Doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư bán hàng trên mạng xã hội thay vì website

VietTimes -- Trong giao dịch thương mại điện tử doanh nghiệp với người dùng (B2C), có 43% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đã xây dựng website, giảm nhẹ so với con số 45% của cuộc khảo sát năm 2016. Ngược lại, tỷ lệ doanh nghiệp đang tiến hành kinh doanh trên mạng xã hội trong những năm gần đây lại tăng lên.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Đây là một trong những thông tin được công bố tại khảo sát về hoạt động thương mại điện tử của các doanh  nghiệp  tại Việt Nam do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) thực hiện trong 3 tháng  từ tháng 9 - 11/2017 tại gần hơn 4.100 doanh nghiệp trên cả nước.

Kết quả khảo sát của VECOM cho thấy, trong giao dịch thương mại điện tử doanh nghiệp với người dùng (B2C), có 43% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết đã xây dựng website. Tỷ lệ này giảm nhẹ so với con số 45% của cuộc khảo sát năm 2016. Tuy nhiên, khảo sát mới của VECOM chỉ ra rằng, năm 2017 các doanh nghiệp đã chú trong hơn đến việc cập nhật thông tin thường xuyên trên website, với 49% doanh  nghiệp cập nhật thông tin lên website hàng ngày và 25% doanh nghiệp cập nhật hàng tuần.

Về hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội, khảo sát thực hiện cuối năm 2017 của VECOM cho thấy, kinh doanh trên mạng xã hội đang là một  xu hướng thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể  và cá nhân trong vài năm trở lại đây. Cụ thể, 32% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ đang tiến hành kinh doanh trên mạng xã hội, cao hơn so với tỷ lệ 28% của năm 2015 nhưng lại giảm nhẹ (2%) so với kết quả khảo sát năm 2016.

Bên cạnh mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử là một công cụ hữu ích với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy nhiên xu hướng sử dụng các sàn giao dịch tỏng vài năm trở lại đây chưa có dấu hiệu thay đổi: năm 2017 có 11% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã triển khai kinh doanh các sàn thương mại điện tử, giảm một chút so với năm 2016 (tỷ lệ này trong cả 2 năm  trước đều là 13%).

Đáng chú ý, về hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên nền tảng di động, VECOM cho rằng năm 2015 đã đánh dấu sự bùng nổ mạnh mẽ của xu hướng thương mại di động. Song song với sự phát triển của hạ tầng di động, các doanh nghiệp đã đầu tư nhiều hơn vào hoạt động kinh doanh trên nền tảng mới này, từ khâu nâng cấp website tương thích với thiết bị di động tới việc phát triển các ứng dụng. 

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát mới được VECOM công bố, năm 2017 vừa qua, xu hướng này có vẻ chững lại với tỷ lệ website tương thích với thiết bị di động không tăng, chiếm 17% tổng số doanh nghiệp được khảo sát, giảm 2% so với năm 2016 và giảm tới 9% so với năm 2015.

“Có thể thấy nhiều doanh nghiệp chưa thực sự thấy hiệu quả từ nền tảng này và nhu cầu mua sắm trên nền tảng di động chỉ phù hợp với những thành phố phát triển như Hà Nội và TP.HCM, còn xét trên tổng thể cả nước thì mức độ phát triển chưa cao và chưa đồng đều”, VECOM nhận định.

Cùng với đó, theo kết quả khảo sát, tên miền “.VN” được doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn hàng đầu khi xây dựng website với tỷ  lệ 47% doanh nghiệp lựa chọn, tiếp đến là tên miền “.COM” với tỷ lệ 42%. Các tên miền quốc tế khác được doanh nghiệp lựa chọn sử dụng thấp hơn nhiều.