Facebook, Google, Amazon và các công ty công nghệ lớn khác hiện phải đối mặt với những chỉ trích về việc các đại gia công nghệ đang chuyển lợi nhuận tới các quốc gia có thuế thấp để giảm nghĩa vụ tài chính. Phương thức này bị đánh giá là lách luật và không công bằng.
Các quy định mới về việc tăng thuế chủ yếu nhắm vào các công ty đa quốc gia lớn. Tuy nhiên, nó có thể sẽ khiến cho các nước như Ireland khó thu hút đầu tư nước ngoài hơn vì nước này đang thực hiện chính sách thuế doanh nghiệp cực thấp.
“Hiện tại, chúng tôi có hai trụ cột chính để thực hiện quy định thuế mới này”, Taro Aso, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản đồng thời là người chủ trì cuộc họp G20 nói với các phóng viên. “Các đề xuất hiện vẫn còn chút mơ hồ nhưng chúng sẽ sớm trở thành hiện thực”, ông Taro khẳng định.
Các "Big Tech" nằm trong tầm ngắm của G20 là Google, Amazon, Facebook và Apple. Ảnh: Gulflance
|
Các nước châu Âu, đặc biệt Anh và Pháp, ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch này khi cho rằng "thuế điện tử" là cần thiết bởi luật thuế doanh nghiệp truyền thống nay đã lỗi thời và tạo ra sự bất bình đẳng. Điều này cũng đặt Anh và Pháp vào vị trí đối đầu với Hoa Kỳ vì thực tế “Big Tech” – các đại gia công nghệ trên thế giới hầu như đều là của Mỹ.
Các công ty công nghệ lớn cũng cho biết họ vẫn tuân theo các quy tắc về thuế, nhưng họ trả ít thuế ở châu Âu. Các “Big Tech” thường chuyển kênh bán hàng của mình qua các quốc gia có chế độ thuế doanh nghiệp nhẹ để giảm mức thuế phải đóng.
“Chúng tôi sẽ nhân đôi nỗ lực của mình để thống nhất đưa ra một giải pháp vào năm 2020. Hai trụ cột của G20 dự kiến sẽ khiến các công ty phải nộp thuế gấp đôi”, theo tuyên bố trong cuộc họp G20.
Trụ cột thứ nhất là phân chia quyền đánh thuế cho các quốc gia nơi hàng hóa, dịch vụ được chào bán cho người sử dụng, dù các công ty không có hiện diện thương mại tại quốc gia này.
Trong trường hợp các công ty vẫn có thể tìm cách chuyển lợi nhuận ra các thiên đường thuế thấp, trụ cột thứ hai cho phép các quốc gia áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu để buộc các công ty thực hiện nghĩa vụ tài chính.
“Chúng tôi tim thấy sự đồng thuận cao để có thể cùng nhau thực hiện điều này”, ông Pierre Moscovici, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu nói.
“Không chỉ GAFA, tôi hi vọng rằng những “gã khổng lồ công nghệ” khác cũng sẽ phải đóng đúng phần thuế dựa theo những giá trị và lợi nhuận mà họ đã đạt được”, ông Pierre nhấn mạnh.
GAFA là từ viết tắt được dùng để chỉ bốn công ty công nghệ lớn có tầm ảnh hưởng trên thế giới là Google, Amazon, Facebook và Apple.
Theo Reuters