Trước đó, các bác sĩ đã tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Huy P. (67 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội) bị máy cưa cắt đứt rời ngón cái bàn tay phải, gãy xương cẳng chân cùng những tổn thương mạch máu hết sức phức tạp.
BS. Vũ Trung Trực kiểm tra lại vết cho bệnh nhân
|
Một cuộc hội chẩn liên khoa lập tức được tổ chức, để thống nhất phương pháp phẫu thuật cho nạn nhân bằng kỹ thuật vi phẫu, nhằm nối lại ngón tay cái đứt rời, đồng thời, xử lý vết thương cẳng chân cho người bệnh.
Các bác sĩ đều nhận thấy đây là trường hợp phức tạp, do nạn nhân đã lớn tuổi, lại mắc bệnh đái tháo đường nhiều năm gây xơ vữa thành mạch máu, bệnh nhân còn bị tổn thương phối hợp, mà tổn thương do máy cưa là loại tổn thương gây dập nát, xử lý rất khó khăn. Những yếu tố này gây nhiều nguy cơ đến tính mạng bệnh nhân trong khi mổ và cả tắc mạch sau mổ.
Ngón tay bị đứt rời khi nạn nhân được đưa đến cấp cứu
|
Ngón tay đã được nối bằng vi phẫu thuật (ảnh do BV Việt Đức cung cấp)
|
Nhưng các bác sĩ chuyên khoa Tạo hình Thẩm mỹ là Vũ Trung Trực, Lê Văn Nam, Dương Hồng Quân đã khẩn trương phối hợp với các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình tiến hành ca mổ.
Theo BS. Vũ Trung Trực, nếu không nối được ngón cái, người bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống sau này. Vì thế, các bác sĩ đã quyết tâm nối lại ngón tay cho người bệnh. Suốt gần 10 tiếng liền đứng bên bàn mổ, các bác sĩ đã xử lý thành công toàn bộ các tổn thương cho người bệnh.
“Với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chuyên khoa vốn là thế mạnh của BV Việt Đức, ngón cái của nạn nhân đã được nối lại với đầy đủ các thành phần, chức năng cho bệnh nhân”- PGS. Nguyễn Hồng Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt – Tạo hình – Thẩm mỹ cho biết.
PGS. Nguyễn Hồng Hà cho biết thêm, đến thời điểm này đã khẳng định được ngón tay đã được nối thành công. Song người bệnh còn cần một thời gian dài tập luyện để phục hồi chức năng. PGS. Hà cũng lưu ý người dân cần chú ý tự bảo vệ trong quá trình lao động, tránh để xảy ra những tai nạn nguy hiểm, gây tổn thương đứt rời bộ phận cơ thể như nạn nhân P.