công nghệ,…
Song song với đó, cần thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, làm chủ công nghệ, tạo ra các giải pháp địa phương, phù hợp với năng lực tài chính và năng lực triển khai của nhiều nhóm doanh nghiệp. Qua đó từng bước tạo ra phương tiện sản xuất mới, tăng năng suất lao động, bù đắp sự gia tăng về chi phí cho các nhà đầu tư, cũng như đưa Bình Dương lên phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị công nghiệp.
Mở cửa và gia nhập thế giới phẳng là con dao hai lưỡi
PV: Thưa TS, ông đánh giá thế nào về tiếng nói của thị trường Việt Nam trên nền tảng kết nối giao thương 4.0 quốc tế?
TS. Phạm Tuấn Anh – Công nghệ và các hiệp định thương mại tự do đã làm cho thế giới ngày càng trở nên phẳng hơn, biên giới mỗi quốc và tiếng nói của mỗi quốc gia một cách vô hình sẽ là ở những nơi mà hàng hóa và dòng chảy giao thương của quốc gia đó có thể hiện diện được.
Đối với Việt Nam, chúng ta đã gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do, mặt khác trên nền tảng công nghệ và cụ thể là Internet, Việt Nam cũng được ghi nhận là quốc gia có nhiều hoạt động sôi nổi và có tốc độ phát triển rất nhanh, đây là những lợi thế không nhỏ để Việt Nam có thể thúc đẩy, thâm nhập và kết nối giao thương quốc tế.
TS Phạm Tuấn Anh (ngồi thứ 2 từ bên phải ảnh) trong phần toạ đàm tại ITAP 2021 - Bình Dương, Việt Nam |
Tuy nhiên, kết nối, mở cửa và gia nhập thế giới phẳng là con dao hai lưỡi, nếu chúng ta không chuẩn bị đủ nội lực, lấy đổi mới sáng tạo, phát triển và làm chủ công nghệ, xây dựng những hệ thống thương hiệu và sản phẩm quốc gia mạnh, chúng ta có thể thua ngay trên sân nhà không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, mà còn cả khía cạnh văn hóa xã hội.
Do đó, mặc dù tiếng nói của thị trường Việt Nam trên nền tảng giao thương quốc tế đang ngày một lớn mạnh nhưng thách thức thì vẫn hiện hữu còn đó, chờ câu trả lời của chúng ta.
PV: Với những ảnh hưởng mạnh mẽ của dịch bệnh COVID-19 như thời gian qua, việc chuyển đổi nhiều hoạt động lên môi trường số là cần thiết, thậm chí đã cứu nhiều doanh nghiệp. Cũng như đánh giá của ông cho rằng công nghiệp 4.0 là cơ hội lớn cho các nước đang phát triển. Liệu thời điểm này đã phù hợp để doanh nghiệp Việt hoà mình vào dòng chảy của xã hội 4.0 thưa ông?
TS. Phạm Tuấn Anh - Bỏ qua những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 mà ai cũng thấy, thì đại dịch Covid-19 là một biến cố thúc đẩy nhanh hơn quá trình ứng dụng công nghệ trong mọi mặt của đời sống, tạo ra một sự nhất quán trong nhận thức của nhiều thế hệ về vai trò của ứng dụng công nghệ trong xã hội hiện đại, đó là điểm tích cực và là cơ hội cho việc phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ cho toàn nhân loại.
Tại sao tôi lại nói cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội cho các nước đang phát triển. Bởi vì như tôi đã nói ở trên, thế giới ngày nay đã trở lên phẳng hơn rất nhiều, công nghệ và internet đã đưa tri thức của nhân loại đến từng ngóc ngách trên thế giới, do đó khoảng cách về mặt tiếp cận tri thức và nhận thức giữa các quốc gia đã phát triển và đang phát triển không quá xa như các cuộc cách mạng công nghiệp trước.
Mặt khác, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 về mặt kỹ thuật là sự hội tụ giữa Công nghệ thông tin (IT) và Công nghệ vận hành (OT) nhằm xây dựng và tạo ra một thế giới kết nối. Các công nghệ OT hiện nay đã phổ biến với chi phí phù hợp ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Công nghệ IT hiện nay cũng rất phổ biến và phát triển nhanh chóng ở các nước đang phát triển, ở mức độ xây dựng, phát triển tích hợp các giải pháp,… thì không có khoảng cách xa giữa các nước, đây cũng là một điều không dễ có trong các cuộc cách mạng công nghiệp trước.
Từ hai yếu tố trên, tôi nhận định đối với các nước đang phát triển, cần xây dựng lại chiến lược phát triển công nghiệp 4.0 ở quy mô quốc gia. Định hướng dần rời xa tư duy gia công và làm thuê sang tư duy làm chủ, lấy đổi mới sáng tạo làm cốt lõi, phát triển giải pháp và làm chủ công nghệ, giữ lấy thị trường sân nhà và khai phá thị trường thế giới, từng bước tạo thị trường cho riêng mình, mở rộng biên giới mềm từng bước theo kịp các quốc gia khác.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông đã giành thời gian cho độc giả VietTimes!