Ông Trần Quang Hưng, Giám đốc Trung tâm NCSC (ảnh MH) |
Đại dịch Covid-19 cùng những yêu cầu về giãn cách, phong tỏa, hạn chế tiếp xúc đã làm thời gian sử dụng internet của người dùng Việt Nam tăng cao, các vụ lừa đảo trực tuyến có chiều hướng gia tăng.
VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Hưng, Giám đốc Trung tâm giám sát An toàn Không gian mạng quốc gia (NCSC) xung quang vấn đề này.
PV: Thời gian qua xuất hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến liên quan đến Covid-19 và có dấu hiệu gia tăng, ông cho biết về các hình thức, thủ đoạn lừa đảo này?
Ông Trần Quang Hưng: Đại dịch Covid-19 cùng những yêu cầu về giãn cách, phong tỏa, hạn chế tiếp xúc đã làm thời gian sử dụng Internet của người dùng Việt Nam tăng cao, đồng thời các vụ lừa đảo trực tuyến có chiều hướng gia tăng rõ rệt. Các hình thức lừa đảo này ngày càng phát triển về quy mô và mức độ tinh vi như: Giả mạo công chức chính quyền để lừa đảo (bên lừa đảo giả danh nhân viên, cán bộ từ cơ quan Chính phủ để tuyên truyền thông tin về Covid-19).
Thứ hai là: Bán sản phẩm y tế không minh bạch (bán các bài chữa bệnh, bộ đồ nghề kiểm tra bệnh án, nước rửa tay hoặc khẩu trang chưa được kiểm chứng về chất lượng).
Thứ ba, ăn cắp dữ liệu cá nhân (giả mạo nhân viên bảo hiểm để yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân như địa chỉ, chi tiết tài khoản ngân hàng, số pin thẻ ngân hàng để giúp bạn sửa hợp đồng bảo hiểm hoặc giả danh nhân viên y tế để truy tìm tiếp xúc liên quan tới Covid-19).
Thứ tư, giả mạo kêu gọi ủng hộ từ thiện (kêu gọi từ thiện tổ chức phi chính phủ, bệnh viện hoặc các tổ chức khác liên quan đến Covid-19 không có giấy chứng nhận).
Và cuối cùng là thủ đoạn tiếp thị các sản phẩm và dịch vụ (các bên thứ ba sẽ mời chào với các giảm giá lớn cho khách hàng về các loại khẩu trang hoặc thuê bao/gói cước hàng tháng để truy cập vào các trang dịch vụ giải trí).
Các cuộc tấn công lừa đảo này đều sử dụng kỹ thuật cũ nhưng lợi dụng các nội dung, thông tin thể hiện theo cách mới, đặc biệt là các thông tin liên quan đến tình hình dịch Covid-19 để làm cho người dân hoang mang, mất cảnh giác và dễ mắc bẫy.
PV. Ông có thể thông tin một số vụ lừa đảo trực tuyến liên quan đến Covid-19 điển hình trong thời gian qua?
Ông Trần Quang Hưng: Trong thời gian qua, việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội với nhiều tỉnh, thành phố đã đưa đến số lượng người dùng, thời gian sử dụng mạng xã hội tăng lên, đó là một trong những nguyên nhân làm cho số lượng sự cố tấn công mạng tăng cao, nhất là sự cố cài mã độc và tấn công lừa đảo. Các hình thức lừa đảo trực tuyến liên quan đến Covid-19 chủ yếu như giả mạo nhãn hàng lớn gửi link khuyến mãi, trúng tưởng hoặc kêu gọi đầu tư, kiếm tiền online lợi nhận cao.
Các đối tượng xấu mạo danh các nhãn hàng lớn để lừa đảo là chiêu thức xảy ra thường xuyên trong thời gian gần đây. Cách thức hoạt động cụ thể có thể khác nhau nhưng thủ thuật chung là gửi link có nội dung khuyến mãi, tặng quà hấp dẫn và yêu cầu người dân nhập thông tin đăng nhập trang Facebook cá nhân, hay nguy hiểm hơn là mật khẩu tài khoản ngân hàng cá nhân, sau đó thủ phạm tiến hành chiếm đoạt tài khoản của các nạn nhân.
Mô hình thứ hai là kêu gọi đầu tư online, chào mời người tham gia với lãi suất hấp dẫn, tỷ lệ hoàn vốn cao. Mô hình này thường kêu gọi, dụ dỗ người tham gia góp vốn đầu tư liên tục và bất ngờ sụp đổ, biến mất khi có một lượng lớn các nhà đầu tư đã tham gia đột nhiên rút vốn hoặc không thể kêu gọi thêm nhà đầu tư mới.
PV. Được biết các hình thức lừa đảo trên mạng ngày phát triển về quy mô và mức độ càng tinh vi, Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đã có những cảnh báo gì cho người dân?
Ông Trần Quang Hưng: Nắm bắt được khó khăn đó của người dân, cùng sứ mệnh đưa không gian mạng Việt Nam trở nên an toàn, lành mạnh, Trung tâm NCSC đã nhiều lần cảnh báo về các tình huống lừa đảo trên qua các kênh thông tin của NCSC.
Trung tâm NCSC khuyến nghị mỗi cá nhân hãy chủ động báo cáo trang web có dấu hiệu lừa đảo hoặc giả mạo tại địa chỉ https://canhbao.ncsc.gov.vn.
Để giúp người dân có thể tránh được hậu quả của việc lừa đảo trên mạng, hệ sinh thái Tín nhiệm mạng (https://tinnhiemmang.vn), một trong những sản phẩm dịch vụ về an toàn thông tin của Trung tâm NCSC, sẽ cung cấp miễn phí cho người dùng các thông tin xác thực về tổ chức, giúp người dùng nắm bắt chính xác các thông tin tin cậy (website, email, số điện thoại…) của tổ chức cần tìm kiếm.
Điều quan trọng nhất vẫn cần trang bị một số các hướng dẫn cụ thể để người dân, các tổ chức doanh nghiệp có những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để phòng tránh, giảm bớt đi phần nào các nguy cơ mất an toàn thông tin trên không gian mạng. Trên cơ sở đó, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đã xây dựng “Cẩm nang Bảo đảm An toàn thông tin trong đại dịch Covid-19” nhằm mục đích hướng dẫn một số kỹ năng, thao tác cơ bản giúp người dùng Internet, doanh nghiệp có thể bảo đảm an toàn thông tin khi kết nối trực tuyến. Mọi người có thể xem chi tiết và tải miễn phí Cẩm nang tại đây.
PV: Ông dự báo tình hình sắp tới sẽ ra sao? Trung tâm có những biện pháp gì để đối phó?
Ông Trần Quang Hưng: Có thể nói đại dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục và chưa thể kết thúc trong một sớm một chiều, người dân vẫn tiếp tục cách ly, giãn cách xã hội và tội phạm lừa đảo qua mạng vẫn tiếp tục lợi dụng Covid-19 để hoành hành. Nếu không nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn của loại tội phạm này, người dân rất dễ bị sập bẫy của chúng. Các hình thức tấn công lừa đảo này tuy sử dụng kỹ thuật cũ nhưng lợi dụng các nội dung, thông tin thể hiện theo cách mới, đặc biệt là các thông tin liên quan đến tình hình dịch Covid-19 để làm cho người dân hoang mang, mất cảnh giác.
Để giúp người dân nhận diện được loại tội phạm này, Trung tâm NCSC đã liên tục gửi khuyến nghị, cảnh báo tới người dân về các phương thức, thủ đoạn, hành vi cụ thể của các vụ việc tấn công mạng qua các kênh truyền thông của tổ chức. Bên cạnh các biện pháp xử phạt, điều quan trọng để hạn chế tối đa các vụ tấn công mạng là người dân cần liên tục cập nhật thông tin, nâng cao cảnh giác và nhận thức về an toàn thông tin, để bảo vệ bản thân và người thân của mình.
PV. Xin cảm ơn ông./.