Bị đòi nợ, Bộ trưởng Công Thương liên tục "nhận trách nhiệm"

“Ba năm trước, khi chất vấn Bộ trưởng về chuyện hành tím Sóc Trăng rớt giá, Bộ trưởng có hứa với tôi sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan...Xin hỏi lời hứa trên đã được thực hiện ra sao trong 3 năm qua?".
Năm nào cảnh tắc nghẽn, đổ bỏ nông sản cũng diễn ra tại cửa khẩu Tân Thanh
Năm nào cảnh tắc nghẽn, đổ bỏ nông sản cũng diễn ra tại cửa khẩu Tân Thanh

Đường đi vòng vèo, giá dưa đắt cả chục lần

Trong phiên chất vấn chiều 11/6, liên quan tới tiêu thụ nông sản, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đã đặt câu hỏi về việc giá dưa hấu thu mua tại ruộng của nông dân chỉ ở mức hơn 2.000đ/kg, nhưng khi ra tới chợ giá đã bị đội lên gấp 10 lần, tới 18.000 – 20.000 đồng/kg.

Trả lời câu hỏi Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, thống kê của Bộ Công Thương thì đúng là dưa hấu miền Trung bán tại ruộng chỉ 2.500 đồng/kg, nhưng khi vào tới chợ, siêu thị giá bán lên tới 18.000 – 20.000 đồng/kg. 

“Bắt mạch” nguyên nhân ông cho rằng, trước tiên do một số mặt hàng nông sản như dưa hấu, vải… trồng phân tán, dễ hao hụt lớn khi thu hoạch. Bên cạnh đó, do địa bàn sản xuất, trồng cách với địa bàn tiêu thụ khá xa khiến chi phí vận chuyển cũng tăng lên.

Bị đòi nợ, Bộ trưởng Công Thương liên tục "nhận trách nhiệm" ảnh 1
Dưa hấu bị đội giá do phải qua quá nhiều khâu trung gian trước khi tới tay người tiêu dùng

Nguyên nhân cuối cùng được Bộ trưởng Công Thương dẫn giải là do thương nhân sau khi thu mua dưa ở ruộng, lúc đưa vào chợ, siêu thị phải thực hiện quá trình loại bỏ những sản phẩm hỏng, chất lượng kém … nên khi sản phẩm tới tay người tiêu dùng đều là những mặt hàng đã được “tuyển chọn”, do đó giá bị đội lên nhiều.

Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh việc đẩy mạnh phát triển khâu lưu thông từ khâu sản xuất tới tiêu thụ, mới mong giảm được giá khâu trung gian, từ đó giảm giá bán. Đến nay đã đầu tư xây mới, cải tạo nâng cấp được 8.500 chợ góp phần tiêu thụ 40% số lượng bán lẻ. Hệ thống siêu thị gồm 900 trung tâm thương mại đã tiêu thụ khoảng 20% sản phẩm trong nước. Ngoài ra hệ thống kho bãi để tập kết hàng nông sản cũng có khoảng 1 triệu kho bãi để phân loại, đóng gói tiêu thụ. Cùng với đó là có khoảng 1.200 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hậu cần.

“Chúng tôi tăng cường hoạt động kết nối giữa nông dân và DN. Đã thí điểm cơ chế liên kết này ở 12 tỉnh trong cả nước như Lào Cai, Bắc Giang, Bình Thuận, Ninh Thuận, An Giang… Bộ đứng ra làm trung gian kết nối các DN có uy tín trong và ngoài nước với người sản xuất tại các địa phương đó. DN tiến hành khảo sát nghiên cứu và ký hợp đồng với nông dân ở các tỉnh. Nhiều địa phương đề nghị nhân rộng mô hình này” – Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết.

Nói tới chuyện nông sản nhưng ĐB Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) lại muốn “nhắc nợ” lời hứa mà Bộ trưởng Huy Hoàng đưa ra cách đây 3 năm với mặt hàng hành tím Sóc Trăng. 

“Ba năm trước, khi chất vấn Bộ trưởng về chuyện hành tím Sóc Trăng rớt giá, Bộ trưởng có hứa với tôi sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan tạo điều kiện để DN kinh doanh xuất khẩu tiếp tục tìm đầu ra, tăng cường cung cấp thông tin về tình hình thị trường trong, ngoài nước để bà con tham khảo. Xin hỏi lời hứa trên đã được thực hiện ra sao trong 3 năm qua? Bộ trưởng cũng có nói đừng đổ lỗi cho nông dân trong chuyện dưa, hành “được mùa rớt giá”. Vậy xin hỏi ai phải chịu trách nhiệm?”, ĐB Trần Khắc Tâm hỏi.

Trưởng ngành công thương thừa nhận có phần trách nhiệm của Bộ trong báo cáo, cung cấp thông tin, tìm hiểu giá cả và định hướng thị trường dù những việc làm này vẫn được thực hiện thường xuyên trong thời gian qua. “Với mặt hàng hành tím Sóc Trăng do thị trường xuất khẩu chủ yếu sang Indonesia – chiếm khoảng 80% lượng hành sản xuất trong nước, nên khi nước này thay đổi chính sách nhập khẩu chuyển sang tự cung trong nước, ngay lập tức hành tím Sóc Trăng bị dồn ứ. Có phần lỗi của chúng tôi là đã thông tin chưa kịp thời đến người dân khi mùa vụ thu hoạch cận kề” – ông giải thích. 

Tuy nhiên, khắc phục tình trạng này Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, sẽ khó “một sớm một chiều” do đây là chính sách của một quốc gia.

Thương lái gian lận đều bị xử lý

Cũng đề cập tới chuyện nông sản, nhưng là chuyện thương lái Trung Quốc mua gom nông sản trong nước, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) yêu cầu Bộ trưởng Hoàng nêu rõ trách nhiệm của ngành, của người đứng đầu khi để tình trạng này “tái đi tái lại”.

Vẫn cách trả lời không đi thẳng vào vấn đề mà mang hướng kiến giải, phần trả lời của Bộ trưởng Hoàng khiến nhiều ĐB tỏ ra không hài lòng. Bấm nút chất vấn lần thứ 2, ĐB Nguyễn Thị Khá nhắc lại, vấn đề Trung Quốc hoành hành đã được bà đặt ra cho Bộ trưởng trong những lần chất vấn trước nhưng chưa thấy được giải pháp mà ngành triển khai để ngăn chặn…  

Tư lệnh ngành công thương lý giải, thông tin việc thương lái nước ngoài thu mua các mặt hàng “lạ” là có, như họ mua cau non để làm thuốc… Tuy nhiên, sau khi phản ánh của báo chí Bộ đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành rà soát và xử lý nghiêm túc nên tình trạng này đã phần nào đẩy lùi.

Một lần nữa ngắt lời Bộ trưởng Công thương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói, thương lái bất cứ nước nào nếu làm ăn gian lận, không đúng pháp luật đều bị xử lý.

"Không chỉ có thương lái nước mà ĐB Khá nêu, mà thương lái nhiều nước khác cũng có tình trạng đó. Ngay cả trong nước ta, người mua người bán nước ta, cũng có tình trạng đó, đều cần phải xử lý", Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Nhiều doanh nghiệp không trồng rừng thay thế khi làm thủy điện

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng đã có ý kiến yêu cầu nghiêm khắc xử phạt các doanh nghiệp không trồng rừng thay thế khi làm các công trình thủy điện. 

"Nhưng với những địa bàn không còn đất để trồng rừng thay thế thì xử lý thế nào? Trách nhiệm thuộc về ai trong vấn đề cấp phép này? Đối với những người dân ở những dự án thủy điện vừa và nhỏ ở miền Trung khi nào được chính sách tái định cư?", ông Học nêu vấn đề

Đồng tình với việc cần xử lý nghiêm với các doanh nghiệp là các chủ đầu tư các công trình thủy điện chây ì không chịu thực hiện trách nhiệm trồng lại rừng khi triển khai dự án, Bộ trưởng Hoàng cũng thừa nhận hiện chưa có phương án xử lý đối với các dự án thủy điện đã cấp phép, nhưng không còn đủ đất để tiến hành lại việc trồng rừng. 

"Với những địa phương không có quỹ đất thì có thể nộp tiền thay cho việc trồng rừng để địa phương bố trí trồng rừng ở nơi khác thay vào. Còn lúc phê duyệt cũng chưa tính đến yếu tố trồng lại rừng thay thế ở những nơi không có đất', Bộ trưởng Hoàng nhận trách nhiệm.

Các ruộng bắp, đậu phộng đang thời điểm đậu quả ở xã Quảng An (huyện Quảng Điền) đã bị ngập trong nước lũ . Hơn 500ha lúa tại các xã Quảng Vinh, Quảng Thọ và thị trấn Sịa (Quảng Điền) cũng bị ngập trong nước lũ.- Ảnh: An Bang
Các ruộng bắp, đậu phộng đang thời điểm đậu quả ở xã Quảng An (huyện Quảng Điền) đã bị ngập trong nước lũ . Hơn 500ha lúa tại các xã Quảng Vinh, Quảng Thọ và thị trấn Sịa (Quảng Điền) cũng bị ngập trong nước lũ.- Ảnh: An Bang

Bộ trưởng Hoàng cũng cho hay hiện Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đang tiếp tục phối hợp xem xét, kiến nghị, cũng như đốc thúc, yêu cầu chủ đầu tư các công trình thủy điện vừa và nhỏ phải cam kết các phương án hỗ trợ, đền bù, tái định cư cho người dân trong khu vực một cách nhanh chóng hơn. 

Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) quan tâm về công nghiệp phụ trợ, và thấy rằng tình hình chưa có chuyển biến đáng kể? Với ngành công nghiệp ô tô, phải chăng là do thiếu chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp hỗ trợ nên đã phá sản, dù đã tồn tại 20 năm qua?

Công nghiệp ô tô: Câu hỏi khó, Bộ trưởng loay hoay 

Sau năm năm, trước hứa hẹn ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ tập trung phát triển ngành công nghiệp phụ trợ; ưu tiên hợp tác với các hãng ô tô nổi tiếng và các nước trong khối ASEAN nhằm tăng tính liên kết và nâng cao chuỗi giá trị, đến nay ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn còn là dấu hỏi lớn
Sau năm năm, trước hứa hẹn ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ tập trung phát triển ngành công nghiệp phụ trợ; ưu tiên hợp tác với các hãng ô tô nổi tiếng và các nước trong khối ASEAN nhằm tăng tính liên kết và nâng cao chuỗi giá trị, đến nay ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn còn là dấu hỏi lớn

Về ngành công nghiệp phụ trợ, Bộ trưởng Hoàng thẳng thắn "Bộ Công thương chịu trách nhiệm về vấn đề này" khi các chính sách hỗ trợ chưa phát huy được tác dụng hỗ trợ cho ngành công nghiệp hỗ trợ. 

Bộ trưởng Hoàng cho biết thêm văn bản dự thảo lần thứ 6 hỗ trợ ngành CN phụ trợ chưa được thông qua. "Hiện nay Bộ cũng chưa tìm ra được cách hỗ trợ cho DN cũng như công cụ hỗ trợ hiệu quả", Bộ trưởng Hoàng thừa nhận.Thậm chí, việc có cần thiết có thêm luật riêng về công nghiệp hỗ trợ hay không cho thành phần doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang được bàn bạc xem xét. 

Đặt vấn đề về việc Bộ trưởng nhận trách nhiệm tới đâu trong việc ban hành chính sách tạo điều kiện cho ngành công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, cũng như yêu cầu "cần biến việc nhận trách nhiệm thành hành động”, đại biểu Lê Trọng Sanh (TP.HCM) nêu thực trạng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô không thực hiện đúng lộ trình cam kết nội địa hóa sản phẩm thì sẽ xử lý thế nào?

Bộ trưởng Hoàng tỏ ra khá bế tắc trước câu hỏi này và cũng không đưa ra được giải pháp thỏa đáng về ngành sản xuất ô tô trong nước đang có nguy cơ sụp đổ, 

Bộ trưởng Hoàng thừa nhận: "về cá nhân tôi, tôi nhận trách nhiệm và cảm thấy mình còn một món nợ về việc ngành công nghiệp hỗ trợ chưa có nhiều chuyển biến, cũng như thiếu các chính sách thúc đẩy phát triển tích cực". 

Bộ trưởng Hoàng giải thích thêm, do đây là quy định liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, và "trước hết phải yêu cầu doanh nghiệp thực hiện các cam kết".  Tuy nhiên, có thực tế khi VN tham gia các hiệp định thương mại quốc tế, hoặc theo cam kết gia nhập Tổ chức thương mại thế giới thì yêu cầu nội địa hóa không còn nữa. 

"Việt Nam một mặt đề nghị doanh nghiệp tiếp tục thực hiện, nếu có khó khăn thì phối hợp tháo gỡ. Nếu không thực hiện thì mới trao đổi với Bộ Kế hoạch - Đầu tư, thậm chí có kiến nghị với Chính phủ để có biện pháp giải quyết phù hợp", Bộ trưởng Hoàng khẳng định. 

Theo chương trình, sáng 12/6 Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tiếp tục phần trả lời chất vấn của ĐBQH tại nghị trường.

Theo Infonet, Tuổi trẻ