Tại hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm 2015 và dự báo” diễn ra vào sáng nay (30/6), ông Ngô Trí Long đã dành nhiều thời gian trong bài phát biểu của mình để phân tích về những bất cập trong điều hành giá xăng dầu, điện thời gian qua.
Theo ông Long, chỉ số giá tiêu dùng CPI 6 tháng đầu năm chỉ tăng 0,55% so với tháng 12/2014 là mức tăng thấp nhất trong 14 năm trở lại đây, từ tháng 3 đến tháng 6 chỉ số giá tiêu dùng đều tăng nhưng mức tăng thấp, riêng tháng 6 tăng cao nhất 0,35%.
Ông Long nhấn mạnh điểm đáng chú ý là CPI tăng giá gần đây đều xuất phát từ nhóm hàng thuộc diện nhà nước định giá (điện, xăng dầu, dịch vụ y tế).
Cụ thể, giá xăng tăng 1.200 đồng/lít và ngày 20/5, và chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 1,52% do nắng nóng đẩy nhu cầu điện tăng lên. Giá dịch vụ y tế tại TP.HCM được điều chỉnh tăng từ 1/6 làm chỉ số giá dịch vụ y tế cả nước tăng 0,43% so với tháng trước góp phần làm CPI cả nước tăng khoảng 0,02%.
Ông Long cho rằng, giá điện hiện đang được điều hành một cách không minh bạch. EVN luôn so sánh đầu ra với các nước khác trong khu vực nhưng đầu vào thấp, lương không cao bằng…
Vị chuyên gia này dẫn chứng, Malaysia, Singapore… là những nước sản xuất điện bằng dầu do đó giá đắt, trong khi Việt Nam thuỷ điện giá rẻ nhưng giá điện lại xấp xỉ nhau.
Ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính) phát biểu tại hội thảo. Ảnh: N.Thảo
“Từ 16/3 giá điện bình quân tăng lên theo cách tính luỹ tiến có lợi cho “nhà đèn”, hoá đơn tiền điện có những hộ gia đình đã tăng gấp 8 lần so với tháng 5, có gia đình đi vắng 2 tháng nhưng hoá đơn tăng gấp đôi. Giá điện cần một cuộc đại phẫu”, ông Long nhấn mạnh.
Cũng theo ông Long, hiện giá điện đã theo giá thị trường mang đặc thù của một sản phẩm độc quyền điều này phủ định ý kiến trước đây được đưa ra bởi Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết giá điện năm 2016 sẽ theo giá thị trường.
Về mặt hàng xăng dầu, ông Long cho rằng, xăng dầu đang theo giá thị trường do nhập khẩu tới 70% xăng dầu thế giới nhưng so sánh thuế phí của Việt Nam đang ở mức quá cao.
Ông Long cũng nhắc lại cam kết trước đây của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khẳng định thuế môi trường tăng không ảnh hưởng đến giá xăng dầu bán lẻ nhưng trên thực tế, điều chỉnh thuế môi trường đã ảnh hưởng đến giá bán lẻ xăng dầu ở mức khoảng 300 đồng.
Ngoài ra, ông Long cũng nhắc đến mặt hàng sữa, một trong số những mặt hàng bình ổn giá nhưng lại là mặt hàng “bất ổn”. Nếu so sánh với Indonesia giá sữa của Việt Nam đang cao hơn 60%.
Theo Bizlive