CEO Facebook được cho là đang dùng mối quan hệ và ảnh hưởng chính trị của mình để thuyết phục các quan chức Mỹ rằng Apple cần bị giám sát nhiều hơn vì nhà sản xuất iPhone sở hữu một hệ điều hành được "một tỷ lệ lớn người Mỹ sử dụng".
Facebook đang liên tục tấn công Apple. Ảnh: Telegraph. |
Theo Telegraph, mối quan hệ giữa hai công ty công nghệ hàng đầu thung lũng Silicon bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt kể từ vụ bê bối Cambridge Analytica năm 2018. Trong một bài phỏng vấn, khi được hỏi sẽ làm gì nếu là Mark Zuckerberg, Tim Cook, CEO Apple, đã trả lời: "Tôi sẽ làm gì à? Tôi sẽ không để mình rơi vào hoàn cảnh này", với hàm ý rằng Tim Cook và Apple sẽ không bao giờ lấy thông tin người dùng như Facebook đã làm.
Zuckerberg khi đó đã rất phẫn nộ với những bình luận của Cook, đến nỗi ông yêu cầu toàn bộ ban lãnh đạo của Facebook phải chuyển sang sử dụng smartphone chạy Android.
Tới năm 2019, Apple tiếp tục cấm ứng dụng Facebook Research vì thu thập dữ liệu người dùng. Quyết định này của Apple khiến các ứng dụng nội bộ của Facebook, có cùng chứng nhận nhà phát triển với Facebook Research, dừng hoạt động, ảnh hướng tới khoảng 35.000 nhân viên mạng xã hội này vì không thể truy cập các thông tin nội bộ cũng như sử dụng xe bus bên trong khuôn viên trụ sở.
Đây được cho là hai trong nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng "chiến tranh" giữa hai ông lớn của làng công nghệ. Trong khi đó, về lý thuyết, hai công ty này ít có khả năng trở thành kẻ thù bởi một hãng bán phần cứng và dịch vụ đi kèm, hãng còn lại dựa hoàn toàn vào doanh thu từ quảng cáo.
Trong cuộc họp toàn công ty hồi tháng 8, Zuckerberg đánh giá các quy định trên App Store của Apple như sự độc quyền và gây hại cho người tiêu dùng. Thậm chí, nhà sáng lập Facebook còn cho rằng Apple đang "ngăn cản sự sáng tạo, ngăn chặn sự cạnh tranh" và sử dụng App Store để "tính phí độc quyền".
"Apple sử dụng 'thòng lọng' này như một người gác cổng, kiểm soát những gì được đưa vào điện thoại", Zuckerberg cho biết trước hơn 50.000 nhân viên của mình trong cuộc họp trực tuyến.
Đụng độ giữa các quy định trên App Store của Apple với Facebook gia tăng đột biến thời gian gần đây. Đầu tháng 8, Apple nhiều lần bỏ nền tảng Facebook Gaming. Tiếp sau đó, Apple và Facebook cũng bất đồng sau khi Apple từ chối loại bỏ phí cho tính năng tổ chức sự kiện trực tuyến Online Events của Facebook.
Sau khi bị Apple từ chối yêu cầu, Facebook dự định đăng một thông báo trong tính năng Online Events rằng "Apple sẽ thu 30% phí cho mỗi giao dịch." Tuy nhiên, Apple đã chặn bản cập nhật chứa thông báo này, buộc Facebook phải loại bỏ nó nếu muốn cập nhật ứng dụng mới. Apple cho biết, điều này vi phạm quy định của App Store về việc ngăn các nhà phát triển hiển thị các thông tin không phù hợp cho người dùng.
Bên cạnh các bất đồng về App Store, Facebook cũng không vui vẻ gì với những thay đổi trên iOS 14. Tính năng chặn theo dõi trên bản cập nhật iOS mới yêu cầu ứng dụng phải được sự chấp thuận từ người dùng mới được phép theo dõi hành vi của họ. Theo Facebook, điều này có thể giảm 50% doanh thu quảng cáo qua mạng lưới Audience Network của họ.
Zuckerberg còn lên tiếng chỉ trích động thái của Apple trong cuộc tranh chấp với Epic Games khi cho rằng dự định chặn Unreal Engine của Apple là "một hành động hung hãn" và "có vấn đề."
Tuy nhiên, có một lý do sâu xa hơn khiến hai công ty trở thành kẻ thù như hôm nay. Ngay từ những ngày đầu thành lập Facebook, Zuckerberg đã bị hấp dẫn bởi ý tưởng xây dựng một "hệ điều hành xã hội". CEO Facebook hy vọng công ty của ông có thể lặp lại giai đoạn thống trị thế giới giống Microsoft từng đạt được thông qua Windows.
Để thiện thực hóa tham vọng kiểm soát cả phần cứng lẫn phần mềm giống Apple, Facebook đang tìm đến giải pháp ứng dụng thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường nhằm thay thế smartphone trong tương lai.
Theo VnExpress