Elon Musk cân nhắc lập mạng xã hội riêng để tự do bày tỏ quan điểm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk cho biết đang cân nhắc lập một mạng xã hội riêng để có thể thoải mái bày tỏ quan điểm mà không phải chịu sự kiểm soát.

Elon Musk là một "con nghiện" mạng xã hội khi thường xuyên chia sẻ những ý kiến, quan điểm cá nhân hoặc thậm chí những lời thách đấu trên tài khoản Twitter có hơn 79,3 triệu người theo dõi của ông.

Tuy nhiên, đã có không ít lần ông Elon Musk chia sẻ, đưa ra những bình luận cá nhân vi phạm các quy tắc của Twitter hoặc không đúng sự thật, khiến vị tỷ phú này bị Twitter "cấm cửa" hoặc bị yêu cầu xóa đi các nội dung đã chia sẻ.

Elon Musk sẽ thành lập một mạng xã hội của riêng mình để tự do bày tỏ quan điểm mà không bị giới hạn? (Ảnh: Getty).
Elon Musk sẽ thành lập một mạng xã hội của riêng mình để tự do bày tỏ quan điểm mà không bị giới hạn? (Ảnh: Getty).

Dường như cảm thấy tức giận với nhiều lần bị Twitter "cấm cửa", Elon Musk mới đây đã tạo ra một cuộc bình chọn trên trang Twitter cá nhân của ông, với nội dung: "Tự do ngôn luận là điều cần thiết để duy trì một nền dân chủ. Bạn có tin rằng Twitter đang tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc này hay không?".

Elon Musk cũng đã nhấn mạnh về cuộc khảo sát với những người tham gia: "Kết quả của cuộc khảo sát là rất quan trọng, hãy bình chọn một cách thận trọng".

Với kết quả bình chọn cho thấy 70% người tham gia tin rằng Twitter đang "không có tự do ngôn luận", ông Elon Musk tiếp tục đăng tải một nội dung khác lên trang cá nhân của mình: "Twitter đóng vai trò là quảng trường công cộng thành phố. Việc không tuân thủ các nguyên tắc tự do ngôn luận về cơ bản làm suy yếu nền dân chủ. Nên thực hiện những gì?"

Ông Elon Musk sau đó hỏi những người theo dõi trang cá nhân của mình rằng "Liệu một nền tảng mạng xã hội mới là cần thiết?".

Việc lập một mạng xã hội riêng có thể giúp Elon Musk tự do và thoải mái hơn trong việc đưa ra các phát biểu và quan điểm cá nhân của mình, ngay cả với những thông tin liên quan đến những công ty mà ông đang nắm giữ.

Trước đó, vào năm 2018, sau khi đăng một loạt các nội dung lên Twitter làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu Tesla, ông Elon Musk đã phải ký một cam kết với Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch rằng ông cần phải có sự chấp thuận của các giám đốc điều hành Tesla khác trước khi đăng bất kỳ nội dung nào liên quan đến công ty lên Twitter.

Tuy nhiên, sau đó ông Musk vẫn liên tục đăng tải những thông tin khác nhau liên quan đến Tesla trên trang Twitter cá nhân, bao gồm cả những nội dung làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Chẳng hạn như vào tháng 11 năm ngoái, ông Elon Musk đã tạo một cuộc thăm dò trên Twitter để hỏi những người đang theo dõi mình rằng liệu ông có nên bán 10% cổ phần đang nắm giữ tại Tesla hay không. Ông Musk sau đó đã thực hiện việc bán cổ phần theo như kết quả bình chọn của cư dân mạng.

Nếu Elon Musk xây dựng mạng xã hội riêng thì động thái này cũng tương tự như cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi ông cũng đã xây dựng và cho ra mắt mạng xã hội của riêng mình với tên gọi Truth Social, sau khi ông Trump bị hàng loạt nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter, YouTube… cấm cửa vì những phát biểu và thông tin sai sự thật mà ông chia sẻ ngay sau khi kết thúc nhiệm kỳ.

Theo Dân trí