Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý hơn 15 website giả mạo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cùng với hơn 40 sự vụ trực tuyến liên quan “tín dụng đen”, 15 website giả mạo các công ty tài chính chính thống để thực hiện hành vi lừa đảo trực tuyến cũng đã bị xử lý - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.
Cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả hoạt động “tín dụng đen” trên mạng.
Cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả hoạt động “tín dụng đen” trên mạng.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong thời gian qua, hoạt động cho vay nặng lãi, "tín dụng đen" với nhiều thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh, đặc biệt thủ đoạn cho vay tiền thông qua ứng dụng (app) hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook) để mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh, thiếu niên,... vay tiền đang có diễn biến phức tạp. Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện các giải pháp nhằm ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả hoạt động “tín dụng đen” trên môi trường mạng.

Cùng với việc tăng cường thông tin báo chí, Bộ cũng đã chỉ đạo các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước tăng cường rà soát, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng để ngăn chặn hoạt động vi phạm; Yêu cầu mạng xã hội xuyên biên giới gỡ bỏ các đường link lừa đảo liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”; Nghiên cứu áp dụng các công cụ kỹ thuật để rà quét thông tin trên mạng về nội dung “tín dụng đen”, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý thông tin.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản và áp dụng các hệ thống kỹ thuật riêng để chỉ đạo, điều phối các nhà mạng viễn thông để ngăn chặn, xử lý hơn 15 website giả mạo các Công ty tài chính chính thống như: Homecredit, LOTTE Finance để thực hiện hành vi lừa đảo trực tuyến.

Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cung cấp thông tin cho cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an và các cơ quan liên quan hơn 40 sự vụ liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” thông qua ứng dụng (app) hoặc lập các tài khoản, hội nhóm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook) để mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, lao động thu nhập thấp, công nhân, thanh, thiếu niên...vay tiền.

Ngoài ra, đối với loại tội phạm này, Bộ Công an và các bộ, ngành chức năng đã và đang đẩy mạnh các hoạt động điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng tham gia đường dây, có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” hoặc các đối tượng tham gia giới thiệu, tuyên truyền cho tín dụng đen. Hoạt động tín dụng đen trên mạng được triển khai tinh vi, gắn với hoạt động đòi nợ thuê trong đời sống thực, vi phạm luật hình sự nên cần được cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh để răn đe.

8 thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội

Thời gian qua, tình trạng lừa đảo qua MXH rất phức tạp. Để không bị “mắc bẫy” những kẻ lừa đảo, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Bạc Liêu đưa ra 8 cảnh báo để người dân cảnh giác:

1. Các đối tượng người nước ngoài sử dụng MXH như Facebook, Zalo... để kết bạn rồi làm quen với bị hại, tạo sự tin tưởng. Sau một thời gian làm quen, đối tượng thông báo gửi quà là tiền mặt hoặc tài sản có giá trị rất lớn qua đường hàng không. Sau đó, có đối tượng người Việt Nam giả danh nhân viên sân bay, Hải quan, Thuế... yêu cầu bị hại nộp tiền để nhận được quà.

Các đối tượng giả danh tạo rất nhiều lý do chưa nhận được quà để người bị hại chuyển tiền làm nhiều lần vào các tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp cho bị hại. Khi bị hại không còn khả năng tiếp tục chuyển tiền, đối tượng xóa ngay tài khoản Facebook, Zalo... và các số điện thoại đã sử dụng để liên lạc. Bị hại không liên lạc được thì mới phát hiện bị lừa.

2. Thủ đoạn giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, cơ quan nhà nước. Các đối tượng sử dụng phần mềm công nghệ cao (Voice over IP - cách gọi sử dụng ứng dụng truyền tải giọng nói qua mạng máy tính, giả số điện thoại hiện trên màn hình) có chức năng giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại gọi điện cho bị hại tự xưng là nhân viên bưu điện, bưu cục thông báo về việc người bị hại đang nợ tiền cước điện thoại, có bưu phẩm gửi ở các bưu điện lâu ngày không đến nhận hoặc liên quan đến các vụ án... rồi nối máy cho bị hại nói chuyện với một đối tượng giả danh cán bộ đang công tác tại các cơ quan bảo vệ pháp luật (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án). Lúc này, đối tượng thông báo cho bị hại liên quan đến vụ án đang điều tra nếu không thực hiện đúng theo nội dung chúng đưa ra sẽ bị khởi tố bị can làm bị hại hoang mang, lo sợ để cung cấp thông tin cá nhân và tài khoản.

Sau đó, đối tượng yêu cầu bị hại chuyển tiền vào các tài khoản chỉ định, cung cấp mã OTP để chuyển tiền vào tài khoản của chúng hoặc hướng dẫn bị hại tải ứng dụng giả mạo có tên “Bộ Công an” và truy cập để cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng với vỏ bọc xác minh, điều tra. Sau đó đối tượng chiếm quyền sử dụng tài khoản của bị hại và chuyển tiền đến nhiều tài khoản khác nhằm chiếm đoạt tài sản.

3. Giả danh người thân nhờ chuyển tiền rồi chiếm đoạt. Đối tượng lập tài khoản MXH (Facebook, Zalo...) hoặc chiếm quyền quản trị tài khoản MXH (hack) của người khác rồi nhắn tin cho người thân, bạn bè trong danh sách liên lạc của chủ tài khoản giả vay, mượn tiền, hoặc nhờ chuyển tiền số lượng lớn vào tài khoản ngân hàng của đối tượng, hoặc gửi thông báo lệnh chuyển tiền giả, kèm đường link trang web giả mạo ngân hàng, yêu cầu bị hại truy cập, kiểm tra. Kết hợp với mã OTP của ngân hàng lừa lấy được từ bị hại, sau đó kiểm soát tài khoản Internet banking, chiếm đoạt toàn bộ số tiền có trong tài khoản ngân hàng của bị hại.

4. Nhắn tin trúng thưởng. Đối tượng sử dụng Facebook Messenger để gửi tin nhắn cho người bị hại thông báo trúng thưởng tài sản (xe máy, điện thoại, đồng hồ) hoặc tiền mặt (phiếu quà tặng, phiếu đổ xăng…) có giá trị lớn. Sau đó, yêu cầu bị hại nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng. Việc chuyển khoản, nạp thẻ phải được thực hiện trong vòng từ 60 đến 90 phút, nếu không sẽ không được nhận và giải thưởng cũng sẽ chuyển cho người khác. Bên cạnh đó, trên trang web để hoàn tất thủ tục hồ sơ nhận thưởng thông tin về đơn vị tổ chức được dựng lên chi tiết, bao gồm cả tên tuổi địa chỉ những người đã trúng trước đó, CMND của nhân viên hỗ trợ nhận thưởng khiến người dân mất cảnh giác và chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng.

5. Một thủ đoạn nữa kinh doanh đa cấp qua các sàn giao dịch tiền ảo, sàn ngoại hối, hoặc đầu tư đào tiền kỹ thuật số. Các đối tượng lập các website đầu tư tài chính, các ứng dụng có giao diện tương tự đầu tư tài chính quốc tế, rồi sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để thu hút, lôi kéo nhiều người tham gia, như: Gọi điện thoại tư vấn, gửi tin nhắn, đăng tin quảng bá, mời chào qua các MXH (Zalo, Facebook...), tổ chức các buổi hội thảo có quy mô lớn, đưa những người tự xưng là chuyên gia về lĩnh vực tài chính đến chia sẻ kinh nghiệm.

Các sàn đều được quảng cáo có nguồn gốc từ nước ngoài, liên kết với nền tảng giao dịch điện tử hàng đầu thế giới, cam kết người chơi sẽ được hưởng mức lãi suất cao nhưng lại an toàn, có thể rút vốn bất kỳ lúc nào, không cần đầu tư trí tuệ, thời gian, khiến nhiều người dân tham gia dưới hình thức đầu tư bằng các loại tiền kỹ thuật số. Sau một thời gian, sàn giao dịch thông báo dừng hoạt động để bảo trì hoặc lỗi không truy cập được, khách hàng không đăng nhập được để rút tiền hoặc bị mất hết tiền kỹ thuật số trong tài khoản.

6. Đầu tư kinh doanh, chơi hoa lan đột biến. Các đối tượng lợi dụng việc đầu tư kinh doanh, chơi hoa lan đột biến đang trở thành trào lưu được nhiều tầng lớp, thành phần trong xã hội tham gia và tâm lý hám lợi của một bộ phận người dân. Đối tượng thường cấu kết thành ổ nhóm, thuê nhà, dựng giàn, làm vườn trồng lan rồi thông qua các trang MXH như: Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok để lập ra các hội, nhóm như: Hội chơi lan quý, lan đột biến... công khai, quảng bá, giới thiệu, quay clip trực tuyến các sản phẩm hoa lan đột biến, tổ chức trao đổi, mua bán trực tiếp hoặc đấu giá trực tuyến. Đối với giao dịch trực tiếp, các đối tượng hẹn người mua đến địa chỉ nhà thuê để giao dịch, sau khi giao dịch thành công, nhận được tiền, các đối tượng khóa tài khoản, chặn liên lạc, bỏ đi khỏi địa điểm nhà thuê.

7. Giả mạo hòm thư điện tử. Đối tượng lập các hộp thư điện tử tương tự hộp thư điện tử của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất có thực hiện các giao dịch bằng thư điện tử, mạo danh đối tác để đề nghị các tổ chức, cá nhân chuyển tiền thanh toán hợp đồng vào tài khoản ngân hàng của đối tượng và chiếm đoạt.

8. Thủ đoạn chuyển khoản nhầm tiền để lừa đảo ép vay nặng lãi. Các đối tượng sau khi có được một số thông tin cá nhân của người dùng như: tên tuổi, số điện thoại hay thậm chí là địa chỉ, các đối tượng lừa đảo sẽ cố ý "chuyển nhầm" một khoản tiền đến cho nạn nhân. Kẻ lừa đảo giả danh là người thu hồi nợ của một công ty tài chính để liên hệ với nạn nhân. Lúc này chúng yêu cầu người dùng trả lại số tiền kia như một khoản vay cùng với khoản lãi "cắt cổ".

Khi chủ tài khoản bỗng nhận được một khoản tiền “chuyển nhầm” cho mình thì cần làm theo các bước sau: Không sử dụng số tiền ấy vào việc chi tiêu cá nhân, nếu đó là tiền chuyển nhầm thật thì sẽ có đại diện ngân hàng liên hệ để làm việc, hoặc người dân chủ động liên hệ với ngân hàng để thông báo về việc chuyển nhầm tiền.