"Dĩ bất biến, ứng vạn biến" để xây dựng nhà nước pháp quyền và nền ngoại giao tự chủ

"Dĩ bất biến, ứng vạn biến" là sự cô đúc tất cả tư tưởng, phương pháp, phong cách ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và được các thế hệ lãnh đạo của Đảng tiếp nối, vận dụng linh hoạt trong thời kỳ đổi mới.

anh-1-6048.jpeg
Buổi đối thoại "Xây dựng nhà nước pháp quyền và nền ngoại giao tự chủ".

Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2024), Tạp chí điện tử VietTimes tổ chức buổi đối thoại "Xây dựng nhà nước pháp quyền và nền ngoại giao tự chủ" với hai khách mời là ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Hoa Kỳ và ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Hai vị khách mời sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về sự ra đời của bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam và tư tưởng ngoại giao “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

LTS: Thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là một minh chứng hùng hồn cho sự đúng đắn của đường lối giải phóng dân tộc, mà người chủ xướng là lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhà yêu nước vĩ đại, nhà cách mạng dân chủ tiêu biểu của thời đại.

Những tưởng với tính chất của cuộc cách mạng dân chủ nhân dân, lại xuất phát từ thực tế của một nước phong kiến lạc hậu, một dân tộc nhược tiểu, Đảng Cộng sản Đông Dương lúc đó và các lãnh tụ của cuộc cách mạng tháng Tám sẽ lựa chọn con đường xây dựng một nhà nước hoàn toàn không có quan hệ gì với mô hình tổ chức nhà nước pháp quyền (NNPQ) - một mô hình nhà nước do các nhà tư tưởng tư sản đề ra trong cuộc cách mạng lật đổ sự thống trị của nhà nước phong kiến chuyên chế; loại hình nhà nước đòi hỏi phải được xây dựng trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật, phải bảo vệ Hiến pháp và pháp luật và điều hành xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật.

Nhưng trong những điều kiện chính trị - xã hội cực kỳ phức tạp của Việt Nam khi vừa giành được chính quyền, khi việc đối phó, ứng xử với những vấn đề phát sinh về nội trị, ngoại giao cực kỳ phức tạp, tế nhị thì Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ của cuộc cách mạng vẫn tính đến việc mà lúc bấy giờ chưa hẳn đã có nhiều người nghĩ đến, vì đó như là một chuyện xa vời lại có phần mạo hiểm: Tiến hành tổng tuyển cử tự do toàn dân trong phạm vi cả nước nhằm bầu ra một Quốc hội lập hiến làm ra một Hiến pháp dân chủ để nhân dân vừa được hưởng quyền tự do dân chủ, vừa thể hiện bản chất dân chủ của xã hội mới, đồng thời thể hiện vị trí làm chủ của nhân dân trong chế độ mới, xoá bỏ đi tình trạng: Chế độ quân chủ chuyên chế rồi chế độ thực dân cai trị không kém phần chuyên chế trong nhiều thế kỷ, nếu Việt Nam không có Hiến pháp, nhân dân không được hưởng quyền tự do, dân chủ.

Như vậy, ý tưởng lập hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện thật rõ ràng, kiên định. Ý tưởng và việc làm này của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là dấu hiệu đặc trưng tiêu biểu thể hiện quan niệm về việc xây dựng một NNPQ dân chủ: Trong một NNPQ không thể thiếu một bản Hiến pháp làm rường cột mà nội dung cơ bản là thiết kế một nền dân chủ bảo đảm để người dân có thể được hưởng quyền tự do dân chủ.

Hiến pháp mang khát vọng dân tộc Việt Nam và giá trị thời đại

- MC: Chúng ta thấy sự ra đời của bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 là nền tảng đảm bảo quyền lợi cho người dân cũng như thể hiện bản chất dân chủ của đất nước ta, vậy hai khách mời có những quan điểm như thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Sỹ Dũng: Bản Hiến pháp rất quan trọng, có nhiều góc nhìn, đặc biệt là tư tưởng về quyền con người, quyền công dân, Hiến pháp là một bản khế ước xã hội. Người Việt chúng ta sau khi giành được độc lập đã thỏa thuận với nhau sống như thế nào, theo nguyên tắc nào, những giá trị nào chúng ta bảo vệ, chúng ta xây dựng mô hình nhà nước để phụng sự nhân dân như thế nào, tất cả những điều này phản ánh trong Hiến pháp.

Ở nghĩa cạnh thứ hai cũng rất quan trọng, đó là nền tảng của pháp quyền, bởi Hiến pháp là đạo luật cao nhất, các luật phía dưới đều phải tuân thủ và không có gì cao hơn Hiến pháp. Như vậy, Hiến pháp năm 1946 là Hiến pháp hết sức đặc biệt để đảm bảo tính tối thượng của Hiến pháp.

Hiến pháp 1946 là do Quốc hội lập hiến tạo dựng. Sau khi thông qua Hiến pháp năm 1946, nước ta không có Quốc hội mà có Nghị viện nhân dân nhiệm kỳ 3 năm. Có 2 yếu tố cao cả của Hiến pháp năm 1946, thứ nhất Hiến pháp do Quốc hội lập hiến làm, không phải Quốc hội lập pháp làm. Thứ hai, hiến pháp đề ra đòi hỏi phải đưa ra toàn dân phúc quyết, chủ thể cao nhất của quyền lực là nhân dân.

Hiến pháp năm 1946 quy định rất đầy đủ các quyền của người dân, phản ánh đúng tinh thần mà Bác Hồ nói trong Tuyên ngôn độc lập, quyền con người cơ bản của công dân được quy định rất rõ trong hiến pháp năm 1946.

Ông Phạm Quang Vinh: Tôi cũng nhất trí với quan điểm của nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, bản Hiến pháp rất đặc biệt của đất nước Việt Nam. Nhìn rộng ra bối cảnh thế giới, vào thời khắc chúng ta giành được độc lập năm 1945, lúc đó thế giới và khu vực Đông Nam Á, nhiều nước còn là thuộc địa. Ngay lúc đó, chúng ta đã xác lập nên thiết chế của đất nước là thiết chế dân chủ cộng hòa.

3.png
Ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Thứ hai, chúng ta phải lấy cái đó là nhà nước do dân và của dân, thể hiện bằng cách cao nhất là bầu Quốc hội để Quốc hội đó lập ra Hiến pháp.

Thứ ba, vận dụng những giá trị văn minh nhất của thời đại vào thời điểm đó liên quan đến quyền con người, liên quan đến dân chủ, liên quan đến các thiết chế kiềm chế quyền lực là pháp quyền và các quyền của những thành phần trong xã hội, không phân biệt giới tính, ngôn ngữ, sắc tộc…

Tôi cho rằng Hiến pháp 1946 vừa thể hiện được cái riêng của Việt Nam khi thoát khỏi ách thực dân để giành được độc lập, tuyên bố một nhà nước Việt Nam mới nhưng cũng thể hiện giá trị văn minh của nhân loại rất cao.

- Ngày 2/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh trích tuyên ngôn độc lập của Mỹ vào năm 1776. Vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại viện dẫn Tuyên ngôn độc lập của Mỹ vào năm 1776 mà không phải của nước khác, mặc dù nhiều năm đã hoạt động ở Pháp, rồi đến nước Nga, nghiên cứu cả luận cương của Lênin?

Ông Phạm Quang Vinh: Trong tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ đã nói lên những giá trị của quyền con người, từ quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc và các quyền tự do cơ bản khác của con người. Nó rất trùng hợp với giá trị căn bản mà Bác Hồ muốn phấn đấu cho người dân Việt Nam.

Điểm thứ hai, chúng ta vừa ra khỏi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và nguy cơ của một cuộc chiến tranh vẫn còn đó. Thế nên, câu chuyện Hồ Chủ tịch vừa trích cả tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền của Pháp vừa trích cả tuyên ngôn độc lập của Mỹ để thấy rằng chúng tôi chia sẻ giá trị mà dân tộc các anh đã nói với thế giới và bây giờ anh phải tôn trọng những dân tộc khác.

Điểm thứ ba, thời điểm đó là sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong suốt quá trình kháng chiến của Việt Nam, Bác Hồ cũng từng nói “Cách mạng của Việt Nam đứng về phía phe đồng minh, đứng về phía dân chủ để chống phát xít”. Song, có lẽ cái cao nhất vẫn là sự song trùng những giá trị căn bản nhân bản về quyền con người và quyền dân tộc.

Ông Nguyễn Sỹ Dũng: Thực chất Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, đoạn trích phản ánh những thứ Bác Hồ đang đấu tranh cho dân tộc cho nhân dân ta. Nếu chúng ta đang nói về nhà nước pháp quyền thì đó là nền tảng quan trọng nhất của nhà nước pháp quyền. Vì nhà nước pháp quyền là nhà nước sinh ra để bảo vệ quyền con người, cái đó rất quan trọng.

anh-2-1770.png
Ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Chia sẻ ý kiến của ông Phạm Quang Vinh, bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ rất quan trọng. Bởi vì, thực tế lúc ấy phe đồng minh sẽ thắng, nếu chúng ta muốn giữ nền độc lập dễ dàng hơn thì không chỉ chuyện chúng ta chia sẻ giá trị đó mà sâu xa phản ánh nền ngoại giao “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

Đối với người Việt chúng ta, lời nói “trăm năm làm thuộc địa, làm nô lệ” có sự thôi thúc rất lớn. Theo suy luận chủ quan của tôi, đấy là nguyên nhân thứ ba lý giải tại sao Bác Hồ lại trích Tuyên ngôn độc lập của Mỹ.

- Những gì thuộc về lịch sử dân tộc sẽ luôn sống mãi trong lòng người dân Việt Nam, và ngôi nhà 48 Hàng Ngang là minh chứng lịch sử cho bản tuyên ngôn độc lập được phát đi vào ngày 2/9/1945. Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra nhiệm vụ cần phải có một hiến pháp dân chủ sớm và đến ngày 9/11/1946, thì Quốc hội thông qua Hiến pháp đầu tiên. Hiến pháp cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác lập thể chế của Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Nhiều người cho rằng đây là bản Hiến pháp tiến bộ và thể hiện tầm nhìn chiến lược kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vậy thì quan điểm của hai khách mời về những vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Sỹ Dũng: Tôi nghĩ Hiến pháp năm 1946 là một Hiến pháp không chỉ rất đặc biệt mà còn rất tiến bộ. Vào thời điểm đó so với xung quanh có lẽ là Hiến pháp tiến bộ nhất, cho đến ngày hôm nay còn rất nhiều quy định giá trị của nó vẫn mang ý nghĩa thời sự, vẫn là nền tảng để chúng ta có thể cải cách đổi mới trong quá trình phát triển đất nước. Hiến pháp năm 1946 đầu tiên xác lập quyền làm chủ của nhân dân, đó là nguyên tắc cơ bản của chế độ dân chủ.

Thứ hai xác lập nền tảng của pháp quyền. Nền tảng của pháp quyền thể hiện rõ qua các quy phạm pháp luật ở trong Hiến pháp, Chương điều của Hiến pháp. Quan trọng nhất việc tổ chức nhà nước, công bố công khai các quyền con người của người dân. Những quyền cơ bản nhất, tạo động lực cho kinh tế, tạo tự do cho con người, như quyền tư hữu.

Quyền tư hữu không chỉ là quyền bảo đảm tự do, nó là động lực kinh tế. Hiến pháp 2013 còn thúc đẩy tính chất động lực kinh tế ở điều này cao hơn, công nhận quyền sở hữu tư nhân.

Thực chất Hiến pháp năm 1946 là kiểm soát quyền lực giữa Lập pháp và Hành pháp giữa Nghị viện nhân dân và Chính phủ rất rõ. Trong đó, nói vai trò giám sát của Nghị viện nhân dân, thậm chí nói rõ trong thời gian nghị viện không họp thì Ban thường vụ có quyền kiểm soát và phê bình Chính phủ.

Ở đây rõ ràng thiết chế kiểm soát lẫn nhau rất rõ. Việc Kiểm soát cũng thể hiện ở thiết chế hệ thống tòa án, tòa án không trùng với hệ thống chính trị. Những nguyên tắc cơ bản xác nhận hệ thống thể chế quyền lực để cân bằng kiểm soát lẫn nhau trong Hiến pháp 1946 rất tốt.

Ông Phạm Quang Vinh: Tôi nhất trí (với ý kiến của ông Nguyễn Sỹ Dũng). Hiến pháp tạo ra nước Việt Nam mới mà quy định bằng văn bản cao nhất. Cơ chế tổ chức bộ máy kiểm soát quyền lực, ngay cả những điểm rất nhỏ về quyền của người dân, nguyên tắc suy đoán vô tội ở trong hiến pháp quy định rất rõ, không một ai bị bắt giữ nếu không có tòa án phán quyết.

Những câu chuyện đó hay những quyền tư hữu, những quyền tự do khác, nếu chúng ta thấy rằng chúng ta thoát khỏi nhà nước phong kiến, chúng ta lại ở chế độ chủ nghĩa thực dân và trải qua các cuộc kháng chiến, một bản hiến pháp mang đầy đủ khát vọng của dân tộc Việt Nam nhưng cái tầm của thời đại và những giá trị văn minh thời đại đến nay vẫn còn rất nhiều giá trị đặc biệt đối với chúng ta.

- Trong ngày 3/9/1945, khi đề nghị Chính phủ xây dựng Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng yêu cầu “tiến hành tổng tuyển cử càng sớm càng tốt với chế độ phổ thông đầu phiếu”. Vì sao khi mới thành lập nước, chính quyền còn non trẻ, “tứ bề thọ địch” Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể tin tưởng tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu?

Ông Nguyễn Sỹ Dũng: Về mặt pháp lý, bầu cử rất cần thiết để bảo đảm tính chính danh của chính quyền mới, bởi vì rõ ràng là đã tồn tại một nhà nước trước, có vua Bảo Đại. Cuộc bầu cử ngày 3/9 là hoạt động rất quan trọng để xác định tính chính danh của chính quyền mới, của nhà nước mới, vì quyền lực là từ dân, thể hiện qua việc bầu cử.

Về đối ngoại, nếu không có bầu cử sớm thì công nhận của Quốc tế rất khó. Chính quyền được người dân chính thức hóa, hợp pháp hóa bằng cách bầu cử, việc này rất quan trọng cả về đối ngoại. Đó là lý do tại sao chúng ta phải có cuộc bầu cử sớm, đồng thời cuộc bầu cử cũng là một công cụ rất quan trọng thể hiện ý chí, sự đoàn kết của cả dân tộc, đối diện với thời kỳ mới, tầm nhìn mới, thách thức mới của dân tộc. Với niềm tin vào người dân của mình, Bác dũng cảm thúc đẩy tổ chức cuộc bầu cử tổng tuyển cử thành công.

Ông Phạm Quang Vinh: Tôi còn nhớ Bác đã viết và nói rằng “dân ta thông minh lắm” và “dân ta có thể biết cách lựa chọn và quyết định được họ sẽ bỏ phiếu một cách đúng đắn”.

Niềm tin Bác đặt vào dân trong bối cảnh, cách mạng Việt Nam do Bác dẫn dắt mang lại độc lập cho dân tộc và mang lại khát vọng về quyền con người về hạnh phúc ấm no cho dân tộc nên Bác có đủ niềm tin là người dân tin cậy vào đội ngũ của cách mạng Việt Nam do Bác dẫn dắt. Thứ hai là phải có chuẩn bị. Nhưng cái thứ ba quan trọng hơn, Người nghĩ rằng tổng tuyển cử chính là lấy sứ mạng do nhân dân giao để chính quyền và Quốc hội có thể đảm nhiệm, quản lý xã hội này. Tổng tuyển cử có ý nghĩa như vậy.

- Vào năm 1922, trong “Việt Nam yêu cầu ca”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò của pháp luật bằng hai câu thơ: “Bảy xin hiến pháp ban hành/ Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Thần linh pháp quyền theo tư tưởng Hồ Chí Minh được hiểu như thế nào?

Ông Nguyễn Sỹ Dũng: Thực chất đây là câu thơ của Bác mô tả nói rất sâu về pháp quyền.

Đầu tiên “Bảy xin hiến pháp ban hành”, rõ ràng pháp quyền gắn với hiến pháp. Câu thứ hai “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”, ý này rất hay, thứ nhất pháp quyền gắn với thần linh, Bác đã nâng cao giá trị pháp quyền, nó thiêng liêng như thần linh.

Tại sao lại nói thiêng liêng như thần linh ở đây? Chúng ta đọc Tuyên ngôn độc lập của Bác sẽ thấy mối liên hệ. Khi Bác trích Tuyên ngôn độc lập của Mỹ, Bác bảo “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng, tạo hóa ban cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được", thần linh nó nằm ở chỗ những quyền con người do tạo hóa ban cho.

Ông Phạm Quang Vinh: Tổ chức nhà nước bảo đảm rằng Nhà nước do dân và vì dân thì mọi nền tảng phải dựa trên pháp quyền, cái đó là cao nhất. Có lẽ nó không chỉ là văn bản mang tính quy phạm mà nó còn cả linh hồn mang tư tưởng pháp quyền. Vậy nên tinh thần nhà nước pháp quyền phải thấm nhuần vào trong cả những văn bản cao nhất là hiến pháp, luật pháp…

Trong tổ chức bộ máy nhà nước làm sao bảo đảm cao nhất pháp quyền và quyền của người dân thì nó còn cả linh hồn nữa. Linh thiêng hóa nó đi thì nó ở mức cực kỳ cao, có lẽ tinh thần đó còn xuyên suốt mãi trong quá trình xây dựng các văn bản luật hay nhà nước pháp quyền của Việt Nam.

Vận dụng, phát huy tư tưởng ngoại giao “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”

- Ngày 31/5/1946, trước khi lên đường sang Pháp cứu vãn hòa bình cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với cụ Huỳnh Thúc Kháng (khi đó là Bộ trưởng Bộ Nội vụ) rằng: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng với anh em giải quyết. Mong cụ “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đây chính là tinh thần cốt lõi của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Ý kiến của các ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Phạm Quang Vinh: Ở đây có hai câu chuyện, thời khắc lúc đó đất nước rất mong manh “ngàn cân treo sợi tóc”, chính quyền còn non trẻ. Đất nước “tứ bề thọ địch”, Pháp nhăm nhe xâm lược, cho nên để giữ được chính quyền non trẻ đó là một câu chuyện rất lớn.

Bác dặn lại là giữ “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” vào thời khắc đó cái bất biến lớn nhất, lợi ích cao nhất lúc đó là phải giữ được chính quyền, phải bảo đảm được cái mà chúng ta đã đạt được qua Cách mạng tháng 8 và Tuyên ngôn độc lập 2/9 để ứng xử.

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là điều rất quan trọng Bác dặn và sau này được phát triển là những gì thuộc lợi ích căn bản của Quốc gia là những nguyên tắc bất biến, vận dụng nó ở những thời cuộc khác nhau trong tương tác với đối tác khác nhau để có thể ứng xử linh hoạt.

Sau này, Người còn dặn là “dĩ bất biến” để "ứng vạn biến", nhưng “ứng vạn biến” vẫn phải phục vụ "dĩ bất biến", chứ không phải làm lu mờ "dĩ bất biến". Cả hai vế đều đóng góp cao nhất cho lợi ích Quốc gia. Tôi nghĩ rằng, "dĩ bất biến" là thủ thuật ngoại giao rất đặc sắc của Chủ tịch Hồ CHí Minh.

Tháng 5 Bác đi Pháp để chuẩn bị cho hòa ước với Pháp, sau này chúng ta vẫn gọi "hòa để tiến", ngay chữ này đã thể hiện cái rất rõ “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Hòa là chúng ta giữ được môi trường hòa bình, vẫn giữ được nền độc lập, không ảo tưởng, vẫn có thời gian cảnh giác, có thời gian để chuẩn bị lực lượng trong cuộc kháng chiến mới.

Ông Nguyễn Sỹ Dũng: Tôi cho rằng tư tưởng này rất quan trọng nó dẫn dắt các cố gắng ngoại giao của chúng ta, bởi vì, thực chất các bối cảnh nhiều khi chúng ta thỏa hiệp, có sự mềm mỏng nhưng tất cả những thứ đó không được xâm phạm đến lợi ích cơ bản nhất của đất nước ta. Ông Churchill (Thủ tướng Anh) từng nói “Không có bạn bè vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”.

- Tháng 2/1945, sau khi lực lượng Việt Minh cứu được trung uý phi công mỹ là William Shaw (máy bay của viên phi công này bị quân đội Nhật bắn rơi ở Việt Bắc), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp đưa viên phi công sang trao trả cho Bộ Tư lệnh Không quân số 14 của Mỹ đang đồn trú ở Vân Nam, thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ. Vậy thì vì sao mối bang giao Việt Nam – Hoa Kỳ lại không phát triển được như mong muốn?

Ông Phạm Quang Vinh: Đây có lẽ là tiếp xúc đầu tiên của Việt Minh, của Chủ tịch Hồ Chí Minh với phía Mỹ.

Cá nhân tôi cho rằng có hai ý có lẽ cần chú ý ở đây, một là tại thời điểm đó, rõ ràng Bác đã nhận ra được cuộc cách mạng Việt Nam đứng về phía phe dân chủ, phe đồng minh để chống phát xít.

Thứ hai, Bác cũng nung nấu ý tưởng muốn mở rộng quan hệ của Việt Nam sau khi giành được độc lập với tất cả các nước lớn, đặc biệt là với Mỹ. Không chỉ sử kiện vào tháng 2/1945 mà sau đó trong 2 năm đầu non trẻ của nền độc lập mới của dân chủ cộng hòa 1945 – 1946, Bác Hồ đã có 8 thư và điện thư cho Tổng thống Mỹ Harry S. Truman. Những thư đó đều có ý khẳng định Việt Nam đã giành được độc lập tự do. Việt Nam đã giành được độc lập tự do, mong muốn hợp tác cùng có lợi với tất cả các quốc gia khác, Việt Nam mong muốn có hợp tác đầy đủ với Mỹ.

Thứ ba là Việt Nam mong muốn có sự hợp tác đầy đủ và sau này khi chúng ta định hướng cho quan hệ Việt - Mỹ vào năm 2013.

Vào thời điểm đó, cách nhìn của cuộc cách mạng Việt Nam ở cả hai điểm, một là chúng ta gắn với dân chủ đồng minh trong phát xít, hai là dương cao ngọn cờ độc lập của chính mình nhưng đồng thời là muốn hội nhập và hợp tác với các nước, đặc biệt là các nước lớn.

Chính sách của nước Mỹ, chính sách của các cường quốc khác vào thời điểm ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc có tổ chức lại thế giới, có liên hợp quốc để duy trì trật tự mang lại hòa bình cho nhân loại và cứu vãn nhân loại. Cứu nhân loại khỏi các cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, thế giới thứ 2 nhưng thực tế sau đó lại rơi vào chiến tranh lạnh, phân cực thế giới thành 2 phe.

Thời điểm đó, bất cứ nhen nhóm ngọn lửa nào khác với phương Tây thì có thể lan truyền ra các nơi khác, cho nên những sự kiện lịch sử đã làm cho quan hệ Việt - Mỹ được Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn khởi động, nhen nhóm từ 1945 – 1946 đã không trở thành hiện thực.

- Trong những hoàn cảnh cụ thể, và lúc này, lúc khác, dường như chúng ta không quán triệt được tư tưởng “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” nên đã bỏ lỡ những cơ hội ngoại giao đáng tiếc. Thậm chí chúng ta không những không quán triệt mà còn lúng túng trong vận dụng “ứng vạn biến”. Có lúc ghi hẳn vào các tài liệu chính thống, nêu hẳn nước này là bạn và ngược lại. Các ông bình luận như thế nào về vấn đề này?

Ông Phạm Quang Vinh: Ở đây có cả hai phía, cả nhận thức chủ quan của những thời khắc lịch sử khác nhau và có cả hoàn cảnh khách quan buộc mình phải làm như vậy.

Chúng ta còn nhớ chúng ta đã từng ghi nền tảng của đối ngoại Việt Nam là hợp tác với Liên Xô, chúng ta từng ghi hai cường quốc lớn nhất bây giờ vào trong Hiến pháp đều là những kẻ thù.

Ví dụ sau thời khắc Chiến tranh thế giới thứ hai thì có cuộc Chiến tranh lạnh và cuộc Chiến tranh lạnh đó phân thành hai phe, đối đầu nhau. Thậm chí đấu tranh để triệt tiêu nhau giữa Liên Xô và Mỹ, đi kèm theo đó là hai hệ thống bên tư bản bên chủ nghĩa xã hội, chúng ta lại có cuộc kháng chiến bắt buộc để thúc đẩy cuộc kháng chiến đó ngoài nội lực của mình ra còn tranh thủ ngoại lực bên ngoài.

Vào thời điểm đó, ai có hể ủng hộ dân tộc Việt Nam để đấu tranh tiếp tục giữ vững độc lập, tự do của mình, toàn vẹn lãnh thổ của mình thì những người đó chúng ta phải dựa vào, đó là con đường lựa chọn vào thời điểm đó.

Như ông Sỹ Dũng nói thế giới họ cũng nói, không có ai là kẻ thù vĩnh viễn, không có ai là bạn vĩnh viễn, những người chia sẻ lợi ích, tôn trọng chúng ta thì đó là bạn.

Sau này chúng ta đưa ra chủ trương, cùng với độc lập tự chủ, sẽ là đa dạng hóa, đa phương hóa, làm bạn với tất cả các nước. Tôi cho rằng, chúng ta đã trở lại quỹ đạo “Di bất biến, ứng vạn biến”. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngoài “Di bất biến, ứng vạn biến” ra còn có những câu chuyện hòa hiếu, thêm bạn bớt thù, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

- Ngày 14/12/2021, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến “trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”. Ông bình luận như thế nào về chỉ đạo này?

Ông Nguyễn Sỹ Dũng: Thực chất đấy là cái cụ thể hóa cập nhật hóa tư tưởng “Di bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ở thời điểm như thế này diễn đạt "ngoại giao cây tre" cũng là phổ thông hóa để người dân dễ hiểu hơn. Còn “Di bất biến, ứng vạn biến” vẫn là tiếng Hán. Còn hình tượng cây tre thì người dân tiếp cận, cảm nhận dễ dàng hơn, như vậy, tính cập nhật của nó cao hơn.

Ông Phạm Quang Vinh: Quay trở lại năm 1945 và 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh có tầm nhìn chiến lược lớn và chỉ đạo cả đất nước này trong đó có đối ngoại.

Một là đất nước non trẻ đó mình vẫn nói là Nhà nước của dân do dân và vì dân và Nhà nước pháp quyền. Với bên ngoài Bác lại khẳng định phải tạo môi trường quan hệ tối trên cơ sở bình đằng và tôn trọng tự quyết của nhau, cùng có lợi. Đây là nguyên tắc trong quan hệ tất cả các quốc gia, trong đó có quốc gia láng giềng và đặc biệt có quan hệ với các nước lớn, trong đó có Hoa Kỳ.

Lời kêu gọi Liên hợp quốc năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước, mở cửa hợp tác cùng có lợi. Sẵn sàng chào đón các nhà tư bản mang tiền vào đây, mang công nghệ, mang nhân lực vào để giúp cho Việt Nam phát triển. Sẵn sàng hợp tác trong khuôn khổ kinh tế khác nhau, dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc, sẵn sàng tham gia hoạt động hợp tác về quân sự, an ninh.

Tư tưởng mở rộng quan hệ quốc tế nhấn vào các đối tác chủ chốt là láng giềng, khu vực các nước lớn và nhấn vào hội nhập quốc tế và nhấn vào khuôn khổ Liên hợp quốc đã từ thời đó.

- Sáng 3/8/2024, sau khi được bầu làm Tổng Bí thư tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã trao đổi với báo chí, trong đó có các nội dung về chính sách đối ngoại của Việt Nam. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định, “tiếp tục thực hiện hiệu quả ngoại giao thời đại mới trên cơ sở cốt cách con người Việt Nam, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, hòa hiếu, lấy chí nhân thay cường bạo". Như vậy, Đảng, nhà nước ta lấy tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho thời kỳ mới. Hai ông nhận định như thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Sỹ Dũng: Tôi nghĩ rằng đường lối ngoại giao bắt đầu từ những chỉ đạo, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn được tiếp nối qua thời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho đến bây giờ là Tổng Bí thư mới.

Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cho thấy sự nhất quán từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập và đấy là một cái triết lý phương châm của chính sách đối ngoại đưa dân tộc ta vượt qua rất nhiều thử thách, giành được nhiều thắng lợi. Nếu chúng ta tiếp tục như vậy thì có đầy đủ cơ sở để tin tưởng rằng chúng ta sẽ bảo đảm được điều kiện quốc tế, thuận lợi, giữ được hòa bình kiến tạo được sự phát triển để đất nước trở nên hùng cường và thịnh vượng.

Ông Phạm Quang Vinh: Cả hai Tổng Bí thư gần đây nhất của chúng ta đều rất quán triệt và thừa kế, phát huy được tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh cả về tầm nhìn đến thủ thuật ngoại giao.

Câu chuyện về “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, nếu chúng ta nhìn lại từ Đại hội XIII đến nay, rõ ràng trong bối cảnh thế giới, cạnh tranh nước lớn gia tăng rất quyết liệt. Thế giới ngày càng hướng tới phân tách nhiều hơn.

Năm 2023, 2024, chúng ta đã có một thành tựu về mặt đối ngoại, tôi gọi đây là di sản rất lớn của đất nước Việt Nam, với sự dẫn dắt của Đảng, với sự dẫn dắt của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chúng ta đón cả hai lãnh đạo hai cường quốc lớn nhất là Tổng bí thư Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden của Mỹ, nâng cấp quan hệ với những đối tác chủ chốt nhất của Việt Nam. Việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc cùng các nước hợp tác chiến lược đã tạo thành vị thế mới, môi trường chiến lược mới, rất thuận lợi cho cả an ninh và cho cả sự phát triển của Việt Nam.

Vào thời điểm này, chúng ta có một vị thế, một cơ đồ rất thuật lợi như Đảng đã nhận định. Chúng ta chuẩn bị bước vào Đại hội XIV, có hai mục tiêu 100 năm hướng tới 2030 và 2045 để đưa đất nước Việt Nam này vững mạnh hơn, thịnh vượng hơn, người dân tốt hơn.

Tôi đọc rất kỹ bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm. Một là chúng ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên này là kỷ nguyên vươn lên của dân tộc. Thứ hai, để chúng ta làm cả đối nội, phát triển, đối ngoại phải với một tâm thế mới của đất nước Việt Nam.

Thứ ba, chúng ta có tâm thế mới, chúng ta bước vào kỷ nguyên mới, có đủ năng lực và môi trường Quốc tế để chúng ta mở rộng không gian phát triển. Vừa tăng nội lực của mình, cải cách đổi mới kinh tế trong nước, xây dựng nhà nước pháp quyền trong nước đi đôi với tăng cường hội nhập quốc tế, nhất là trào lưu về chuyển đổi số, phát triển xanh, phát triển bền vững.

- Có thể nói, chưa bao giờ Việt Nam chúng ta có một vị thế thuận lợi như ngày nay về ngoại giao. Việt Nam có quan hệ Đối tác chiến lược với 18 nước; trong đó có 7 quốc gia là đối tác chiến lược toàn diện. Đó là: Trung Quốc (2008), Liên bang Nga (năm 2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022), Mỹ (9/2023), Nhật Bản (11/2023) và Australia (2024). Như vậy là cả 3 siêu cường, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga đều là những đối tác được nâng lên tầm cao nhất về ngoại giao. Cả 3 người đứng đầu 3 siêu cường đều tới thăm Việt Nam vừa qua. Điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam?

Ông Phạm Quang Vinh: Có ba thứ, chúng ta đã chứng minh được rằng họ cần mình và họ thiết lập quan hệ với mình là tốt. Cái thứ hai, chúng ta cũng đã đóng góp vào quan hệ hợp tác với họ về các vấn đề trong khu vực này và thế giới, cho nên chúng ta có những cái vị thế nhất định.

Thứ ba, các nước lớn đang cạnh nhau rất quyết liệt thì chính sách độc lập, tự chủ đa dạng hóa đa phương hóa cộng với câu chuyện vừa làm bạn vừa “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, chúng ta giữ được nguyên tắc, không đứng bên này chống bên kia. Tiếp nữa là chính sách đối ngoại của chúng ta ứng xử vừa giữ vững nguyên tắc, vừa xây dựng mối quan hệ hai bên cùng có lợi.

Ông Nguyễn Sỹ Dũng: Tôi thấy đây là thành tựu rất lớn, bởi vì các nước có khi đối đầu nhau, cạnh tranh nhau nhưng nước ta lại làm bạn được với tất cả. Tôi nghĩ đó là thành tựu ít các nước có được, ít thời kỳ có được. Tôi tin rằng với lãnh đạo mới, chúng ta vẫn cân bằng được và lợi ích của dân tộc vẫn được bảo đảm.