Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, Việt Nam hiện đang nói quá nhiều về Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong khi báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới lại xếp Việt Nam vào nhóm các nước không sẵn sàng với cuộc cách mạng này. Trong khi đó, ngay tại các nước phát triển thì khái niệm thường được nói đến cũng chỉ là kinh tế số.
TS Phạm Thị Thu Hằng – Chủ tịch Hội đồng khoa học của VCCI, Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp cho biết, kinh tế số và các mô hình kinh doanh phi truyền thống đang ngày càng tạo thêm nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình đưa các mô hình kinh doanh mới này vào cuộc sống vẫn còn những khó khăn nhất định do yêu cầu phải hoàn thiện khung pháp lý để quản lý các hoạt động kinh doanh, đảm bảo tính công bằng cũng như quyền lợi của khách hàng.
Vì thế, VCCI khuyến nghị với các cơ quan nhà nước cần nghiên cứu, ban hành chính sách để giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp nhằm nâng cao sức cạnh tranh; Xây dựng chính sách cạnh tranh quốc gia trên cơ sở đảm bảo cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh trong nước, nhất là khi ngày càng có nhiều mô hình cạnh tranh phi truyền thống xuất hiện; Có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tận dụng những cơ hội do nền kinh tế số mang lại. VCCI cũng đề nghị các doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược kinh doanh một cách linh hoạt, nhanh chóng nắm bắt các xu thế mới của công nghệ số để tạo lợi thế cạnh tranh, tăng cường liên kết để phát triển chuỗi cung ứng thông minh.
Trong phần thảo luận của diễn đàn, ông Nguyễn Đăng Minh – Chủ tịch hội đồng tư vấn Viện Quản trị Tinh gọn GMK cho biết, quản trị như thế nào cho hiệu quả và phát huy mọi nguồn lực đã và đang là vấn đề tồn tại với không ít doanh nghiệp tại Việt Nam. Ông cũng cho biết một thực tế là doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu tư duy làm ra sản phẩm thật tốt mà vẫn đang nghĩ quá nhiều đến lợi nhuận. Ông Trần Thành Nam – Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ và Dịch vụ Moca, một startup trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) thì cho biết, các dịch vụ mới ở Việt Nam như fintech hiện mới thu hút chủ yếu của nước ngoài trong khi các doanh nghiệp lớn ở trong nước thường giành mối quan tâm đến bất động sản, chuỗi nhà hàng đồng thương hiệu… Tuy nhiên, tương lai của fintech tại Việt Nam là rất lớn nhất là phần đông dân chúng đã dùng điện thoại thông minh (smartphone) và mọi thanh toán của họ đều có thể thực hiện qua phương tiện này. Trong khi đó, ông Dương Anh Đức – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần VNET lại đề cập đến việc siết chặt thanh toán bằng thẻ cào điện thoại mới đây với các dịch vụ thương mại điện tử khiến các dịch vụ này bị giảm tới 90% doanh số.
Bà Trần Thị Hồng Minh – Cục trưởng Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cho biết, thông tin dữ liệu là rất quan trọng với hoạt động của doanh nghiệp. Từ năm 2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp thống nhất chung trong cả nước. Những thông tin này không chỉ quan trọng với hoạt động quản lý của nhà nước mà cũng là rất cần với chính hoạt động của doanh nghiệp để tìm kiếm đối tác, hợp tác kinh doanh… Cũng chính vì thế, các doanh nghiệp cần đồng hành cùng thực hiện Chính phủ Điện tử, tận dụng mọi cơ chế và phương tiện “Tạo thuận lợi hóa thương mại” như Cơ chế Hải quan một cửa, đăng ký kinh doanh và nhận thông tin trực tuyến; Kê khai và quyết toán thuế, bảo hiểm qua Internet; sử dụng hóa đơn điện tử…
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu