Việt Nam và Lào thúc đẩy hợp tác công nghệ thông tin và truyền thông
Chiều 1-11, tại thủ đô Viêng chăn đã diễn ra Cuộc họp lần thứ nhất Nhóm Công tác chung Việt Nam - Lào về hợp tác trong lĩnh vực CNTT-TT giữa Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Bộ Bưu chính và Viễn thông Lào.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn khẳng định, thời gian qua, ngành thông tin và truyền thông Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò quan trọng, vừa là ngành kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật dịch vụ, vừa là ngành kinh tế - xã hội đã giữ vững tốc độ phát triển nhanh chóng, bền vững, góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Bộ trưởng Bưu chính và Viễn thông Lào Thansamay Kommasith cho biết, Chính phủ Lào đánh giá cao vai trò quan trọng của ngành CNTT-TT; khuyến khích CNTT-TT vào mọi lĩnh vực để phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập khu vực, nhất là trong Cộng đồng ASEAN.
Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Bộ Bưu chính Viễn thông Lào đánh giá cao sáng kiến chung trong việc thành lập Nhóm công tác chung Việt Nam - Lào về hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông; khẳng định, các chương trình và hoạt động hợp tác trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và CNTT giữa hai nước ngày càng được mở rộng và đạt hiệu quả trên thực tế, góp phần vào việc làm sâu sắc mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.
Kết thúc cuộc làm việc, hai bộ trưởng đã ký biên bản Cuộc họp lần thứ nhất Nhóm Công tác chung Việt Nam - Lào về hợp tác trong lĩnh vực CNTT-TT. Đây là cơ sở để xây dựng và thực hiện các chương trình hợp tác cụ thể giữa hai nước trong giai đoạn tới. (Nhân Dân điện tử 1/11/2017)
VCCI cho rằng bắt Google, Facebook đặt máy chủ ở Việt Nam là “trái cam kết quốc tế”
Dự thảo Luật An ninh mạng do Bộ Công an xây dựng vừa nhận được góp ý từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với nhiều ý kiến không tán đồng với nội dung cơ quan soạn thảo đưa ra.
Trong văn bản góp ý của VCCI gửi Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội mới đây, VCCI phản ứng khá mạnh về Khoản 4 Điều 34 trong Dự thảo Luật An ninh mạng trong nội dung yêu cầu doanh nghiệp (DN) nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng tại Việt Nam.
VCCI cho rằng, điều kiện này hiện trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Đồng thời, nếu quy định này bắt buộc DN thì họ sẽ phải đầu tư hệ thống máy chủ khổng lồ tại Việt Nam mới có thể được kinh doanh.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng: Trong cam kết của WTO mà Việt Nam tham gia cuối năm 2006, dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới là không hạn chế tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp cụ thể nhưng trong các trường hợp loại trừ đó không quy định phải có cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam. Cam kết trong EVFTA mà Việt Nam đã ký kết cũng tương tự.
"Như vậy, quy định về việc đặt cơ quan đại diện tại Việt Nam tại khoản 4 Điều 34 của Dự thảo là trái với cam kết WTO và EVFTA của Việt Nam", Văn bản gửi Uỷ ban Quốc phòng – An ninh của VCCI cho biết.
Ngoài WTO, EVFTA, VCCI cũng dẫn chiếu quy định về Thương mại điện tử tại Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được Việt Nam ký kết tháng 02 năm 2016, trong đó đề cập: "Không Bên nào yêu cầu đối tượng áp dụng được sử dụng hoặc lựa chọn địa điểm lắp đặt các cơ sở hạ tầng CNTT trong phạm vi lãnh thổ của bên mình để xem đó như là điều kiện để triển khai công việc kinh doanh trong lãnh thổ đó".
VCCI cho hay: "Mặc dù TPP chưa được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn nhưng Việt Nam và 10 nước còn lại trừ Hoa Kỳ vẫn tiếp tục đàm phán để đưa ra quyết định cuối cùng. Do đó, VCCI cho rằng cần hết sức cân nhắc và không nên đặt ra quy định pháp luật trong nước đi ngược lại hướng của TPP". (Dân Trí 2/11/2017)
Ấn định mốc chuyển đổi hóa đơn điện tử
Tổng cục Thuế đang tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã số xác thực của cơ quan thuế trên phạm vi cả nước. Theo ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, nhằm đẩy mạnh việc triển khai hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã số xác thực theo hướng bắt buộc trên diện rộng, Tổng cục Thuế đã báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ đề xuất sửa đổi Nghị định 51/2013 về hóa đơn.
Theo đó, từ năm 2018, doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh mới thành lập không đặt in hóa đơn. Cơ quan thuế đặt in hóa đơn hoặc tự in hóa đơn để bán/cấp trong một số trường hợp. Bộ Tài chính căn cứ tình hình thực tế quy định một số trường hợp sử dụng Hóa đơn đặc thù là tem, vé, thẻ in sẵn.
Theo lộ trình, những hóa đơn do tổ chức đã đặt in trước ngày 01/01/2018 thì được tiếp tục sử dụng trong năm 2018 và Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế.
Nghị định cũng mở rộng đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử, đối với doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế sử dụng từ 01/01/2018. Đối với các tổ chức kinh doanh có mã số thuế trước 2018 sử dụng hóa đơn tự in từ hệ thống máy tính từ ngày 01/7/2018 sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực hoặc hóa đơn điện tử do doanh nghiệp tự phát hành nếu đáp ứng đủ điều kiện. Đối với doanh nghiệp, đang mua hóa đơn của cơ quan thuế, từ ngày 01/7/2018 sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. Doanh nghiệp trước 2018 sử dụng hóa đơn đặt in, trong năm 2018 tiếp tục sử dụng hóa đơn đặt in và Tổng cục Thuế có giải pháp chuyển đổi dần sang áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. (Diễn đàn Doanh nghiệp 3/11/2017)
Mở rộng ứng dụng mã số mã vạch hàng hóa
Ngày 2/11, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả ứng dụng mã số mã vạch (MSMV) đối với các sản phẩm, hàng hóa trong siêu thị Việt Nam”.
Theo ông Trần Văn Vinh - Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, công nghệ MSMV được đưa vào ứng dụng tại Việt Nam từ năm 1995 và được Chính phủ giao cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động này. Hiện MSMV là công cụ tạo thuận lợi cho hoạt động quản lý tự động của đa ngành, đặc biệt MSMV được ứng dụng trong chuỗi cung ứng đem lại hiệu quả cho hoạt động quản lý bán hàng tại siêu thị, quản lý xuất nhập tại các kho và trung tâm phân phối... Ứng dụng MSMV trong chuỗi cung ứng đã tạo nên phương thức bán hàng văn minh, đáp ứng khách hàng hiệu quả, hàng hóa lưu thông thông suốt, giảm lao động thủ công, đem lại lợi ích cho tất cả các bên.
Ghi nhận thực tế trên thị trường cho thấy, phần lớn các siêu thị đều quan tâm đến công tác MSMV trong mua bán hàng hóa, đưa thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng. Hiện trên thị trường nhiều đơn vị tư nhân đã sử dụng máy quét mã sản phẩm. Tuy nhiên, trong tương lai các cơ quan chức năng cần chủ động đầu tư hệ thống máy quét, máy in đồng bộ, để quản lý chặt chẽ, dễ dàng hơn.
Ông Phạm Ngọc Hùng - Phó chủ tịch Quỹ Chống hàng giả Việt Nam nêu ý kiến, hiện nay các cơ quan chức năng đang rất vất vả trong thực thi công tác chống hàng giả, gian lận thương mại, buôn lậu… Nếu việc ứng dụng MSMV được triển khai đồng bộ cho nhiều loại sản phẩm hàng hóa trên địa bàn cả nước, sẽ tạo sự liên kết có hệ thống, quản lý chặt chẽ, quy củ hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí phát sinh. (Thời báo Tài chính Việt Nam 2/11/2017)
Xuất khẩu trực tuyến trong kỷ nguyên số
Nhằm góp phần thay đổi ngành xuất khẩu Việt Nam, Tập đoàn Novaon và Alibaba cùng khởi xướng chương trình "1.000 doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến tiên phong” vào tuần 1 tháng 10 vừa qua. Chương trình đã thu hút hơn 200 doanh nghiệp quan tâm đăng ký chỉ sau 3 tuần.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương nhận định, “Tôi tin rằng sự kết hợp giữa bề dày kinh nghiệm của Novaon và sức mạnh của các nền tảng toàn cầu Google, LinkedIn, Alibaba sẽ đưa tới cho cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam một giải pháp tổng thể về xuất khẩu trực tuyến hiệu quả cao. Tôi hoàn toàn ủng hộ và đồng hành để Chương trình 1.000 doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến tiên phong thành công”.
Đánh giá về lợi ích của xuất khẩu trực tuyến, ông Trần Xuân Thủy - Giám đốc thị trường Việt Nam, Tập đoàn Alibaba cho biết, với hơn 260 triệu thành viên tại 240 quốc gia trên thế giới, Alibaba.com tự hào là website B2B về xuất nhập khẩu lớn nhất thế giới. Thông qua Chương trình 1.000 doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến tiên phong, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ tối đa từ chúng tôi để sử dụng hiệu quả nền tảng toàn cầu số 1 về xuất nhập khẩu này.
Với cam kết nỗ lực hết mình, Tập đoàn Novaon sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu trong chương trình “1.000 doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến tiên phong” ứng dụng thành công giải pháp tổng thể về xuất khẩu trực tuyến này tạo ra sự tăng trưởng đột phá. Cùng với sự ủng hộ của các cơ quan quản lý, các đơn vị truyền thông, điều này sẽ tạo ra sự lan tỏa tới cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu, góp phần thay đổi ngành xuất khẩu Việt Nam, ông Nguyễn Minh Quý - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaon khẳng định. (Công Thương 2/11/2017)
Sơ khảo "Sinh viên với an toàn thông tin 2017" sẽ diễn ra đồng thời tại 3 miền
Vòng thi Sơ khảo cuộc thi quốc gia “Sinh viên với An toàn thông tin 2017” sẽ được tổ chức đồng thời tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM vào ngày 4/11 tới. Dưới sự bảo trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Cuộc thi năm nay được Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) chủ trì, phối hợp với Cục Công nghệ thông tin – Bộ GDĐT tổ chức. Đây là năm thứ mười cuộc thi Sinh viên với An toàn thông tin được tổ chức tại Việt Nam.
Vòng Sơ khảo cuộc thi dự kiến diễn ra vào ngày 4/11/2017 đồng thời ở cả 3 khu vực gồm: miền Bắc, tổ chức tại Học viện Bưu chính viễn thông - Hà Nội, (cho các trường từ Hà Tĩnh trở ra Bắc); miền Trung, tổ chức tại Đại học Duy Tân - Đà Nẵng (cho các trường từ Quảng Bình đến Nha Trang và khu vực Tây Nguyên,) và miền Nam, tổ chức tại Đại học CNTT- ĐHQG TP.HCM, tại TP.HCM (cho các trường tại Đà Lạt, khu vực miền Đông và miền Tây Nam Bộ).
Cuộc thi năm nay thu hút sự tham gia của nhiều trường đại học, học viện trong cả nước, với 24 trường và 57 đội thi: Tại miền Bắc có 11 trường và 27 đội, miền Trung có 4 trường và 10 đội, miền Nam có 9 trường và 20 đội tham dự.
Trong vòng Sơ khảo, tất cả các đội sẽ thi thực hành trực tuyến về ATTT trong 8 tiếng. Đề thi được xây dựng theo hình thức Vượt qua thử thách theo chủ đề (jeopardy) tập trung vào 2 kỹ năng là tấn công và phòng thủ mạng máy tính.
Vòng thi chung khảo năm nay sẽ có mặt 10 đội xuất sắc nhất của 3 khu vực: Hai đội có thứ hạng cao nhất của vòng thi sơ khảo của từng khu vực cùng bốn đội có thứ hạng cao nhất trong số còn lại. Mỗi trường đại học không có quá 2 đội được vào dự vòng thi chung khảo.
Chung khảo cuộc thi quốc gia Sinh viên với An toàn thông tin 2017 sẽ được tổ chức vào ngày 18 tháng 11 tại Đà Nẵng. Ở vòng Chung khảo, các đội sẽ thi theo hình thức đối kháng: tấn công và phòng thủ trực tiếp trong thời gian 8 tiếng.
Lễ tổng kết, trao Bằng khen của Bộ GDĐT sẽ được tổ chức tại Hội thảo quốc tế “Ngày An toàn Việt Nam 2017” dự kiến vào ngày 1/12/2017 tại Hà Nội. (Viettimes 2/11/2017)
206 đội tuyển sẽ đọ sức tại vòng quốc gia thi lập trình sinh viên ACM/ICPC
Ngày 5/11, 206 đội tuyển sinh viên trên toàn quốc sẽ đọ sức tại vòng quốc gia Kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC để chọn ra gần 100 đội xuất sắc nhất tham dự vòng thi ACM/ICPC khu vực châu Á điểm thi TPHCM.
Ông Nguyễn Long – Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam, Giám đốc Kỳ thi ACM/ICPC Việt Nam cho biết, để khởi động cho kỳ thi lập trình sinh viên lớn nhất thế giới ACM/ICPC năm nay, Ban Tổ chức Kỳ thi ACM/ICPC Việt Nam tổ chức 3 vòng thi khu vực trong nước và 1 vòng thi quốc gia
Trong tháng 11 - 12/2016, một số đội tuyển mạnh của Việt Nam sẽ thi đấu tại các vòng thi Châu Á ở Jakarta (Indonesi), Nathan Pakhon (Hồng Kông), Manila (Philippines) và Yangon (Myanmar). 10 đội tuyển có vị trí xếp hạng tốt nhất tại các vòng thi khu vực Châu Á sẽ có mặt trong vòng thi chung kết toàn cầu ACM/ICPC tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào tháng 5/2018.
Từ khi tham gia kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC, sinh viên Việt Nam luôn có đại diện trong top 100 trường đại học có mặt tại vòng chung kết toàn cầu. Vòng chung kết kỳ thi ACM/ICPC toàn cầu vừa rồi, đội tuyển Linux đến từ Đại học Công nghệ Hà Nội đã tiếp tục duy trì vị trí Top 30 trong bảng xếp hạng toàn cầu.
“Ban Tổ chức ACM/ICPC Việt Nam nỗ lực tổ chức các vòng thi vùng, miền và quốc gia nhằm đưa các bạn trẻ yêu thích lập trình của Việt Nam dần hội nhập sâu với quốc tế và tạo sân chơi toàn cầu cho giới trẻ đam mê công nghệ thông tin Việt Nam. Các vòng thi trong nước là cơ hội luyện tập cho sinh viên Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc thi Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam và vòng thi ACM/ICPC khu vực châu Á điểm thi TP. Hồ Chí Minh sẽ được tổ chức từ ngày 5 - 8/12/2017 tại trường Đại học Sư Phạm TP. Hồ Chí Minh”, ông Nguyễn Long chia sẻ thêm. (ICT News 2/11/2017)
Viettel đạt 10 triệu người dùng nhắn tin nội mạng miễn phí
Sau hơn 2 năm ra mắt Mocha, nhân sự kiện Café Công nghệ ‘Mocha Big Update’ do Viettel Media tổ chức đã công bố, tính đến thời điểm hiện nay dịch vụ Mocha đã cán mốc gần 10 triệu người dùng.
Đầu tiên phải kể đến tính năng gọi điện nội mạng Viettel miễn phí áp dụng cho các thuê bao dùng SIM học sinh, sinh viên. Chức năng này gọi là Free Call out. Cần nhấn mạnh rằng đây không phải là gọi từ Mocha sang Mocha mà là gọi từ Mocha sang số điện thoại thông thường, máy người được gọi không cần có kết nối Internet, không cần cài Mocha.
Khi bấm nút gọi ai đó từ Mocha, sẽ có 2 lựa chọn là gọi từ Mocha sang Mocha (Free Mocha Call) hoặc gọi Free Call out. Free Call out và Free SMS out (nhắn tin nội mạng Viettel miễn phí) ra mắt trước đó là ưu đãi có 1 không 2 cho người dùng Mocha. Điều đặc biệt hơn nữa là các bạn học sinh, sinh viên thậm chí không mất tiền data 3G/4G khi truy cập ứng dụng này. Tức là máy hết tiền vẫn nhắn tin gọi điện cho bất kỳ ai dùng Viettel.
Cũng trong buổi Café Công nghệ ‘Mocha Big Update’, các khách mời đã được trải nghiệm các tính năng này qua sự dẫn dắt của Trần Xuân Vinh – anh chàng Youtuber chuyên review công nghệ, nổi tiếng với biệt hiệu Vinh Vật Vờ. Bên lề chương trình, Mocha cũng đã giới thiệu series phim học đường tình cảm hài hước ‘Người ở bên khi tôi 16’ do Mocha tài trợ sẽ ra mắt trong tháng 11 này. (Đại biểu Nhân dân 2/11/2017)
Vietcombank thay đổi cấu trúc mật khẩu truy cập dịch vụ E-banking
Nhằm tăng cường an toàn bảo mật trong việc sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng như tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/11, Vietcombank quyết định điều chỉnh dịch vụ VCB-IB@nking dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức.
Theo đó, thay đổi cấu trúc của mật khẩu truy cập dịch vụ như mật khẩu truy cập dịch vụ cần có độ dài từ 7 đến 20 ký tự, bao gồm: Các ký tự số, chữ hoa, chữ thường hoặc ký tự số, chữ và ký tự đặc biệt. Theo lý giải của Vietcombank, hiện tại mật khẩu của khách hàng chưa đáp ứng được điều kiện trên, Vietcombank sẽ có thông báo để khách hàng thực hiện đổi mật khẩu ngay trên giao diện màn hình sau khi khách hàng đăng nhập sử dụng dịch vụ.
Thời hạn hiệu lực của mật khẩu truy cập tối đa là 12 tháng kể từ ngày khách hàng đổi mật khẩu lần cuối.
Vietcombank lưu ý, sau khi truy cập dịch vụ, nếu khách hàng không thực hiện bất kỳ giao dịch nào trong vòng 5 phút, Vietcombank sẽ tự động ngắt phiên giao dịch; thời hạn hiệu lực của mã xác thực giao dịch một lần (OTP) là 5 phút đối với phương thức nhận OTP qua SMS, 2 phút đối với phương thức nhận OTP qua thẻ EMV – OTP và thiết bị eToken.
Ngoài ra, đối với riêng khách hàng cá nhân, Vietcombank sẽ ngừng cung cấp tính năng mở lại dịch vụ VCB – Mobile Banking trên kênh VCB – iBa@nking. (Thời báo Tài chính Việt Nam 2/11/2017)
Năm 2020, Hà Nội sẽ có 38 trạm quan trắc không khí
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định, TP Hà Nội đang chỉ đạo quyết liệt trong đầu tư, triển khai các dự án về môi trường. Trong đó, thành phố duy trì, duy tu 104 hồ điều hòa; xây dựng thêm các nhà máy xử lý nước thải...
Dự kiến, cuối năm 2019, toàn bộ nước thải của nội thành cơ bản được xử lý, góp phần cải thiện môi trường sông Tô Lịch, sông Nhuệ.
Cùng với đó, Hà Nội xử lý ô nhiễm 122 hồ nội thành; phối hợp với các sở, ngành xử lý bùn và ô nhiễm ở hồ Tây và hồ Hoàn Kiếm; đồng thời, lắp đặt 10 trạm quan trắc tự động không khí, 2 trạm quan trắc nước tự động (hồ Tây và hồ Hoàn Kiếm). Mục tiêu đến năm 2020, Hà Nội sẽ có 38 trạm quan trắc không khí theo quy hoạch đã được duyệt, nhằm kiểm soát chất lượng không khí trên địa bàn Thủ đô hiệu quả hơn. (Hà Nội mới 3/11/2017)
Phải đặt mục tiêu mỗi người dân Việt Nam có 1 chiếc điện thoại thông minh
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), chúng ta đã hoàn thành xong mục tiêu, mỗi người dân Việt Nam có một chiếc điện thoại di động, mục tiêu tiếp theo là mỗi người dân Việt Nam sẽ có một chiếc điện thoại di động thông minh. Đó sẽ không chỉ là phương tiện kết nối mà còn là công cụ để người dân giải trí, học tập và kiếm sống nữa. Và điều này cũng sẽ được thực hiện tại tất cả các thị trường của Viettel. Tương lai chúng ta muốn là sự bình yên cho con cháu chúng ta, bằng cách phải sản xuất được vũ khí chiến lược, vũ khí công nghệ cao, đủ sức răn đe và bảo bệ hòa bình lâu dài cho đất nước của chúng ta. Tương lai chúng ta muốn là một Viettel trường tồn để chúng ta và nhiều thế hệ con cháu chúng ta sẽ vẫn tiếp tục xây đắp tiếp ước mơ làm phẳng thế giới, kết nối con người với con người… Nhưng, chúng ta không ảo tưởng về nhiệm vụ phía trước của mình. Len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống bằng một cách làm khác biệt, cạnh tranh với những tên tuổi lẫy lừng trên thế giới, góp phần làm phẳng và bảo vệ thế giới. Không điều nào trong số này là dễ dàng. Nhưng, không điều gì có giá trị trong cuộc sống mà lại dễ dàng cả. Biện pháp tốt nhất để đảm bảo tương lai của chúng ta là tự tạo ra tương lai cho mình. (Đại Đoàn Kết 2/11/2017)
Thu phí đỗ xe qua điện thoại tại TPHCM: Vì sao người dân chưa mặn mà?
Sau Hà Nội, TPHCM cũng đã triển khai thí điểm thu phí đỗ xe qua điện thoại (với tên gọi My Parking), với mức phí 5.000 đồng/lượt. Tuy nhiên, sau hơn 10 ngày triển khai, người dân tỏ ra không mặn mà với hình thức này vì còn nhiều bất cập trong quá trình sử dụng.
Ông Võ Thành Hải, một khách đỗ xe cho hay, trong bối cảnh thiếu trầm trọng bãi đỗ xe ô tô khu vực nội đô việc sắp xếp các bãi đỗ xe có thu phí rất đáng hoan nghênh. Thế nhưng, do chưa quen dùng ứng dụng nên nhiều người vẫn lấy vé trả tiền trực tiếp. Chưa kể, khi đặt chỗ trước qua ứng dụng phải căn đúng giờ nếu không sẽ mất chỗ, trong khi với tình trạng đường sá thường xuyên tắc nghẽn như hiện nay thì giải pháp này không khả thi.
Một người sử dụng khác là anh Phạm Văn Trung cho biết, nhận ứng dụng thu phí qua điện thoại có nhiều điểm đáng ghi nhận như: Biết được tình trạng bãi đậu xe còn trống hay không, địa điểm bãi đỗ, vị trí xe trong bãi đỗ... Tuy nhiên, để nói tiện lợi thì thu phí truyền thống vẫn tin dùng hơn vì chỉ cần đến bãi đỗ xe trả tiền trực tiếp cho nhân viên thu vé là xong, không cần mất thời gian thực hiện các thao tác đặt chỗ, thanh toán tiền qua điện thoại.
Theo phản ánh của nhiều tài xế, những vị trí thực hiện thí điểm thu phí đỗ xe qua điện thoại có nhu cầu gửi xe dưới lòng đường rất lớn và luôn kín chỗ. Do đó, khi dùng ứng dụng đặt chỗ và thanh toán qua điện thoại, nếu giữ chỗ trống quá lâu sẽ khiến nhiều xe ở gần bãi đỗ có nhu cầu lại không được gửi, điều này cũng là một bất cập.
Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TPHCM, khi kết thúc thí điểm, Sở cùng với các đơn vị liên quan sẽ đánh giá chi tiết về mặt được và chưa được, sau đó sẽ có báo cáo UBND thành phố xem xét. “Việc triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý thu phí đỗ xe ô tô là cần thiết, làm cơ sở để xem xét mở rộng trên phạm vi toàn thành phố. Đây cũng là một trong những giải pháp tổng thể, đồng bộ và khả thi nhằm nâng cao công tác quản lý thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô, sắp xếp trật tự lòng lề đường và góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao thông”, ông Cường nêu rõ. (Hà Nội mới 2/11/2017)