Cụ thể, qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử (CPĐT), Quảng Nam đã có nhiều chuyển biến trong việc triển khai ứng dụng CNTT, tăng cường kết nối liên thông, mở rộng thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Mô hình CQĐT dần đi vào thực chất với hoạt động kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản 4 cấp, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã cơ bản hoàn thành.
Tuy nhiên, theo thống kê của UBND tỉnh, đến nay tỷ lệ hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 36a mới đạt 60%. Một số nhiệm vụ đã quá thời hạn nhưng chưa thực hiện xong, nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng như đề xuất cơ chế tài chính phù hợp cho đầu tư, ứng dụng CNTT, thiết lập các hệ thống thông tin nền tảng cho phát triển CPĐT, hay việc cấp phép qua mạng điện tử mới bước đầu được triển khai, chưa có kết quả cụ thể…
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, thực trạng này bắt nguồn từ việc kinh phí ứng dụng CNTT tại địa phương được phân bổ nhỏ lẻ, chưa đủ nguồn lực để triển khai các hệ thống lớn dùng chung cho tất cả các đơn vị.
Chính vì vậy, trên cơ sở bám sát hiện trạng và định hướng phát triển CQĐT của tỉnh, Trung tâm Chính phủ điện tử (Cục Tin học hóa, Bộ TT-0TT) đã tư vấn thiết kế xây dựng Kiến trúc CQĐT tỉnh Quảng Nam đảm bảo tuân thủ Khung Kiến trúc CQĐT của Việt Nam và các văn bản định hướng phát triển CPĐT/CQĐT của Trung ương và của tỉnh.
Với khung chương trình, lộ trình xây dựng CQĐT tỉnh Quảng Nam được chia làm 2 giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2020, và từ năm 2021 trở đi. Với lộ trình này, Quảng Nam hy vọng sẽ sớm phát triển toàn diện Chính quyền điện tử trên địa bàn toàn tỉnh
Cụ thể: trong giai đoạn 1 (2018-2020), Quảng Nam sẽ tập trung xây dựng nền tảng CQĐT với các nhiệm vụ trọng tâm như: Nâng cấp Cổng dịch vụ công trực tuyến, phần mềm Một cửa điện tử tại Trung tâm HCC và Xúc tiến đầu tư tại tại các Sở, ban, ngành, các đơn vị cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh đảm bảo khả năng đáp ứng yêu cầu phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và tích hợp, liên thông giữa các hệ thống, hướng đến hình thành kênh giao tiếp hành chính duy nhất của Chính quyền với Người dân và Doanh nghiệp;... Sang giai đoạn 2 (sau năm 2021) sẽ phát triển toàn diện CQĐT trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, việc xây dựng Kiến trúc CQĐT là rất cần thiết, nhằm tăng cường khả năng kết nối, tích hợp, liên thông, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, cơ sở hạ tầng; Tăng cường khả năng giám sát, đánh giá đầu tư, hướng đến triển khai ứng dụng CNTT đồng bộ, hạn chế trùng lặp, tiết kiệm chi phí và thời gian triển khai của các cơ quan nhà nước; Nâng cao tính linh hoạt, khả năng mở rộng, phát triển về lâu dài khi triển khai các hệ thống thông tin...