Dẹp sạch SIM rác từ 30/9, có khả thi?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – “Hoàn toàn có thể ngăn chặn được SIM rác”, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã khẳng định như vậy tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội hôm 10/8.

Theo đó, từ 1/8, những thuê bao mở mới phải được xác nhận thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến 30/9, các nhà mạng và ban ngành sẽ hoàn thành đối sánh dữ liệu thẻ SIM với kho dữ liệu công dân. Qua đó, làm sạch những thuê bao rác đang có trên thị trường.

Nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Cũng tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ này đang làm việc với các nhà mạng để liên kết với cơ sở dữ liệu dân cư, thẻ căn cước công dân gắn chip để làm chính xác lại thông tin đăng ký trên thuê bao.

“Đây sẽ là giải pháp căn cơ”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng Hùng đánh giá. Theo yêu cầu của Chính phủ, trong tháng 9, toàn bộ thuê bao phải được liên kết với cơ sở dữ liệu dân cư. Ông Hùng tin rằng, khi SIM rác giảm, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, tống tiền, mạo danh cũng sẽ giảm.

“Thông tin thuê bao chính xác sẽ giúp cơ quan chức năng điều tra, xử lý đúng người”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Vấn nạn sim rác

Thực tế, vấn nạn SIM rác đã có từ lâu và không phải đến bây giờ các cơ quan hữu trách mới có động thái để ngăn chặn SIM rác.

Trước đây, để mở rộng quy mô thuê bao, các nhà mạng đã cho phép thuê bao kích hoạt SIM một cách ồ ạt mà không cần phải đăng ký, xác thực tên tuổi. Sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các nhà mạng siết lại việc này thì vấn nạn SIM rác mới tạm lắng xuống nhưng không hề chấm dứt.

Thông thường, người mua phải đến các phòng giao dịch của nhà mạng để mua SIM và kích hoạt. Nhưng hiện nay, người có nhu cầu có thể dễ dàng mua SIM tại các cửa hàng trên các tuyến phố, bất cứ SIM của nhà mạng nào với những mức giá đa dạng khác nhau.

Không chỉ SIM bán ngoài cửa hàng, người mua cũng dễ dàng sở hữu SIM thông qua các hội nhóm bán SIM trên mạng xã hội (Facebook, Zalo). Người mua chỉ cần nhắn thông tin và địa chỉ thì người bán sẽ "ship" hàng đến một cách nhanh chóng. Đôi khi, người bán cũng giúp kích hoạt SIM mà không cần thông tin cá nhân của người mua.

Một người mua SIM cho phóng viên VietTimes biết anh đã mua được 2 chiếc SIM mà không cần cung cấp thông tin cá nhân. Một trong số đó là SIM dữ liệu 4G.

Có thể dễ dàng mua SIM tại các cửa hàng trên các tuyến phố (ảnh: báo Thanh Niên)

Có thể dễ dàng mua SIM tại các cửa hàng trên các tuyến phố (ảnh: báo Thanh Niên)

Việc bán và kích hoạt SIM quá dễ dàng đã khiến nhiều người dân trở thành nạn nhân của SIM rác. Anh Hoàng Anh Tuấn ở quận Ba Đình phản ánh với VietTimes rằng anh nhiều lần nhận được cuộc gọi hoặc nhắn tin từ các số máy lạ mời chào tham gia chứng khoán, đầu tư bất động sản, mời học lớp tiếng Anh... "Ban ngày họ gọi thì còn chấp nhận được, có những cuộc họ nhắn tin vào tối muộn khiến tôi rất bực mình", anh Tuấn cho biết.

Anh Tuấn không phải là nạn nhân duy nhất của SIM rác. Hầu như người nào sử dụng điện thoại di động cũng đã ít nhất một lần nhận cuộc gọi hoặc tin nhắn mời chào sử dụng các dịch vụ, thậm chí có những người bị kẻ xấu dùng SIM rác lừa đảo hàng trăm triệu đồng.

Xử lý SIM rác quyết liệt hơn

Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2021 các cơ quan hữu trách đã thanh lọc, xử lý, giúp giảm 90% SIM khai báo không đúng quy định so với năm 2020.

Riêng trong giai đoạn từ tháng 7/2020 đến tháng 2/2022, các nhà mạng đã chặn 268.575 thuê bao có cuộc gọi nghi là cuộc gọi rác, ngăn chặn 87 triệu cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Hoàng Phương - Chánh thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm 2021 vẫn còn 1,1 triệu SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định. Cụ thể, Viettel có gần 10.000 thuê bao, VinaPhone có 1.500 thuê bao, MobiFone có hơn 10.000 thuê bao, Vietnam Mobile có hơn 11.000 thuê bao.

Trong số các thuê bao nói trên, có nhiều thuê bao được đại lý SIM thẻ dùng tên của người khác để kích hoạt SIM với số lượng lớn. Bộ Thông tin và Truyền thông phát hiện Viettel có hơn 3.000 giấy tờ kích hoạt cho khoảng 58.000 SIM, MobiFone có 4.000 giấy tờ kích hoạt cho 87.000 SIM, VinaPhone có 10 giấy tờ dùng để kích hoạt 791 SIM, Vietnam Mobile có 31 giấy tờ kích hoạt sẵn cho 20.000 SIM...

Trước thực trạng này, vào tháng 4 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành thanh tra 7 doanh nghiệp viễn thông di động gồm: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (đơn vị chủ quản Viettel); Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông Việt Nam (đơn vị chủ quản Vinaphone); Tổng Công ty Viễn thông MobiFone; Công ty cổ phần Viễn thông di động Vietnam Mobile; Công ty cổ phần Viễn thông di động Toàn cầu (Gmobile); Công ty cổ phần Viễn thông Đông Dương Telecom; Công ty cổ phần Mobicast.

Nội dung của cuộc thanh tra gồm: Kiểm tra SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định; Kiểm tra SIM có thông tin thuê bao đã thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu; Kiểm tra điều kiện giao dịch chung tại nhiều đại lý, địa bàn khác nhau; Kiểm tra đối với các sim thuê bao thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, thuê bao sử dụng quảng cáo, phát tán tin nhắn rác.

Hoạt động quảng cáo, buôn bán SIM rác trên các trang mạng vẫn diễn ra tràn lan, khó kiểm soát

Hoạt động quảng cáo, buôn bán SIM rác trên các trang mạng vẫn diễn ra tràn lan, khó kiểm soát

Thời gian qua, các doanh nghiệp viễn thông cũng đã có những biện pháp để xác định và loại bỏ SIM rác. Chẳng hạn Viettel và MobiFone gửi tin nhắn cho người dùng để nhờ họ xác nhận thuê bao vừa gọi đến (thường là cuộc gọi của các shipper) xem có phải là cuộc gọi làm phiền hay không. Người dùng phản hồi bằng cách bấm 0: không phải cuộc gọi làm phiền, hoặc bấm 1: cuộc gọi làm phiền.

Nhà mạng cũng dùng công nghệ Dữ liệu lớn (Big Data) và Trí tuệ nhân tạo (AI) để xác định cuộc gọi rác theo 5 tiêu chí mà Cục Viễn thông quy định, bao gồm: Tần suất thực hiện cuộc gọi, tỷ lệ cuộc gọi có thời gian liên lạc ngắn, tỷ lệ cuộc gọi có thời gian giữa các cuộc gọi ngắn, tỷ lệ gọi đi cho các thuê bao không có mối quan hệ, đặc điểm hành vi sử dụng.

Mặc dù cơ quan quản lý đã và đang thắt chặt việc đăng ký và sử dụng SIM, tuy nhiên có những kẽ hở vô ý hoặc hữu ý đã khiến cho SIM rác vẫn tồn tại ngoài thị trường. Việc xóa sổ SIM rác như kỳ hạn 30/9 mà Bộ trưởng Bộ Công an đề ra, rất cần sự vào cuộc quyết liệt và chung tay giữa Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các đơn vị liên quan.