Hồi tuần trước, một quan chức trong chính phủ Ấn Độ công bố, bắt đầu từ cuối tháng 4, iPhone của Apple sẽ bắt đầu được lắp ráp tại thành phố Bangalore của quốc gia này. Đây là một trong những nỗ lực của Apple nhằm tăng thị phần tại Ấn Độ. "Táo khuyết" cũng đang cố gắng để giành lấy các thị trường mới nổi khác nhằm vực dậy doanh thu iPhone nói chung, smartphone nói riêng đang trên đà tụt giảm. Tuy nhiên, nỗ lực là một phần, còn kết quả ra sao có thể lại là câu chuyện khác - khi mà smartphone ở các nước đang phát triển đang phải đối mặt với một đối thủ ít ai ngờ đến: điện thoại cơ bản (feature phone).
Điện thoại cơ bản là những chiếc điện thoại đơn giản, chỉ có màn hình nhỏ và được thiết kế chủ yếu cho việc gọi điện, nhắn tin. Nó giống với những chiếc điện thoại Nokia hay Motorola mà bạn từng sở hữu cách đây nhiều năm. Chỉ là, trong thời gian qua những chiếc điện thoại này đã có nhiều cải tiến ấn tượng, giúp chúng bỗng nhiên trở thành kẻ thách thức Apple cũng như các công ty sản xuất smartphone khác trên thế giới.
Điện thoại iTel của Trung Quốc
Theo thống kê, sau nhiều năm tụt giảm, lượng điện thoại xuất xưởng trên toàn cầu đã tăng 2 quý liên tiếp. Đáng chú ý, tăng trưởng tại các thị trường mới nổi là rất ấn tượng: ở châu Phi, trong quý II/2016, lượng điện thoại cơ bản xuất xưởng tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Trong thời gian này, lượng xuất xưởng smartphone ở châu Phi giảm 5,2%. Xu hướng này dự kiến sẽ còn tiếp tục vì một số nguyên nhân.
Một lợi thế rõ ràng của điện thoại cơ bản là giá bán. Cuối 2016, giá bán smartphone trung bình trên toàn thế giới là 256 USD, trong khi con số này của điện thoại cơ bản chỉ bằng 19,30%. Ở các thị trường mới nổi, nơi người dân có bằng cấp cũng chỉ thường có được mức thu nhập chưa đầy 10.000 USD/năm, họ không có nhiều lựa chọn khi mua điện thoại. Đó là chưa kể, nếu dư giả 256 USD, người dùng chưa chắc đã dùng nó để mua smartphone. Họ có thể tìm mua các hàng công nghệ đã qua sử dụng vốn cung cấp nhiều lựa chọn tốt hơn. Ví dụ như tại Ghana, với 256 USD bạn có thể mua được một chiếc máy tính để bản chip Pentium III, một màn hình phẳng, một đĩa vệ tinh và một hộp giải mã để xem lậu các kênh truyền hình vệ tinh.
Một yếu tố khác là thời lượng pin. Ở nhiều thị trường mới nổi vốn có dịch vụ điện có thể bị chập chờn, thì những chiếc smartphone phải sạc pin hàng ngày sẽ bị yếu thế so với điện thoại cơ bản vốn có pin có thể lên tới cả tuần. Ở Tây Phi, rất nhiều người dùng smartphone luôn mang theo bên mình 1 chiếc điện thoại cơ bản "sơ cua" nhằm tránh bỏ lỡ tin nhắn hay cuộc gọi quan trọng do smartphone hết pin.
Một yếu tố quan trọng không kém đó là, hầu hết người dùng ở các nước đang phát triển lựa chọn hình thức trả trước để thanh toán phí sử dụng dữ liệu cũng như cuộc gọi. Điều này khiến những chiếc smartphone vốn thường rất tiêu tốn dữ liệu gặp bất lợi lớn khi cạnh tranh với điện thoại cơ bản.
Cùng lúc đó, các công ty sản xuất điện thoại cơ bản đang có những cải tiến cả về phần cứng lẫn dịch vụ. Hãng iTel của Trung Quốc là một ví dụ. Công ty này ra mắt một dịch vụ chuyển giọng nói thành text hứa hẹn sẽ rất hấp dẫn với hàng trăm triệu người dùng mù chữ hay khiếm thị và có thu nhập thấp. Công ty Zync của Ấn Độ thì vừa giới thiệu 6 điện thoại cơ bản mới với nhiều khe cắm SIM giúp người dùng tiết kiệm chi phí cho các cuộc gọi, hay sử dụng những số di động riêng cho cuộc sống cá nhân và công việc. Hãng Reliance Jio Infocomm thì đang phát triển một mẫu điện thoại cho phép gọi điện miễn phí qua mạng LTE tương tự Skype nhưng giá bán chỉ chưa tới 20 USD.
Tuy nhiên, cách tân mới nhất của điện thoại cơ bản có lẽ chính là hệ thống thanh toán di động mới có yêu cầu cực kỳ đơn giản: máy chỉ cần nhắn được tin nhắn. Người dùng chỉ cần mua tiền gửi ngân hàng (credit) tại 1 ngân hàng hay trung tâm dịch vụ, rồi chuyển tiền qua tin nhắn hay bên bán hàng. Với gần 2 tỷ người trên thế giới đang không được sử dụng các dịch vụ tài chính cơ bản, đây có thể là lợi thế lớn của những chiếc feature phone. Dịch vụ M-Pesa của hãng Kenya vốn cho phép chuyển tiền qua SMS, có khoảng 19 triệu người dùng với số tiền giao dịch hàng ngày lên tới 140 triệu USD. Tại Ấn Độ, chính phủ nước này đang xem xét thúc đẩy các dịch vụ chuyển tiền như vậy để khắc phục cơn khủng hoảng phi tiền tệ hoá (demonetization) của quốc gia.
Với các công ty smartphone, điều này sẽ khiến họ gặp khó khăn. Một số nhà phân tích ở Ấn Độ dự đoán doanh số smartphone sẽ tụt giảm trong năm nay. Các thương hiệu điện thoại cơ bản hàng đầu thậm chí đã bắt đầu tự ra mắt những mẫu smartphone giá rẻ của riêng mình, với hy vọng rằng lượng khách hàng lớn đang dùng feature phone sẽ tìm tới smartphone của một thương hiệu mà họ đã quen thuộc. Bởi vậy, bước tiến lớn tiếp theo trong công nghệ di động có thể sẽ không được quyết định bởi các nhà thiết kế tại Mỹ hay Hàn Quốc, là được quyết định bởi nhu cầu của người dùng ở quốc gia mới nổi. Lúc này, điện thoại cơ bản mới chính là tương lai của mobile chứ không còn là smartphone nữa.
Theo ICTNews (nguồn Bloomberg)