“Doanh nghiệp Việt ra hội nhập như đi trên cầu khỉ”

Tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu 2015 diễn ra vào sáng 28/7, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) ví doanh nghiệp Việt ra hội nhập như đi trên cầu khỉ, trên lưng là khối đá gánh nặng chi phí phải dò dẫm từng bước để không trượt chân rơi xuống sông.
“Doanh nghiệp Việt ra hội nhập như đi trên cầu khỉ”

“Hội nhập kinh tế không phải chuyện của ông Tuyển hay ông Khánh…”

Sau bài tham luận của Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển nêu ý kiến rằng, nội dung trong bản tham luận mặc dù đã khái quát đầy đủ, chính xác về hội nhập của Việt Nam nhưng thực chất không có điểm mới.

Ông Hồ cho biết, vấn đề TPP, AEC đang nóng, một loạt FTA Việt Nam với EU, Hàn Quốc… cần bàn tới tác động, ảnh hưởng cũng như giải pháp thực hiện, tận dụng cơ hội, không thể dũng cảm trong quyết tâm chính trị để cam kết mà chưa đủ dũng cảm thực thi.

Vị chuyên gia này cho rằng, vấn đề thực thi nằm chủ yếu ởdoanh nghiệp, sau đó là các cấp, ngành.

Đồng tình với những ý kiến được ông Hồ nêu ra song theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM lại cho rằng, nói doanh nghiệp bị động, không tích cực, không quan tâm đến hội nhập và yếu trong cạnh tranh có thể đúng nhưng hàon toàn chưa đủ.

"Doanh nghiệp hội nhập như đi trên cầu khỉ, trên lưng là khối đá gánh nặng chi phí, dò dẫm từng bước một để không trượt chân rơi xuống sông nên không thể nhìn xa vươn tới thị trường bên ngoài. Với hình ảnh này doanh nghiệp Việt Nam không thể hội nhập được. Vấn đề nền tảng là Nhà nước, Nhà nước có hội nhập không?", viện trưởng CIEM nhấn mạnh.

Ông Cung cũng cho rằng, toàn bộ hệ thống đang không chú ý đến hội nhập, coi hội nhập là chuyện của ông Trương Đình Tuyển, chuyện của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh (Bộ Công thương).

"Nhà nước về căn bản không thay đổi tư duy đứng bên trên doanh nghiệp, kiểm soát, quản lý doanh nghiệp bằng việc đồng hành cùng doanh nghiệp, Nhà nước vẫn đặt ra rào cản để quản lý và tôi cảm nhận bộ máy chúng ta "nghiện" quản lý", ông Cung chỉ thẳng.

Cuối cùng, ông Cung cho biết, việc thảo luận hội nhập không nên phê phán doanh nghiệp, vấn đề ở thể chế do đó nhà nước cần đổi mới để hội nhập.

Cũng về vấn đề này, ông Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới cho rằng, việc Việt Nam ký kết lên đến 15 Hiệp định thương mại, tương đương cường quốc kinh tế như Trung Quốc, cao nhất trong khối nước ASEAN là có vấn đề.

Việc hội nhập sâu trong bối cảnh khả năng cạnh tranh của nền kinh tế không theo kịp ông Lược dự báo, Việt Nam đối diện với cạnh tranh toàn cầu, không chỉ doanh nghiệp mà quan trọng hơn là Chính phủ, thể chế.

"Thể chế và điều hành có vấn đề, doanh nghiệp không làm gì được. Chúng ta là bất cần nên chúng ta hội nhập phải đi liền với đổi mới, chú trọng hội nhập ký kết còn đổi mới bên trong lại chậm trễ quá", ông Lược cho hay.

Cũng theo ông Lược, hiện việc giảm thời gian làm thủ tục hải quan chỉ là chuyện nhỏ, khâu đột phá đầu tiên là thể chế giờ này chưa làm được bao nhiêu. Lãi suất cho vay vẫn lên đến 10% khiến doanh nghiệp Việt khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài vay lãi suất 3-4%?

Diễn đàn Kinh tế mùa Thu 2015 diễn ra sáng 27/8 tại Sầm Sơn (Thanh Hoá)

Tỷ giá tuy điều chỉnh tích cực nhưng Trung Quốc phá giá 5% ta mới phá giá 3%, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn bị ép giá, chưa nói so với toàn cầu, EU hiện cũng đang hạ giá đồng tiền đến 23%, Nhật Bản phá giá đồng Yên trong mấy năm qua lên đến 35%...

“Chúng ta nói ổn định nhưng thế giới không ổn định là không hợp lý. Chúng ta sẽ bị tổn thương. Chúng ta phải có hàng rào tỷ giá để bảo vệ, nhưng hàng rào này vô hiệu”, ông Lược bình luận.

Ngoài ra, ông Lược cũng nói về kinh nghiệm thu hút FDI của Singapore, đó là họ không coi đầu tư từ khu vực Châu Á là FDI, mà chỉ có đầu tư từ Châu Âu, Châu Phi mới là FDI. Vì thực tế, doanh nghiệp đầu tư từ Châu Á gần như không có chuyển giao công nghệ.

“Đã đến lúc Việt Nam tham gia vào việc đặt luật chơi”

Cũng tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu 2015, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng đã đến lúc Việt Nam không chỉ là người đi theo luật chơi do thế giới đặt ra mà cần phải bắt tay vào việc tham gia đặt luật chơi. Điều đó có nghĩa là Việt Nam cần phải cài người vào tổ chức quốc tế.

Theo ông Thành, câu chuyện chủ động hội nhập đằng sau là con người. “Chúng ta đặt câu hỏi, có phải chúng ta có hội nhập nhanh quá không so với đất nước?”

“Câu chuyện ở đây không phải là nhanh hay chậm mà thế giới là vậy. Nếu không hội nhập là chúng ta vẫn phải đối mặt với sự thay đổi. Chúng ta vẫn phải tham gia cuộc chơi với những nguyên tắc như vậy. Vì vậy, chúng ta phải thay đổi phải bắt kịp với thế giới. Tuy nó xa, sâu hơn đấy nhưng mà cần thiết, đây là các luật chơi mà thế giới đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Thành bình luận.

Ông Thành thừa nhận, chúng ta tham gia hội nhập không chỉ là linh vực kinh tế mà còn gắn với văn hóa chính trị.

“Chuyển đổi về thể chế là chuyển đổi gắn với tất cả các lĩnh vực. Điều này vô cùng khó với Việt Nam, tất cả các Hiệp định tự do mà Việt Nam tham gia gắn với 4 vấn đề, đó là hàng hóa Việt Nam sẽ dễ dàng hơn trong hoạt động giao thương, điều tiết kinh tế Việt Nam, kết nối PPP và hợp tác. Hiểu cho sâu các vấn đề là chưa đủ. Như vậy, con người Việt Nam tôi đặc biệt lo ngại không phải là doanh nghiệp mà là công chức nhà nước”, ông Thành bình luận.

Ông Thành ví dụ hội nhập Việt Nam có thể chết đến 100.000 doanh nghiệp, nhưng sẽ mọc ra 200.000 doanh nghiệp khác nhưng còn 100.000 công chức Việt Nam thì đố đuổi được.

“Đây là vấn đề cần phải thay đổi về công chức. Đó là vấn đề đào tạo nhân sự cần phải rõ ràng. Doanh nghiệp khi tham gia hội nhập có thị trường dẫn dắt bằng các nguyên tắc, nhưng con người công chức thì ai điều chỉnh? Đó là tính ì lớn trong việc tham gia hội nhập”, ông Thành bình luận.

Theo Bizlive