Cuộc họp về chính sách thanh toán từ bảo hiểm y tế (BHYT) đối với thuốc phát minh diễn ra vào chiều 23/6 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì với các thành viên là đại diện Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXHVN), Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam… nhằm vừa đảm bảo nguồn thuốc chất lượng tốt phục vụ khám chữa bệnh, đồng thời tiết kiệm được quỹ BHYT và chi phí của người dân.
Điều được quan tâm tại cuộc họp là các chuyên gia y tế cho rằng trước tiên cần làm rõ các khái niệm về biệt dược gốc, thuốc generic. Bởi khái niệm “biệt dược gốc” đang sử dụng ở Việt Nam đang chưa rõ ràng, dịch nghĩa không chính xác, còn khái niệm thuốc generic thì lúng túng trong định danh.
Trong khi đó trên thế giới, thuốc do các doanh nghiệp dược giữ bản quyền 20 năm gọi là thuốc phát minh. Hết thời gian này, các thuốc phát minh sẽ phải công khai công thức để những doanh nghiệp khác sản xuất thuốc generic, tạm gọi là thuốc tương đương thuốc phát minh. Đây là quy định về bảo hộ sáng chế dược phẩm của Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) năm 1994.
Hiện nay, thị trường dược phẩm của Việt Nam có tới 22.000 loại thuốc với tổng trị giá trên 5 tỷ USD. Trong đó, có 755 loại thuốc phát minh và khoảng 150 loại đã hết thời gian bảo hộ bản quyền, nên đã có các thuốc generic do các nước có công nghiệp dược phát triển nhất sản xuất (thuộc nhóm 1).
Điều đáng nói là, các loại thuốc phát minh - cả trong thời gian bản quyền và hết bản quyền – đều đắt hơn thuốc tương đương thuốc phát minh tới 4-18 lần, trung bình là cao gấp 7-8 lần.
Mà, trong giai đoạn 2018-2019, mỗi năm, quỹ BHYT thanh toán cho tiền thuốc khoảng 37.000 tỷ đồng, riêng thuốc phát minh là 11.500 tỷ đồng, chiếm 26,5%. Thông tin này được ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT của BHXHVN cho biết.
Đại diện các bộ, ngành dự cuộc họp về chính sách thanh toán BHYT đối với thuốc phát minh (Ảnh: VGP)
|
Con số thống kê của BHXHVN chỉ ra việc sử dụng thuốc phát minh ở Việt Nam cao so với nhiều nước trên thế giới, nhất là ở các chuyên khoa ung thư, tim mạch, tiêu hóa. Một số địa phương thanh toán BHYT cho thuốc phát minh chiếm tỷ lệ cao như TP.HCM chiếm 44,5%, Hà Nội 38,9% do có nhiều bệnh viện tuyến cuối và nhiều bác sĩ thường sử dụng các loại thuốc phát minh mà không cân nhắc đến yếu tố chi phí hiệu quả…Do đó, nếu thay thế khoảng 150 loại thuốc phát minh đã hết thời gian bảo hộ 20 năm, đang lưu hành tại Việt Nam bằng thuốc tương đương thuốc phát minh nhóm 1, thì sẽ tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho quỹ BHYT.
5 năm qua, với việc thực hiện đấu thầu thuốc tập trung, giá thuốc của Việt Nam do BHYT thanh toán đã giảm trên 35%, đạt mức thấp trong ASEAN. Tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tăng dần và cao hơn thuốc nhập khẩu. Tuy nhiên, do giá thuốc phát minh cao gấp nhiều lần thuốc generic, nên các công ty sản xuất, kinh doanh dược phẩm vẫn muốn duy trì cung cấp các thuốc này, dù nhiều loại đã hết bản quyền, đã có thuốc tương đương thuốc phát minh. Đặc biệt, các công ty này không đưa ra các nghiên cứu chứng minh thuốc phát minh có tác dụng điều trị tốt hơn thuốc tương đương thuốc phát minh, đồng thời, cũng lại chưa có nhiều nghiên cứu khẳng định thuốc generic có tác dụng điều trị tương đương, hoặc tốt hơn thuốc phát minh.
Các ý kiến đều thống nhất về việc phải đảm bảo nguồn thuốc tốt, nhưng không để tình trạng chi phí quá mức cho thuốc phát minh, nhất là những loại đã hết thời gian bảo hộ bản quyền và có nhiều loại thuốc generic nhóm 1. Vì thế, cần giảm việc sử dụng thuốc phát minh không cần thiết, để tiết kiệm chi phí cho quỹ BHYT và người dân.
“Bộ Y tế khẩn trương phối hợp với Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, sớm hoàn thiện đề án hợp tác giữa Việt Nam và các doanh nghiệp dược phẩm của châu Âu, Hoa Kỳ, để tăng cường sản xuất thuốc tại Việt Nam, nhất là rút ngắn quá trình sản xuất thuốc phát minh” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo.