Đó là tương lai internet của Việt Nam, mà ông Nguyễn Nam Long - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT - đã chia sẻ với VietTimes tại Diễn đàn VNNIC Internet Conference 2022 với chủ đề “Tương lai của internet” (The Future of internet) diễn ra tại Đà Nẵng. Ông Long cũng trao đổi sâu về các giải pháp đảm bảo an toàn internet trước những sự cố đứt cáp liên tiếp xảy ra.
IPv6: Nền tảng internet tương lai cho Việt Nam
Theo ông Long, sau đại dịch COVID-19, lưu lượng người làm việc trên môi trường online, internet gia tăng đến mức bùng nổ. Theo thống kê của VNPT, lưu lượng internet tăng trưởng hàng năm lên đến 40%, khiến internet Việt Nam đối mặt với sự cạn kiệt về tài nguyên IPv4.
“Chính vì vậy, IPv6 là nền tảng internet tương lai cho Việt Nam”- ông Long khẳng định.
Các chuyên gia trao đổi bên lề Diễn đàn VNNIC Internet Conference 2022 tại Đà Nẵng |
Cũng theo ông Long, nắm bắt xu hướng này, VNPT đã tiên phong sử dụng IPv6 cho cả 2 nền tảng internet băng rộng cố định từ năm 2016 và cả trên di động từ năm 2018, để phục vụ khách hàng.
Đến nay, VNPT đã có khoảng 7,4 triệu thuê bao internet cáp quang hộ gia đình và 86% đã sử dụng IPv6; trên 13 triệu thuê bao di động sử dụng data trên mạng thì đã có trên 75% sử dụng IPv6… Với hạ tầng hiện có, VNPT đã sẵn sàng cho việc triển khai 100% IPv6 trong tương lai.
“Tương lai, internet sẽ trở thành dịch vụ thiết yếu như điện, nước. Bởi nếu không có internet, chúng ta sẽ không có mua sắm online, không có làm việc trực tuyến. IPv6 sẽ làm cho internet ngày càng phát triển tốt hơn và trong tương lai sẽ “thuần” IPv6 cho tất cả các thiết bị”- ông Long nhận định.
Cần giải pháp căn cơ cho an toàn internet
Bàn về các giải pháp an toàn cho internet Việt Nam khi liên tiếp những sự cố đứt cáp quang quốc tế xảy ra, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, hiện Việt Nam có 7 tuyến cáp biển quốc tế của tất cả các nhà mạng. Tuy nhiên số lượng tuyến cáp quốc tế còn khiêm tốn so với các nước khu vực, nhất là nếu so sánh với Singapore - sở hữu 30 tuyến cáp - thì Việt Nam còn quá khiêm tốn. Vì thế, khi gặp sự cố đứt cáp cùng lúc trên nhiều tuyến cáp đã ảnh hưởng đến kết nối internet như thời gian qua.
Diễn đàn VNNIC Internet Conference 2022 với chủ đề “Tương lai của internet” diễn ra tại Đà Nẵng ngày 24/6 |
“Mặc dù các nhà mạng đều có sự chuẩn bị, phân tải trên các tuyến cáp quang, nhưng do sự cố xảy ra cùng lúc trên 3-4 tuyến, đã khiến lưu lượng đi quốc tế bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, dưới sự chỉ đạo của Bộ TT&TT, các nhà mạng đang chia sẻ lưu lượng đường truyền với nhau, khi tuyến cáp của nhà mạng này đứt thì có thể chia sẻ với nhà mạng khác và ngược lại. Việc chia sẻ như vậy sẽ giúp mạng internet Việt Nam an toàn. Với việc chia sẻ này, vừa rồi cũng có sự cố đứt một hai tuyến cáp, nhưng không ảnh hưởng đến kết nối của hệ thống mạng internet Việt Nam”- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho hay.
Tuy vậy, về lâu dài cần có giải pháp căn cơ để đảm bảo an toàn cho internet Việt Nam.
Clip: ông Nguyễn Nam Long – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT nói về giải pháp cho internet Việt Nam trong tương lai |
“Điều quan trọng nữa để đảm bảo an toàn cho internet của Việt Nam là thay vì đi lưu lượng trên cáp quốc tế, thì chúng ta mời các đối tác quốc tế vào Việt Nam, tăng cường lưu lượng trong nước mà không phải gia tăng quá nhiều lưu lượng đi quốc tế. Như vậy, internet Việt Nam sẽ an toàn không chỉ ở hiện tại mà còn cả trong tương lai”- ông Long nói.
Năm 2022 - kỷ niệm 25 năm Internet Việt Nam, 10 năm thế giới chính thức chuyển đổi Internet sang IPv6. Internet Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với tỷ lệ sử dụng Internet đạt 70.3%, trở thành nhu cầu thiết yếu của người dân, là nền tảng để phát triển kinh tế số, xã hội số Việt Nam.
Việt Nam đã mạnh dạn đi sớm, cùng nhịp với các nước phát triển, thực hiện thành công quá trình chuyển đổi Internet sang thế hệ mới hoạt động với IPv6 với tỷ lệ user sử dụng, truy cập IPv6 đạt 50%, đứng thứ 10 thế giới.
Theo Bộ TT&TT, Internet Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai, là hạ tầng chính kiến tạo xã hội số an toàn, hiện đại, nhân văn.