Bài nói của Cao Thiện Văn về mậu dịch và quan hệ Trung – Mỹ:

Bài 2: Chiến lược “Made in China 2025” khiến lợi ích quốc gia Mỹ bị thách thức

VietTimes -- Trong danh sách bị áp thuế có những sản phẩm Trung Quốc căn bản không xuất khẩu sang Mỹ, ví dụ như máy bay loại lớn, Mỹ đánh thuế thì có thể hiểu được; nhưng Trung Quốc hãy còn chưa chế tạo được máy bay của mình thì Mỹ đã bắt đầu tăng thuế. Vì vậy, chiến lược “Made in China 2025” khiến lợi ích quốc gia Mỹ cũng bị Trung Quốc thách thức.
Tiến sỹ Cao Thiện Văn, kinh tế gia của Công ty “An Tín Chứng khoán” (Essence Securities). (Ảnh: Internet)
Tiến sỹ Cao Thiện Văn, kinh tế gia của Công ty “An Tín Chứng khoán” (Essence Securities). (Ảnh: Internet)

Về quan hệ Trung – Mỹ, TS Cao Thiện Văn: người Trung Hoa dưới 30 tuổi chuẩn bị sống những ngày khốn khổ

Nỗi lo sâu sắc về va chạm mậu dịch Trung – Mỹ

Với việc gia tăng về thực lực nền kinh tế và sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc, kinh tế thế giới đang không tránh khỏi việc xuất hiện cục diện G2 (tức 2 siêu cường kinh tế Mỹ và Trung Quốc). Điều này hình thành thách thức lớn đối với hệ thống quản lý kinh tế toàn cầu hiện nay; sự va chạm giữa Trung – Mỹ và nguy cơ tiềm tàng về một cuộc xung đột giữa hai nước khó tránh khỏi.

Lợi ích quốc gia của Mỹ có lẽ được phân chia và hiểu theo 3 tầng thứ sau: một là, bảo vệ và mở rộng ý thức hình thái, quan niệm giá trị và lối sống Mỹ; hai là, luôn giữ vững địa vị dẫn đầu, thậm chí duy trì ưu thế áp đảo của Mỹ về kỹ thuật cốt lõi và năng lực quân sự; ba là, bảo vệ và thúc đẩy trên toàn cầu hoạt động thương mại của các công ty Mỹ.

Về mặt hình thái ý thức, Trung Quốc dần dần xa rời sự kỳ vọng của Mỹ; chiến lược “Made in China 2025” đã thách thức ưu thế của Mỹ trên lĩnh vực kỹ thuật cốt lõi; mô thức hoạt động kinh tế do chính phủ chủ đạo của Trung Quốc ngày càng uy hiếp mô thức kinh tế tự do của Mỹ và cạnh tranh địa vị của các công ty Mỹ. Đó chính là nguyên nhân sâu xa khiến sự va chạm trong lĩnh vực kinh tế, mậu dịch giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng gay gắt.

Tương lai của quan hệ kinh tế, mậu dịch Trung – Mỹ  ngày càng theo hướng không xác định, viễn cảnh đáng lo ngại là đang chuyển từ toàn cầu hóa sang vỡ vụn hóa; là chuyển từ cục diện hòa hợp trên các lĩnh vực đầu tư, chuyển nhượng kỹ thuật, lưu chuyển nhân tài giữa hai bên, sang cục diện không ngừng tách xa trong tương lai.

 

Cảnh báo nguy cơ: va chạm mậu dịch Trung – Mỹ gia tăng, phục hồi kinh tế toàn cầu bị đình trệ

Quan hệ Trung – Mỹ là mối quan hệ phức tạp nhất trên thế giới hiện nay. Va chạm mậu dịch Trung – Mỹ liên quan đến vấn đề pháp luật, vấn đề kinh tế mậu dịch và toàn cục quan hệ hai nước. Trong đó bất cứ lĩnh vực nào cũng cần phải tích lũy kiến thức lâu dài, cần phải có chuyên môn cao mới có thể đi sâu phân tích và bình luận được.

Đối với tôi (Cao Thiện Văn), khi nghiên cứu trong thời gian dài về thương nghiệp trong lĩnh vực vĩ mô kinh tế kinh tế thị trường tư bản, không có đủ tích lũy kiến thức về những mặt đó, đột nhiên gặp phải vấn đề này, bản thân tôi tựa hồ rất bỡ ngỡ.

Có một dịp quan trọng là vào đầu năm nay, nhận lời mời của Diễn đàn 40 nhân sỹ giới tiền tệ Trung Quốc (CF40), tôi cùng họ tiến hành một chuyến đi tới Washington. Trong chuyến đi này, tôi đã đến thăm các cơ quan nghiên cứu độc lập chủ yếu và những cơ quan quyết sách kinh tế Mỹ. Cũng trong chuyến đi này chúng  tôi thấy việc Mỹ quyết sách tiến hành chiến tranh thương mại đánh Trung Quốc đã đi đến giai đoạn cuối cùng, Nhận thức chung của mọi người không phải là liệu có xảy ra một cuộc xung đột mậu dịch không, mà là quan tâm xem Trung Quốc sẽ phản kích thế nào.

Thế nhưng, khi xuất phát từ Bắc Kinh, tôi đã lưu ý thấy truyền thông và các quan chức trong nước đã công khai cho thấy có vẻ họ không hề chuẩn bị tư tưởng cho va chạm mậu dịch hay cuộc chiến tranh thương mại đã cận kề. Mọi người phổ biến cảm thấy quan hệ Trung – Mỹ tuy không phải là tốt, nhưng về tổng thể vẫn có thể quản lý và ở trong quỹ đạo bình thường.

Điều này khác hẳn những tình hình và thông tin chúng tôi thấy được ở Washington và mặc dù hiện nay tiêu điểm của báo chí và dư luận Trung Quốc đều tập trung vào vấn đề thuế quan và mậu dịch, nhưng thực tế khi đó ở Washington chúng tôi đã thấy một loạt hành động mà Mỹ ra tay với Trung Quốc lần này rõ ràng không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế.

Quốc hội Mỹ gần đây đang tiến hành một loạt cuộc biện luận về Ủy ban đầu tư nước ngoài Mỹ (Committee on Foreign Investment in the United States – CFIUS) và đang tiến hành hàng loạt sửa đổi quan trọng về dự luật đầu tư của công ty nước ngoài tại Mỹ. Các cơ quan nghiên cứu và quan chức Mỹ đều không giấu diếm: những sửa đổi của CFIUS đều nhằm vào Trung Quốc. Ngoài CFIUS, trong một số lĩnh vực nhạy cảm khác trong quan hệ Trung – Mỹ, trên thực tế Mỹ đều có hành động đụng chạm đến lằn ranh giới hạn của Trung Quốc, ví dụ việc ban hành Luật du lịch Đài Loan chẳng hạn.

Những điều đó hoàn toàn khác với những thông tin về va chạm giữa hai nước Trung – Mỹ chủ yếu là thuế quan mà chúng tôi biết được qua báo chí khi còn ở trong nước. Về nguyên nhân, chúng tôi xin thảo luận trên một số vấn đề cơ sở nhất trong quan hệ mậu dịch Trung – Mỹ sau:

1.    Nguồn gốc va chạm mậu dịch quốc tế (……)

2.    Nhìn lại lịch sử phát triển mậu dịch toàn cầu (…….)

3.    Hệ thống quản lý kinh tế toàn cầu lấy Mỹ làm trung tâm (…….)

4. Thời đại G2, nguyện vọng và năng lực của Mỹ tiếp tục duy trì hệ thống quản lý kinh tế toàn cầu đều đang suy giảm

Hiện nay toàn cầu đã bước vào thời đại G2. Đến sau năm 2030, tổng lượng kinh tế Trung Quốc sẽ lớn hơn Mỹ, sự thay đổi đó tựa hồ không thể đảo ngược được. Ảnh hưởng quan trong nhất của việc thế giới bước vào thời đại G2 là: cả nguyện vọng và năng lực của Mỹ đối với việc tiếp tục duy trì hệ thống quản lý kinh tế toàn cầu hiện nay đều đang suy giảm, chí ít là về giới hạn.

Trung Quốc có cách nghĩ độc đáo về hệ thống quản lý kinh tế toàn cầu hiện nay và ở mức độ nhất định cũng có năng lực, chí ít là có thể thay đổi về giới hạn thực tế. Ví dụ: lập Ngân hàng đầu tư phát triển châu Á, ra chiến lược “một vành đai, một con đường”, quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ…đều muốn thay đổi hệ thống quản lý kinh tế toàn cầu, chí ít là về giới hạn.

TS. Cao Thiện Văn. (Ảnh: Internet)
 TS. Cao Thiện Văn. (Ảnh: Internet)

Cho nên cốt lõi của xung đột Trung – Mỹ là ở chỗ tổng lượng kinh tế Trung Quốc gần tương đương Mỹ; đặc biệt là chúng ta nhìn về tương lai 20 năm sau, tổng lượng kinh tế Trung Quốc sẽ còn lớn hơn Mỹ. Năng lực và nguyện vọng của Mỹ duy trì giới hạn đang giảm sút trong khi nguyện vọng và năng lực của Trung Quốc muốn thay đổi hệ thống này đang tăng lên; hơn nữa phương hướng thay đổi hệ thống quản lý của Trung Quốc rất khác phương hướng lạc quan nhất của người Mỹ.

Trong bối cảnh đó, đã xuất hiện một loạt vấn đề mà chúng ta đang nhìn thấy và sẽ tiếp tục tồn tại trong cuộc tranh chấp Trung – Mỹ suốt thời gian dài tới đây…  ….

Tôi cho rằng, lợi ích quốc gia của Mỹ có thể phân làm 3 tầng.

Tầng thứ nhất là bảo vệ hình thái ý thức, quan niệm giá trị và lối sống của Mỹ và mở rộng quảng bá ra phạm vi toàn cầu. Chính sách ngoại giao của Mỹ có mặt thực dụng, cũng có mặt lý tưởng, tóm lại là dao động giữa chủ nghĩa thực dụng và lý tưởng, nhưng phần lớn thời gian là thực dụng; nhưng khi thực dụng chiếm ưu thế thì sẽ biến thành lý tưởng…

Tầng thứ hai, là bảo đảm để Mỹ dẫn đầu, thậm chí là ưu thế mang tính áp đảo về kỹ thuật hạt nhân và sức mạnh quân sự. Chỉ khi Mỹ có được ưu thế đó thì họ mới có năng lực bảo vệ hình thái ý thức của họ và mới quảng bá được hình thái ý thức của họ.

Tầng thứ ba, là để thương gia Mỹ được tự do làm ăn trên phạm vi toàn cầu, được các nước đối xử công bằng, bảo đảm cho lợi ích của họ được bảo vệ đầy đủ. Lợi ích của thương gia Mỹ ở nước khác bị xâm hại thì có thể tìm đến lãnh sự quán hay hội kinh doanh Mỹ, chính phủ Mỹ sẽ đứng ra can thiệp, mục đích là đảm bảo cho thương gia Mỹ được đối xử công bằng ở đó. Nếu họ không được đối xử công bằng, thì Mỹ sẽ khuyên bảo chính phủ quốc gia đó; nếu không sẽ dùng phương pháp khác để trừng phạt hoặc trả thù.

 Sau khi đã hiểu về 3 tầng lợi ích này, chúng ta quay lại tranh chấp Trung – Mỹ trong cục diện G2 toàn cầu thì có thể nói rằng: trong 3 tầng đó, dưới con mắt người Mỹ, Trung Quốc đều đã hình thành những thách thức không thể xem thường đối với Mỹ.

Ở tầng thứ nhất, tức hình thái ý thức, người Mỹ cho rằng, với việc gia nhập WTO, kinh tế Trung Quốc ngày càng thị trường hóa và tăng trưởng rất nhanh, Trung Quốc sẽ trở nên ngày càng tiếp cận, tôn trọng và chấp nhận hình thái ý thức của Mỹ. Đó là điều bí mật được công khai của người Mỹ. Thế nhưng hiện nay giới tư tưởng chiến lược Mỹ bắt đầu nhận thấy, mặc dù kinh tế Trung Quốc sau khi gia nhập WTO ngày càng lớn mạnh, nhưng Trung Quốc không tiếp thụ và chấp nhận hình thái ý thức của Mỹ; trái lại, đang dần dần xa rời phương hướng mà Mỹ kỳ vọng. Điều này khiến họ cảnh giác, suy nghĩ lại và bắt đầu ảnh hưởng đến nhiều mặt trong chính sách đối với Trung Quốc.

Trong tầng thứ 2, tức bảo đảm kỹ thuật để Mỹ có được địa vị dẫn đầu và ưu thế áp đảo, Mỹ cũng đang bị thách thức mạnh mẽ. Chiến lược “Made in China 2025” liệt kê ra những ngành nghề mới, bao gồm người máy cơ khí, ô tô điện, hàng không…đều là liên quan đến kỹ thuật mới tương lai, là phương hướng chiến lược quan trọng nhất dẫn dắt kinh tế tăng trưởng.

Trong những lĩnh vực này, Mỹ có được những thứ của các nước khác trên thế giới và hy vọng tiếp tục có được ưu thế có tính áp đảo. Đó là cơ sở kỹ thuật để Mỹ có thể hùng mạnh. Nhưng Mỹ nhận thấy Trung Quốc thông qua chiến lược “Made in China 2025” đang dần dần nhanh chóng tăng tốc đuổi và thách thức ưu thế kỹ thuật của Mỹ; họ lo ngại Trung Quốc trong tương lai sẽ đạt được điểm này, cho nên bắt đầu tăng thuế, xem xét hạn chế đầu tư và chuyển nhượng kỹ thuật  quanh danh sách “Made in China 2025”, rồi hoạch định chính sách bao vây, chèn ép thêm.

Trong danh sách đó có những sản phẩm Trung Quốc căn bản không xuất khẩu sang Mỹ, ví dụ như nếu xuất máy bay loại lớn, Mỹ đánh thuế thì có thể hiểu được; nhưng Trung Quốc hãy còn chưa chế tạo được máy bay của mình thì Mỹ đã bắt đầu tăng thuế. Vì vậy trong tầng thứ 2, chiến lược “Made in China 2025” khiến lợi ích quốc gia Mỹ cũng bị Trung Quốc thách thức.

Trong tầng thứ 3, cũng là tầng thực dụng chủ nghĩa nhất, Trung Quốc cũng bắt đầu xâm nhập đe dọa và thách thức lợi ích thương mại của Mỹ. Ví dụ, điển hình là thái độ của các Hiệp hội thương nhân Mỹ và cả châu Âu đối với Trung Quốc cũng oán trách môi trường kinh doanh của Trung Quốc thay đổi; từ đó thúc đẩy chính phủ Mỹ đưa ra một loạt yêu cầu về chính sách với Trung Quốc, như cạnh tranh công bằng, bình đẳng, cùng có lợi…

Chế độ kinh tế Mỹ là một loại chế độ kinh tế tự do, chính phủ là người canh giữ cho thị trường, duy trì trật tự; công ty sản xuất gì, sản xuất bao nhiêu, dùng kỹ thuật gì sản xuất đều là việc của nhà tư bản và hệ thống ngân hàng, chính phủ không can dự vào. Kinh tế Mỹ, Anh đã hình thành, phát triển dưới mô thức đó trong mấy trăm năm qua.

Mô thức kinh tế thị trường của Trung Quốc là chế độ kinh tế thị trường dưới sự chủ đạo của chính phủ. Học giả Mỹ chụp cho Trung Quốc một cái mũ gọi là “Chủ nghĩa tư bản nhà nước”. Hai chế độ này (tức kinh tế thị trường và chính phủ giữ vai trò chủ đạo) rất không ăn nhập với nhau. Với việc kinh tế Trung Quốc về mặt kỹ thuật ngày càng phức tạp hóa, quy mô ngày càng rộng lớn, thì sự xung đột giữa hai bên sẽ ngày càng ác liệt./.

(Còn tiếp)