Liên quan đến vấn đề vì sao giá xăng dầu trong nước luôn đi "ngược chiều" với giá xăng dầu thế giới, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng hiện cơ chế điều hành giá xăng dầu đang được thực hiện theo Nghị định 83.
"Chúng tôi điều hành giá xăng dầu theo giá xăng thành phẩm Singapore, chứ không phải dầu thô. Ở thời điểm đại biểu và người dân thấy giá xăng dầu thế giới giảm, nhưng là giá dầu thô giảm, chứ không phải giá xăng dầu thành phẩm giảm. Còn khi điều chỉnh giá thì tại thời điểm đó là giá xăng dầu thành phẩm thế giới vẫn tăng", ông Hoàng khẳng định.
Gởi đến câu hỏi đầu tiên cho phiên chất vấn cuối cùng của Bộ trưởng Hoàng, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) hỏi liệu có tình trạng chênh lệch về số liệu xuất nhập khẩu hay không?
"Cử tri rất lo lắng về mức độ chênh lệch ngày một lớn này. Điều đó phải chăng thể hiện có tình trạng kinh tế ngầm của đất nước ta? Và nó có ảnh hưởng gì đến nền kinh tế đất nước? Tôi muốn hỏi trách nhiệm của Bộ trưởng ở đâu trong vấn đề này?", ông Minh nhấn mạnh.
Chưa hết, ông Minh còn cảm thấy "rất đau lòng trước cảnh xe xếp hàng dài ở cửa khẩu Tân Thanh để chờ xuất hàng. Tình trạng này đã xuất hiện 10 năm mà không thấy bộ Công thương có giải pháp nào?"
Ông Minh hỏi: "Bộ trưởng nói đi công tác nước ngoài nhiều thì tôi muốn hỏi có nước có nước nào làm như nước ta không? Tôi cũng không muốn Bộ trưởng dẫn chủ trương hay nghị định gì nữa, mà chỉ cần trả lời ngắn gọn: bao giờ thì chấm dứt tình trạng này?", giọng ông Minh gắt lên.
Theo Bộ trưởng Hoàng, việc chênh lệch số liệu xuất nhập khẩu này, đặc biệt là với Trung Quốc, là thực tế tồn tại giữa các nước với nhau.
"Không chỉ riêng với thị trường Trung Quốc mà còn nhiều thị trường khác và thường rơi vào kim ngạch giữa hai quốc gia càng lớn thì chênh lệch càng nhiều", ông Hoàng nói.
Chắc chắn có buôn lậu và kinh tế ngầm
Sau khi liệt kê một loạt số liệu và bị Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cắt ngang "Bộ trưởng đừng nói số liệu nữa, gởi cho đại biểu sau cũng được", Bộ trưởng Hoàng khẳng định: "số liệu từ các thống kê của VN là chính xác và chính thức. Toàn bộ số liệu đều được ghi nhận, thống kê từ các cửa khẩu chính thức".
Trách nhiệm về quản lý về thực trạng chênh lệch xuất nhập khẩu, cuối cùng, ông Hoàng cũng thừa nhận "chắc chắn là có buôn lậu và có kinh tế ngầm".
Nhưng để đánh giá đầy đủ mức độ gây hại đến nền kinh tế thế nào thì ông Hoàng lại thấy rằng "chưa có cơ sở, dù trong đó yếu tố có liên quan đến vấn đề đội ngũ quản lý thị trường là có".
Xác nhận về thực trạng dưa hấu nằm chờ ở cửa khẩu Tân Thanh "có kéo dài qua một số năm", Bộ trưởng Hoàng cho rằng do dưa hấu được trồng nhiều nơi, nhưng xuất khẩu thì chỉ xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh, trong khi cơ sở hạ tầng của khu vực này còn hạn chế, chỉ thông quan được 350 xe/ngày trong khi vào mùa vụ thì lên đến 1.000 xe/ngày, nên xảy ra ách tắc tạm thời".
Ông Hoàng cũng cho biết hiện Bộ Công thương đã phối hợp với tỉnh Lạng Sơn để xây dựng khu trung chuyển để có thể chứa trên 1.000 xe/ngày và có kho lưu trữ, phục vụ cho công tác hậu cần, phân loại sản phẩm trước khi thông quan.
"Hiện dự án đang đầu tư và cần vốn lớn và đang chờ xin ý kiến của Chính phủ", ông Hoàng thông tin.
"Tôi cũng nói thật là không có điều kiện để có thể khảo sát được các nước là có tình trạng ùn ứ dưa hấu như ở cửa khẩu Tân Thanh không vì đi công tác chủ yếu là đi đàm phán các Hiệp định thương mại tự do", ông Hoàng ngập ngừng nói.
Chưa như mong muốn
Đại biểu Điều Huỳnh Sang hỏi tới hai lần về việc quản lý giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi "nhưng tình trạng giá sữa vẫn còn cao, các biện pháp trở nên vô hiệu. Trong khi đó các doanh nghiệp đã tìm cách lách được?"
Thừa nhận thực tế như cách đặt vấn đề của đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Bộ trưởng Hoàng đồng tình với nhận xét thời gian qua hiệu quả quản lý giá với mặt hàng sữa chưa đúng như mong muốn.
Để giảm được giá sữa, ông Hoàng đưa ra một loạt các giải pháp, trong đó "tăng cường sản xuất trong nước. Nếu có nhiều mô hình chăn nuôi, chế biến và sản xuất khép kín như một số doanh nghiệp trong nước đang làm thì sẽ góp phần quản lý giá sữa tốt hơn".
Song song đó, việc áp dụng các biện pháp phi thuế quan để kiểm tra, kiểm soát, thanh tra các cơ sở, tổ chức kinh doanh sữa theo đúng quy định nhà nước hay chưa cũng được tính đến trong biện pháp quản lý giá sữa, "vì chúng ta không thể hạn chế nhập khẩu mặt hàng này được", Bộ trưởng Hoàng giải thích.
6 nội dung Chủ tịch Quốc hội dành cho ngành công thương
Giày thể thao hiệu Nike sản xuất từ Trung Quốc gắn mắc xuất xứ Việt Nam |
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cử tri cả nước đánh giá cao, đồng thời ủng hộ các nhận xét sâu sắc các câu hỏi của đại biểu vấn đề quốc hội đặt ra, cũng như nhận xét “Bộ trưởng trả lời tốt các câu hỏi trực tiếp”.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng Bộ trưởng Hoàng “đã nhiều trả lời chất vấn trước Quốc hội, nắm sâu lĩnh vực phụ trách và có nhiều biện pháp quyết liệt giải quyết tình hình. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn nên có nhiều điều chưa đạt như mong muốn. Và Bộ trưởng nhận trách nhiệm trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước. Hoan nghênh tinh thần này”.
Chủ tịch Quốc hội thấy rằng tái cơ cấu lại thị trường Việt Nam cần được nhìn trên tinh thần “thấy hết được cơ hội, vận hội và khó khăn của đất nước”.
Theo Chủ tịch Quốc hội, “đây là cơ hội xốc lại thị trường, với mục tiêu là làm cho từng người dân, doanh nghiệp và tất cả cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương… phải nắm chắc được vận hội và khó khăn”.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu ngành công thương cần làm cho thị trường thông suốt, khoa học, linh hoạt vận hành một cách nhanh nhạy, loại bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết.
“Người nông dân, doanh nghiệp... phải có sản phẩm mạnh đủ sức cạnh tranh và phải đến được người tiêu dùng”, chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Khẳng định vai trò của nhà nước là phải thiết kế chính sách thị trường, chủ tịch Quốc hội đặt yêu cầu “phát triển cho được công nghiệp hỗ trợ”.
Thực tế cho thấy dù đã có nghị quyết, chủ trương, yêu cầu... nhưng sự chuyển biến mạnh mẽ của ngành công nghiệp phụ trợ và có sự tham gia của Nhà nước vẫn chưa rõ.
“Rất nhiều luật của chúng ta đã có quy định hỗ trợ ngành nhưng cũng cần nghiên cứu lâu dài hơn để chủ trương đi vào cuộc sống”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Liên quan đến việc điều hành giá điện, xăng dầu và các mặt hàng khác có sự điều tiết của Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh “nhất thiết phải theo cơ chế thị trường và có sự quản lý nhà nước. Nhưng phải tạo ra thị trường minh bạch, kể cả những mặt hàng nhà nước quản lý vì năm 2016 Việt Nam có điện cạnh tranh, nhưng đến năm 2021 mới có giá bán lẻ điện cạnh tranh.”.
Trước đó, trong phiên chất vấn chiều 11-6, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nói: "Ở nước ta, điện là mặt hàng rất kỳ lạ, chỉ biết tăng giá, tăng giá, và tăng giá. Tăng rồi, tăng tiếp và tăng nữa. Đó là điệp khúc có lẽ ra đời từ thuở khai sinh ra ngành điện lực nước nhà".
Ông Cương cho rằng việc tăng giá điện không phải là không có lý. Và lẽ ra việc tăng giá điện sẽ khiến người dân được lợi vì về lý thuyết, giá bán lẻ cũng là một trong những điều khoản thu hút vốn của các nhà đầu tư. Một khi có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia sản xuất thì chi phí sẽ hạ. Khi đó người dân sẽ được hưởng một mức giá cạnh tranh nhất.
"Nói vậy quá đúng. Đúng với tất cả các ngành. Nhưng không đúng với ngành điện. Xin Bộ trưởng cho biết khi nào thì cái lý thuyết ấy đúng với ngành điện", ông Cương hỏi.
Dù xác nhận "điện và xăng dầu là hai loại hàng hóa hết sức đặc biệt", và liên quan đến phần lớn đời sống người dân, doanh nghiệp, nhưng Bộ trưởng Hoàng lại nói "việc thực hiện về cơ chế giá vừa có theo cơ chế giá thị trường và có sự quản lý của nhà nước".
Sẽ có thêm nhiều thương hiệu Việt Nam được thế giới công nhận
Theo đại biểu Trương Thị Ánh (TP.HCM), cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" liệu đã ảnh hưởng đến người tiêu dùng trong nước hay chưa?
"Bộ Công thương có chính sách gì để giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu Việt Nam hay không?", bà Ánh hỏi.
Theo ông Vũ Huy Hoàng, sau nhiều năm thực hiện, đến nay khảo sát cho thấy hơn 70% người dân Việt Nam ủng hộ chủ trương này.
"Tỉ lệ hàng Việt Nam tại các siêu thị, trung tâm thương mại cao, chiếm hơn 90%. Cuộc vận đông đã đi vào thực chất", Bộ trưởng Hoàng khẳng định.
Bộ trưởng Hoàng cũng cho biết bộ đang tích cực triển khai các hoạt động tập trung xây dựng thương hiệu cho sản phẩm VN. Trong đó chú ý đến các sản phẩm gạo, rau củ, nông sản bằng cách đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa, xác định giá trị, nhận diện thương hiệu... Đồng thời, thông qua các biện pháp xúc tiến thương mại, xuất khẩu... để dần dần hoàn thiện nhận diện thương hiệu sản phẩm VN.
"Trong thời gian tới, tôi chắc chắn sẽ có thêm nhiều thương hiệu Việt Nam được công nhận trên thế giới, như sản phẩm nước mắm Phú Quốc", Bộ trưởng Hoàng hứa.
Theo Tuổi trẻ