Nhà báo Đỗ Đình Tấn là tác giả của cuốn sách “Fake news và chống Fake news”, đề cập đến cuộc chiến chống tin giả trên khắp thế giới với nhiều giải pháp được nêu ra.
Nhà báo Đỗ Đình Tấn từng làm việc tại báo Tuổi Trẻ từ năm 1986 đến 2013 với các vị trí: Phóng viên Ban Chính trị - xã hội; Tổ trưởng Tổ quốc tế; Thư ký Tòa soạn Báo Tuổi Trẻ Chủ nhật (Tuổi Trẻ Cuối tuần); Phó Tổng Thư ký tòa soạn báo hàng ngày, kiêm Trưởng ban Quốc tế Báo Tuổi Trẻ.
Ông có nhiều tác phẩm đã xuất bản như: Một nền báo chí phẳng (2014), Báo chí lương tâm (2016), Báo chí và mạng xã hội (2017), Truyền thông và Kinh doanh (2019)… Ngoài ra, ông còn là dịch giả của các cuốn: Nước Nhật mua cả thế giới, Chiến tranh vùng Vịnh, Bí kíp dạy con từ 0 - 16 tuổi (ba cuốn), Scarlett (Hậu Cuốn theo chiều gió)...
Nhà báo Đỗ Đình Tấn trăn trở: Trong thời đại 4.0 hiện nay, cổng thông tin điện tử hàng ngày luôn có hằng hà sa số tin thật lẫn tin giả, vậy làm sao để người dùng mạng xử lý thông tin một cách thông minh? Chủ đề trên được chính ông và nhà báo Phạm Thục mang tới cho người nghe những kiến thức và lý giải thú vị.
Nhà báo Phạm Thục phân tích, tin giả không chỉ để đọc cho vui mà đã trở thành thách thức, thậm chí gây ra khủng hoảng báo chí. Vì vậy rất cần nhận diện những thách thức và những nguy cơ mới mà tin giả đặt ra: Xóa nhòa ranh giới giữa chung và riêng? Sự thật trở thành thứ yếu? Trong bối cảnh của những nguy cơ mới này, truyền thông truyền thống (báo chí) lại rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Biểu hiện của cuộc khủng hoảng này là gì? Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng đối với thông tin ra sao?...
Bìa cuốn sách “Fake news và chống Fake news” của tác giả - nhà báo Đỗ Đình Tấn |
“Thông tin không chỉ được phát đi từ các cơ quan truyền thông và các nhà báo. Cho dù từ nguồn nào, thực tế là chúng ta đang phát đi những thông tin cho gia đình, bạn bè. Càng có quyền cho người khác biết về một chủ đề gì đó mà chúng ta quan tâm, thì chúng ta càng có cơ hội “gài bẫy” những người xung quanh chúng ta bấy nhiêu, dù không chủ ý” – Nhà báo Đỗ Đình Tấn phân tích về lý do tại sao phải kiểm tra và kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ.
Phân tích về khía cạnh tin giả luôn hấp dẫn hơn tin thật, nhà báo Phạm Thục dẫn chứng về các vụ việc đã xảy ra gây ồn ào dư luận, như sự vụ liên quan đến “bác sĩ Khoa” được cho là đã rút ống thở của người thân để nhường cho một sản phụ đang cấp cứu trong lúc dịch bệnh COVID-19 lan tràn. Sự việc đã được xác minh là tin giả, Công an TP.HCM tiếp tục điều tra về những người liên quan. Tuy nhiên, chỉ trong một đêm, nhiều tổ chức thiện nguyện đã kịp thu về nhiều tỷ đồng kêu gọi ủng hộ để mua máy thở cho các bệnh viện dã chiến trong tâm dịch.
Nhà báo Đỗ Đình Tấn và nhà báo Phạm Thục giao lưu với bạn đọc về chủ đề Fake news và chống Fake news ở Trung tâm Báo chí TP.HCM |
Một trong những sự việc khác có liên quan đến Fake news nổi cộm thời gian qua được nhà báo Phạm Thục nhắc tới là nhóm thiện nguyện do Giang Kim Cúc và cộng sự tổ chức, đã vướng phải lùm xùm vì tung tin giả quanh sự việc một bà ngoại giết cháu, trong khi thực tế là cháu bé đã chết từ trước khi tới bệnh viện.
“Tin giả luôn có đất sống vì các “kịch bản” tin giả được tính toán để dễ gây xúc động, khiến độc giả bị dẫn dắt khi trong đầu đang có quá nhiều xung năng. Chắc chắn không có tin giả nào vô tư xuất hiện, mà đều được tính toán cho một mục đích có lợi nào đó” – Nhà báo Phạm Thục khẳng định.
Đưa ra các giải pháp về chống Fake news, để không bị tin giả dẫn dắt, nhà báo Phạm Thục nhắc nhở người trẻ làm báo không được hời hợt. Còn nhà báo Đỗ Đình Tấn nêu ý kiến về việc bắt buộc phải kiểm chứng nội dung thông .
“Nếu nhiều cơ quan truyền thông cùng đưa một thông tin theo nhiều nguồn tin khác nhau thì có khả năng tin đó là thật. Còn ngược lại, với một thông tin không dẫn nguồn, thì nên thận trọng. Đặc biệt cần thận trọng ở mức cao với những tin gây sốc” – Nhà báo Đỗ Đình Tấn nói.
Nhà báo Đỗ Đình Tấn và nhà báo Phạm Thục tại buổi giao lưu |
Đặc biệt là với thế giới kỹ thuật số, nhà báo Đỗ Đình Tấn lưu ý: “Cần kiểm tra thời gian gốc của thông tin, hình ảnh hay băng video, vì trên mạng xã hội một thông tin cũ có thể được cập nhật khi nó được chia sẻ. Do đó, có nguy cơ một thông tin cũ từ nhiều tháng trước lại được xem là tin mới”.
Cuộc trò chuyện mô tả cuộc chiến “kép” của truyền thông truyền thống, vẫn phải tìm lối đi để thoát khỏi khủng hoảng tài chính và đồng thời là, buộc phải chống tin giả. Nhà báo Đỗ Đình Tấn và nhà báo Phạm Thục đã góp phần mang lại cho bạn trẻ làm báo những kiến thức và cách phân biệt fake news – những thông tin hoàn toàn giả hoặc bịa đặt, phóng đại hay bóp méo, xuyên tạc đến mức không còn là thật, xuất hiện dưới dạng tin tức báo chí, lan truyền chủ yếu trên mạng xã hội qua việc chia sẻ, để đánh lừa công chúng nhằm đạt được một mục đích (chính trị, ý thức hệ, kinh tế, lợi ích…) nào đó.